Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC hướng dẫn giao dịch chứng khoán, trong đó có quy định cho phép NĐT được giao dịch trong ngày. Chiếu vào các quy định và điều kiện để CTCK được thực hiện nghiệp vụ cung cấp giao dịch trong ngày, trên thị trường hiện tại mới chỉ có khoảng 10 CTCK đáp ứng được yêu cầu như SSI, ACBS, VPBS, HSC, MBS…
Liên quan đến vốn, dự thảo Thông tư yêu cầu các CTCK phải có cả vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ đều đạt từ 800 tỷ đồng trở lên. Số CTCK đạt chỉ tiêu về vốn chủ sở hữu hiện nay chỉ dừng lại trên dưới 10 công ty như BVSC, VCBS, Bản Việt, VietinbankSC… Vốn chủ sở hữu của những CTCK này hiện đạt trên 1.000 tỷ đồng, nhưng vốn điều lệ chỉ đạt từ trên 700 tỷ đồng.
Nhìn vào yêu cầu cả vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu đều phải đạt từ 800 tỷ đồng trở lên, một số CTCK cho rằng, đối với CTCK thì vốn chủ sở hữu quan trọng hơn, vì nó phản ánh năng lực tài chính của CTCK, trong khi vốn điều lệ ghi nhận tỷ lệ góp vốn của các cổ đông.
Trao đổi với ĐTCK, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó tổng giám đốc CTCK Bảo Việt (BVSC) cho biết, vốn điều lệ của BVSC hiện tại là 722 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu cao gần gấp đôi, đạt 1.341 tỷ đồng. Theo bà Thủy, yêu cầu về vốn nêu trên căn cứ vào chỉ tiêu vốn chủ sở hữu sẽ hợp lý hơn. Tuy nhiên, tăng vốn điều lệ cũng là cần thiết để các CTCK tham gia các sản phẩm mới, sân chơi mới như thị trường phái sinh, nên việc tăng vốn đang là vấn đề tất yếu đặt ra đối với BVSC. Công ty đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 1.000 tỷ đồng bằng cách phát hành cổ phiếu thưởng, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cho cán bộ, nhân viên. Công ty đang chờ HĐQT phê duyệt con số cụ thể trong kế hoạch tăng vốn này, sau đó sẽ trình xin ý kiến cổ đông.
Lãnh đạo VietinbankSC cho hay, Công ty đã có lộ trình và kế hoạch cho việc tăng vốn điều lệ lên hơn 1.000 tỷ đồng, điều này được cụ thể hóa trong Nghị quyết ĐHCĐ năm 2015.
Với mức vốn điều lệ 700 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu hơn 1.100 tỷ đồng, đại diện VCBS cho rằng, việc nâng vốn điều lệ lên hơn 800 tỷ đồng hoàn toàn thực hiện được trong một thời gian ngắn.
Đối với những CTCK có vốn chủ sở hữu lớn thì việc nâng vốn điều lệ rất đơn giản, vì có thể sử dụng bút toán điều chỉnh thặng dư vốn sang vốn điều lệ. Để thực hiện bút toán này, các CTCK sẽ phát hành cổ phiếu thưởng dựa trên nguồn vốn thặng dư.
Tuy nhiên, đối với những CTCK có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu đang ở mức trung bình và thấp thì việc nâng vốn điều lệ lên 2 - 3 lần, thậm chí 5 đối với một số công ty trong một thời gian ngắn là rất khó khăn.
Ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc CTCK Maritime Bank (MSBS) chia sẻ, MSBS chưa đáp ứng tiêu chuẩn về vốn điều lệ để thực hiện nghiệp vụ cung cấp giao dịch trong ngày (MSBS đang có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 430 tỷ đồng), nhưng Công ty vẫn ủng hộ cơ quan quản lý đưa ra hàng rào kỹ thuật để lành mạnh hóa thị trường và bản thân các CTCK có thể cung cấp các sản phẩm mới. Tuy nhiên, đối với chỉ tiêu vốn điều lệ, cơ quan quản lý nên cho các CTCK có lộ trình tăng vốn, trước mắt có thể yêu cầu mức 500 tỷ đồng, sau đó nâng dần lên, phù hợp với điều kiện của thị trường.
Nhìn nhận về dự thảo Quy trình rút ngắn thời gian giao dịch xuống T+2 và dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 74 đối với khối CTCK, CTCK MB (MBS) cho biết, các giải pháp mới này sẽ tác động tích cực tới các CTCK nói chung, vì thanh khoản của TTCK tăng, vòng quay vốn NĐT tăng, các CTCK có điều kiện gia tăng doanh thu môi giới, đặc biệt với các công ty đủ điều kiện thực hiện dịch vụ giao dịch trong ngày.
Tuy nhiên, không ít CTCK cho rằng, các quy định về vốn nêu trên vô hình trung tạo ra sự bất bình đẳng giữa các CTCK, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, vì rất có thể sẽ có hiện tượng NĐT chuyển tài khoản sang CTCK lớn để được mua bán trong ngày, khiến những CTCK nhỏ vốn gặp nhiều khó khăn càng thêm khó khăn.
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, các thị trường như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore…, họ quy định rất chặt chẽ đối với nghiệp vụ mua bán trong ngày. Tại Việt Nam, dù mới đang là dự thảo, nhưng cơ quan quản lý cũng phải quy định chặt chẽ về các chỉ tiêu liên quan đến vốn, chỉ tiêu an toàn tài chính của các CTCK triển khai dịch vụ này. Bên cạnh đó là giới hạn các mã chứng khoán được phép giao dịch trong ngày như NĐT giao dịch mua bán trong ngày chỉ được thực hiện đối với các cổ phiếu trong danh mục các chỉ số VN30, HNX30 và chứng chỉ các quỹ đầu tư niêm yết trên Sở GDCK.
Theo ông Sơn, hiện nay, dù chưa cho phép mua bán ngay trong phiên, nhưng có một số CTCK phải thực hiện hủy lệnh do thiếu tiền, thiếu chứng khoán. Điều này cho thấy, nếu không quản lý chặt chẽ ngay từ ban đầu thì sẽ rất rủi ro cho thị trường.
“Ở giai đoạn đầu thử nghiệm, chúng tôi hướng đến những CTCK có tiềm lực tài chính mạnh, sau khi áp dụng thì các điều kiện có thể sẽ được thay đổi để phù hợp hơn với từng giai đoạn của thị trường”, ông Sơn nói.
“Nên mở rộng số lượng CTCK cung cấp dịch vụ mua bán trong ngày”
Một NĐT cá nhân(có danh mục đầu tư trị giá 30 tỷ đồng)
Cho phép NĐT mua bán trong ngày là cần thiết để đáp ứng nhu cầu thị trường. Yêu cầu CTCK cung cấp dịch vụ giao dịch trong ngày phải có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu 800 tỷ đồng trở lên và tỷ lệ vốn an toàn khả dụng trên 220% là nhằm đảm bảo an toàn cho NĐT, đó là ý tốt của cơ quan quản lý . Tuy nhiên, do số CTCK đáp ứng yêu cầu trên để cung cấp dịch vụ cho NĐT quá ít, chưa đến 10 công ty/104 công ty, trong đó tập trung vào 4 - 5 CTCK có thị phần lớn nhất trên thị trường là không công bằng, có thể vi phạm Luật Cạnh tranh.
Về nguyên tắc, các CTCK muốn cạnh tranh, khi cung cấp dịch vụ môi giới phải cung cấp như nhau. Đã là chính sách phải manh tính công bằng và đảm bảo quyền lợi cho CTCK, cho NĐT như nhau. Việc này nếu được luật hóa sẽ khiến tài khoản của các NĐT “chạy” sang công ty được cấp phép cung cấp nhiều dịch vụ hơn.
Điều kiện cung cấp dịch vụ giao dịch trong ngày nên căn cứ trên độ an toàn tài chính, trình độ quản trị rủi ro và đảm bảo yêu cầu về tính minh bạch, chứ không liên quan nhiều đến việc công ty có ít hay nhiều tiền. Sức mạnh tài chính của một CTCK không chỉ bao gồm quy mô vốn, mà còn là hiệu quả hoạt động, sự tuân thủ quy chế, pháp luật chứng khoán….
Ngay như cách tính tỷ lệ an toàn vốn khả dụng của các CTCK hiện vẫn có những điểm có ý kiến trái ngược. Thực tế, có công ty hầu như không đầu tư tự doanh, để nhiều tiền trong tài khoản nên có tỷ lệ an toàn vốn khả dụng cao, nhưng dịch vụ môi giới chưa tốt, chưa được nhiều NĐT lựa chọn.
Nếu chỉ có ít CTCK cung cấp dịch vụ giao dịch trong ngày cho NĐT sẽ tạo ra sự độc quyền, khiến ngay bản thân CTCK có thể phục vụ không xuể, không chăm sóc kỹ cho toàn bộ các NĐT. Thị trường phải có nhà cung cấp dịch vụ lớn, bé, để mọi NĐT đều có thể được chăm sóc một cách tốt nhất. Đó là chưa kể nguy cơ NĐT chuyển tài khoản, gây tốn kém, phức tạp và làm mất cơ hội giao dịch của nhiều NĐT, gây ra sự lãng phí hạ tầng mà nhiều CTCK đã đầu tư.
Nhà tạo lập chính sách nên xây dựng chính sách đảm bảo tính công bằng về dịch vụ, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường. Quy định này nên được xem lại theo hướng mở rộng hơn số lượng các CTCK cung cấp dịch vụ mua bán trong ngày cho NĐT. Điều này nhằm tạo ra sân chơi cạnh tranh trên thị trường, nhằm đem đến dịch vụ tốt cho nhiều NĐT. Anh Việt thực hiện