Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố báo cáo chiến lược tháng 8. Nhìn chung, VDSC không lạc quan nhiều về TTCK tháng 8 và cho rằng không có nhiều yếu tố để thị trường tăng mạnh.

Lý do là nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng và bảo hiểm sau khi tăng hơn Index 15% và 4,7% trong tháng 7, hiện đã tìm được mặt bằng mới và đi ngang. Thứ hai là nhóm cổ phiếu midcaps đặc biệt là nhóm cổ phiếu thủy sản và dệt may sau khi tăng vọt nhờ dòng tiền đầu cơ và sự lạc quan quá mức về kỳ vọng đàm phán TPP, hiện đang có dấu hiệu cho thấy dòng tiền đầu cơ rút đi hoặc ít nhất đang chốt lời. Theo VDSC đây không phải là yếu tố tích cực về tâm lý.

VDSC dự báo VN-Index trong tháng 8 giao dịch quanh mốc 593 điểm đến 627 điểm và HNX-Index từ 80 điểm đến 85 điểm. Nhóm bluechips sẽ chững lại và nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình thấp sẽ phân hóa bởi câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp.

VDSC cho rằng một số ngành có triển vọng như ngành BĐS (được kỳ vọng có chuyển biến tích cực sau thông tư 07/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng giúp tạo niềm tin cho người mua nhà), ngành ô tô, riêng về các cổ phiếu ảnh hưởng bởi TPP, VDSC cho rằng khi câu chuyện TPP chưa đến hồi kết nhà đầu tư chỉ nên bám sát vào yếu tố nội tại của doanh nghiệp và không nên bị tác động bởi sự trồi sụt của thị trường.

VDSC cho rằng những phiên xanh đầu tháng sẽ là cơ hội cho những nhà đầu tư muốn chốt lời, bởi thanh khoản thị trường giảm dần về cuối tháng có thể khiến cho việc này không thuận lợi. Đối với nhà đầu tư dài hạn, cơ hội tích lũy thêm cổ phiếu có thể rõ ràng hơn vào cuối tháng.

Một số cổ phiếu triển vọng đầu tư dài hạn nhà đầu tư có thể cân nhắc

Nhóm cổ phiếu dệt may và thủy sản: Tuy giá cổ phiếu tăng nhanh trong thời gian ngắn, định giá của các cổ phiếu dệt may và thủy sản cũng không hẳn là kém hấp dẫn. Đỉnh điểm ngày 27/07, TCM giao dịch ở khoảng 10,7 lần EPS dự phóng năm 2015 (so với 9,0 lần cuối tháng Sáu). Tương tự, P/E forward của VHC và FMC ở những phiên tích cực nhất cũng chỉ khoảng 9,6 lần và 7,1 lần.

Trong trường hợp các phương tiện truyền thông tiếp tục lan truyền các thông tin không tích cực về TPP, các cổ phiếu nói trên có thể giảm về mức định giá hấp dẫn mục tiêu đầu tư dài hạn.

Các doanh nghiệp VLXD đang cho thấy sự tăng trưởng đáng lạc quan về KQKD. Trong đó, sản lượng tiêu thụ của các công ty xi măng đầu ngành như HT1, BCC, HOM, BTS đang tăng tốt trong khi biên LNST cũng được mở rộng. Ngành nhựa với đại diện lớn phía Nam là BMP cũng đã ghi nhận mức tăng mạnh về lợi nhuận trong hai quý đầu năm. Cùng với NTP, cổ phiếu BMP còn có thể được hưởng lợi đáng kể từ việc nới “room” cho NĐTNN.

Các cổ phiếu ngành sản xuất và bán lẻ ô tô cũng đang có nhiều yếu tố hỗ trợ. Nếu nhu cầu ô tô tăng mạnh đang hỗ trợ cho doanh số của các công ty phân phối như HHS, SVC, TMT và HAX thì xu hướng giảm giá của đồng JPY so với USD là cơ hội gia tăng lợi nhuận của HTL.

Nhóm cổ phiếu thủy điện và nhiệt điện: Tình hình khí tượng thủy văn những ngày qua có thể tác động tiêu cực đến hoạt động của các nhà máy nhiệt điện miền Bắc như PPC và NBP. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng là không nhiều và có thể chỉ mang tính tạm thời. Trong khi đó, các nhà máy thủy điện và nhiệt điện phía Nam như NT2, SHP, CHP, SHP, VSH, SJD, TMP… có thể hưởng lợi xu hướng tăng chung của giá điện trên thị trường.

Các cổ phiếu được VDSC đánh giá tích cực bao gồm:

o Ngành dệt may: TCM, STK và TNG

o Ngành BĐS: BCI, KDH, NBB và VPH

o Ngành xây dựng: LCG

o Ngành VLXD: DNP, BMP

o Ngành dầu khí: PGS, PVS

o Ngành điện: NT2

o Ngành bán lẻ: SVC

o Ngành khác: SKG, DHC, BMI, VSC

Hoàng Ly