Theo nhìn nhận của các thành viên thị trường, đang mang lại hiệu ứng tích cực đối với TTCK, nhưng để đưa quy định mới này vào áp dụng sớm thì không hề đơn giản.

Đang xây dựng văn bản hướng dẫn

Liên quan đến một nội dung mà thị trường, giới đầu tư đang quan tâm là tỷ lệ nới room đối với từng ngành, lĩnh vực cụ thể ra sao, trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, với những lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành có quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa áp dụng đối với NĐT nước ngoài, thì áp dụng theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam cam kết mở cửa khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tỷ lệ sở hữu áp dụng đối với NĐT nước ngoài tuân thủ theo nội dung cam kết.

Với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, thì việc nới room phải thỏa mãn các điều kiện đặt ra. Còn lại những ngành nghề, lĩnh vực mà không có quy định khống chế về tỷ lệ sở hữu đối với NĐT nước ngoài, thì mở room tối đa; trong đó, tỷ lệ room áp dụng đối với NĐT nước ngoài sẽ do các DN tự quyết định.

Để khẩn trương đưa quy định mới về nới room nói riêng, Nghị định 60/2015 nói chung vào cuộc sống, lãnh đạo UBCK cho biết, cách đây khoảng 3 tháng, UBCK đã dự thảo 2 thông tư hướng dẫn Nghị định 60/2015.

Trong đó, ngoài dự thảo vừa công bố lấy ý kiến các thành viên thị trường là dự thảo Thông tư hướng dẫn việc chào bán chứng khoán ra công chúng, công ty đại chúng phát hành cổ phiếu hoán đổi, phát hành thêm cổ phiếu, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và chào mua công khai cổ phiếu của công ty đại chúng, dự thảo thông tư còn lại sẽ được UBCK công lấy ý kiến các thành viên thị trường ngay sau khi Nghị định 60/2015 chính thức được công bố.

Thách thức khi áp dụng

Nới room là bước đi tích cực đối với thị trường sau nhiều năm chờ đợi. Tuy nhiên, ý kiến từ các thành viên thị trường cho rằng, nhiều thách thức đặt ra khi muốn sớm áp dụng quy định mới này. Lý do là bởi quyết định nới room có liên quan đến nhiều quy định pháp lý khác, đơn cử như liên quan đến Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn (đang soạn thảo) về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh.

Tuy Luật Đầu tư đã quy định danh mục 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nhưng kết quả rà soát sơ bộ cho thấy còn tới 128 ngành nghề chưa quy định điều kiện đầu tư đối với NĐT nước ngoài; 21 ngành nghề chưa có quy định cả về điều kiện kinh doanh chung và điều kiện đầu tư với NĐT nước ngoài…

Một khi những vấn đề này chưa sớm được giải quyết, thì chưa dễ minh định ranh giới chi tiết cho việc xác định tỷ lệ nới room đối với nhiều ngành, lĩnh vực cụ thể áp dụng đối với NĐT nước ngoài. Thực tế trên cho thấy, để quy định nới room sớm đi vào cuộc sống, các cơ quan quản lý còn rất nhiều việc phải làm, trong đó nhiều việc rất khó, đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực cao của các cấp quản lý, thì mới phát huy tối đa hiệu ứng tích cực của quyết định nới room.

Mặt khác, quyết định nới room trao quyền quyết định cho DN, nên khi triệu tập họp ĐHCĐ để thông qua phương án nới room, nếu các cổ đông lớn hiệu hữu không đồng thuận, thì quyết định nới room không dễ được thông qua và áp dụng. Nói cách khác, hiệu ứng của nới room rộng hay hẹp, nông hay sâu còn tùy thuộc khá lớn vào động thái của chính các DN.            
Mở room là cú hích tương đối lớn cho TTCK
Ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc đầu tư Công ty Dragon Capital  

Nhà đầu tư nước ngoài đã mong đợi mở room từ rất lâu. Những công ty mở room và mức độ mở đủ lớn sẽ có được lợi thế. Đây sẽ là cú hích tương đối lớn cho thị trường chứng khoán.

Giả sử trước kia, khi đi huy động vốn, nhà đầu tư yêu cầu chúng tôi lên danh mục đầu tư để có thể giải ngân 500 triệu USD trong vòng 1 -2 năm, chúng tôi cũng cố gắng đưa ra, nhưng không chắc chắn về mặt thời gian vì phải chờ mở room hay chờ doanh nghiệp lên sàn… Do vậy, không có cơ sở để những quỹ lớn bỏ tiền vào. Chúng tôi chỉ kiếm được những quỹ quy mô khoảng 100-150 triệu USD.

Thông tin mở room được đưa ra nhiều lần, nhà đầu tư không muốn chờ đợi, mà không có thời hạn cụ thể. Nhà đầu tư cần thời gian chuẩn bị, vì vậy, thông tin mở room tác động lâu dài đến thị trường.

 
Nới room, NĐT ngoại sẽ có nhiều món ngon hơn để lựa chọn
 
 Bà Nguyễn Thanh Thảo, Tổng giám đốc CTCK Thiên Việt (TVS)
Nới room là câu chuyện được thị trường, giới đầu tư trong và ngoài nước chờ đợi từ nhiều năm nay. Việc Chính phủ vừa cho phép nới room sẽ có tác động tích cực đến TTCK cả về trước mắt và dài hạn.
Trong số hơn 600 DN đang niêm yết trên hai sở GDCK hiện tại, số lượng cổ phiếu tốt, chất lượng cao không nhiều và đã kín room với NĐT ngoại, nên phần nào cản trở dòng vốn đầu tư nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam. Do đó, khi quyết định nới room có hiệu lực, sẽ có nhiều món ngon hơn để các NĐT nước ngoài lựa chọn.

Tác động của việc nới room đến các nhóm ngành trên TTCK sẽ khác nhau. Với các DN cổ phần hình thành từ cổ phần hóa, nếu cổ đông Nhà nước tiếp tục nắm giữ cổ phần, mà không sớm thoái bớt, trong khi nếu đây là những cổ phiếu NĐT nước ngoài có nhu cầu tăng tỷ lệ sở hữu, thì hiệu ứng tác động của nới room sẽ hạn chế.
Tương tự, với những công ty, hoặc nhóm công ty mang tính chất gia đình, nếu họ tiếp tục muốn tăng tỷ lệ sở hữu, chứ không phải bán bớt cổ phiếu, thì cơ hội tăng tỷ lệ sở hữu với NĐT ngoại cũng gặp khó khăn.

Với các DN cổ phần tư nhân hoạt động trong những lĩnh vực tiềm năng mà NĐT nước ngoài quan tâm, nếu chủ DN sẵn sàng mở cửa để đón nhận nhân tố nước ngoài xuất hiện nhằm nâng cao chất lượng quản trị, cải thiện năng lực về vốn, công nghệ…, thì nhóm DN này có thể tạo hiệu ứng rất tích cực từ động thái nới room.
Việc nới room sẽ tác động hai chiều các DN, trong đó có nhóm ngành dịch vụ chứng khoán, đặc biệt là dịch vụ tư vấn mua bán, sáp nhập. Còn nhiều vấn đề phải được giải quyết để NĐT nước ngoài có thể sở hữu đến 100% các công ty niêm yết, trong đó có hoàn thiện hành lang pháp lý về sở hữu tài sản là bất động sản… Tác động tích cực của việc nới room sẽ rõ rệt hơn, nếu nền kinh tế, TTCK và cộng đồng DN Việt Nam tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nỗ lực cải cách.


Nới room mở ra nhiều cơ hội M&A


Ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên CTCK Kỹ thương (TCS)
Việc nới room được thị trường và các NĐT trong và ngoài nước hoan nghênh, bởi nó tạo thêm thanh khoản cho TTCK. Thông tin về việc nới room đã được thị trường biết đến từ nhiều tháng nay, nên tác động của thông tin này đến thị trường đã diễn ra trong thời gian dài vừa qua.

Trong trung và dài hạn, việc nới room sẽ mở ra nhiều cơ hội mua bán và sáp nhập (M&A) cho các NĐT nước ngoài muốn tham gia đầu tư vào các ngành nghề tiềm năng của Việt Nam. Việc nới room sẽ mở rộng đối tượng đầu tư và mang lại thêm cho chính các DN nhiều cơ hội hợp tác với nhiều NĐT tiềm năng khác.

Tương tự như các nhóm ngành, lĩnh vực khác, việc nới room sẽ đặt nhóm ngành dịch vụ chứng khoán đối mặt với nhiều áp lực cạnh tranh hơn, nhưng yếu tố tích cực là thị trường và NĐT sẽ có cơ hội sử dụng các dịch vụ đa dạng, có chất lượng tốt hơn.

Nguồn: Tinnhanhchungkhoan