Nhiều lợi thế đầu tư
Có nhiều cơ sở tích cực để thị trường bước vào giai đoạn phát triển bền vững. Đơn cử, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp (DN) niêm yết được cải thiện nhờ chi phí lãi vay cũng như chi phí sản xuất giảm, theo xu hướng giảm chung của lãi suất, giá xăng dầu và hàng hóa nguyên liệu đầu vào.
Bên cạnh đó, những DN biết chú trọng vào hoạt động cốt lõi và phát huy lợi thế cạnh tranh sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi nhiều hiệp định tự do thương mại lần lượt được ký kết.
Nền kinh tế ổn định và các cải cách hành chính gần đây cũng góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho thị trường chứng khoán (TTCK), trong bối cảnh dòng vốn ngoại dự kiến vẫn dồi dào nhờ chính sách hỗ trợ kinh tế ở các quốc gia phát triển.
Trên thực tế, sau giai đoạn bán ròng cuối năm 2014, nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đã quay lại mua ròng trên sàn chứng khoán Việt Nam tính đến thời điểm này.
Một điểm đáng lưu ý nữa là sự sụt giảm mạnh của VN-Index trong giai đoạn cuối năm 2014 đã khiến TTCK Việt Nam trở thành thị trường có mức P/E và P/B thấp nhất so với các thị trường lân cận như Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan.
Mô hình định giá theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức hai giai đoạn của một số nhóm chuyên viên cho thấy giá trị nội tại VN-Index có thể nằm trong khoảng 561 - 718 điểm, tương ứng với các mức giả định từ tiêu cực nhất đến tích cực nhất. Với những giả định cơ sở, VN-Index được kỳ vọng sẽ kết thúc năm 2015 ở mức 633,23 điểm.
Về xu hướng dòng tiền, giới đầu tư có kinh nghiệm cho rằng thay vì chỉ đơn giản đổ vào các DN có "tái cấu trúc" như năm 2014, dòng tiền NĐT lúc này có thể sẽ khó tính hơn và chú trọng vào hiệu quả kinh doanh, cũng như tính khả thi của các kế hoạch tái cấu trúc được đưa ra trước đó.
Các dấu hiệu chuyển biến tích cực của nền kinh tế và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước hứa hẹn sẽ "cung cấp" thêm cho thị trường chứng khoán nhiều loại hàng hóa hơn trong năm 2015 với ba nguồn chính gồm: DN nhà nước được cổ phần hóa, DN được SCIC thoái vốn và cổ phiếu có kế hoạch niêm yết và cổ phiếu phát hành thêm trong năm 2015.
Rủi ro không ít
Mặc dù vậy, để hạn chế rủi ro trong đầu tư, giới phân tích vẫn khuyên phải để ý đến nguồn cung dồi dào nhưng có đa dạng không. Bởi khả năng thu hút dòng tiền sẽ phụ thuộc vào mức độ hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như chất lượng hàng hóa được chào bán.
Điều này chỉ có thể xảy ra khi các nhà làm chính sách sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa và bán vốn DN nhà nước.
Nếu quan sát diễn biến giai đoạn 2012 - 2014, sẽ nhận thấy những hệ quả của việc tái cấu trúc nền kinh tế luôn có những ảnh hưởng không mong muốn, đôi khi gây sốc tâm lý cho nhà đầu tư trên sàn chứng khoán. Kinh tế phục hồi, khả năng chia sẻ dòng vốn của các kênh đầu tư khác càng tăng lên.
Trong đó, kênh đầu tư ngoại tệ và rủi ro biến động tỷ giá sẽ có ảnh hưởng nhiều nhất đến TTCK do có tính thanh khoản tương đương. Số liệu cho thấy khoảng cách giữa tỷ giá thực (REER) và tỷ giá danh nghĩa (NEER) ngày càng lớn.
Những dấu hiệu này cho thấy áp lực đối với việc phá giá VND (với biên độ cao hơn kế hoạch 2% của Ngân hàng Nhà nước) đang ngày càng lớn và có khả năng tạo nên những cơn sốt "tỷ giá” nhất định, đặc biệt vào các mùa cao điểm trong năm và ảnh hưởng tiêu cực đến TTCK.
Ngoài ra, một số rủi ro từ yếu tố bên ngoài cũng cần được quan sát cẩn thận. Trong đó, yếu tố cần được quan tâm nhiều nhất là sự suy thoái kinh tế cũng như biến động chính trị ở khu vực châu Âu, vốn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam; bất ổn về chính trị, tôn giáo đang ngày càng tăng tại nhiều khu vực trên thế giới...
Theo Minh Tuấn
Doanh nhân Sài Gòn