Thị trường chứng khoán đang phát triển với nhiều triển vọng tích cực, tươi sáng hơn, giúp các doanh nghiệp tận dụng thời cơ, phát hành thêm cổ phiếu. Các kịch bản mà chúng tôi đã phân tích trong kỹ nghệ "in"cổ phiếu là thổi phồng qui mô lớn, lợi nhuận cao ngất ngưởng, rồi thuê đội lái đánh lên là những bài học kinh điển trên thị trường.
Sắp tới, khi Nghị định 60 có hiệu lực (từ 01/09/2015) đủ khả năng siết lại việc phát hành, tăng vốn ồ ạt thì nhiều doanh nghiệp vẫn đang chạy đua tăng vốn trước giờ G.
Các nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường đã và đang học được những "trò chơi" phát hành tăng vốn được xem là thành công và kinh điển trên sàn với sự trình diễn của các cặp là FIT, TSC, KLF, HAI…
Các doanh nghiệp này đã liên tục phát hành tăng vốn từ những kịch bản giống nhau là lợi nhuận đột biến nhưng chẳng biết từ đâu ra. Các dự án "tầm cỡ", cổ tức cao, tạo thành dòng xoáy liên tục trên thị trường.
Vịt hóa thiên nga?
Theo các chuyên gia, ở góc độ nào đó, việc hút vốn từ thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp trên là vô cùng thành công. Tuy nhiên, mặt trái của những cổ phiếu này là sau khi sử dụng số tiền nhất định, nhằm kéo giá cổ phiếu lên cao nhằm "bán giấy lấy tiền".
Giờ đây, khi chẳng ai quan tâm đến nhưng cổ phiếu lãi rất lớn ấy, thì chúng lại giảm sâu về dưới mệnh giá. Cuối cùng, nhà đầu tư mua phát hành thêm lãnh đủ, thậm chí là thua lỗ và vịt thì vẫn mãi hoàn vịt.
Sau khi những thế hệ F1 phát hành thành công, các thế hệ tiếp theo vẫn sử dụng kịch bản cũ để tăng vốn là lãi lớn và thuê đội lái đánh lên mà thôi. SHN, ADM, FID… là những cái tên đang chạy đua tăng vốn trước khi bị siết chặt.
Có lẽ, cổ phiếu SHN là gây ấn tượng nhất với nhà đầu tư khi vào năm trước còn ngụp lặn dưới đáy sâu chẳng ai thèm để ý. Vậy mà chỉ cần "thủ thuật" nhỏ là tăng vốn, thay đổi cổ đông, chuyển nợ thành vốn cổ phần đã giúp SHN từ chú vịt trời nhanh chóng biến hóa thành thiên nga.
Kết thúc quý II, SHN ghi nhận lãi ròng đạt 48,4 tỷ đồng, một con số trong mơ mà năm ngoái chẳng ai dám nghĩ tới. So với quý II/2014 lỗ 2 tỷ đồng, thì đây là khoản lợi nhuận tăng đột biến.
Các dự án "tầm cỡ", cổ tức cao, tạo thành dòng xoáy liên tục trên thị trường.
Từ khi Tập đoàn Geleximco nhúng tay vào, SHN đã bứt phá theo kiểu tăng trưởng "thần tốc" để đạt các khoán lợi nhuận như trên. Với những con số lợi nhuận đẹp như mơ thì việc phát hành 95 triệu cổ phiếu của SHN sẽ chẳng có gì khó cả?
Chẳng biết Tập đoàn Geleximco tài giỏi, thần thánh cỡ nào mà thời thâu tóm SHN trong thời gian ngắn, mà lại đủ khả năng tạo ra lợi nhuận đột biến đến như vậy. Thực chất của các khoản lợi nhuận này vẫn là ẩn số đối với đại đa số nhà đầu tư.
Hai cổ phiếu khác là AMD và FID cũng đang lên kế hoạch phát hành thêm và vẽ ra viễn cảnh là đầu tư, kinh doanh đa ngành. Các chiêu thức sử dụng nhiều nhất vẫn là đầu tư vào công ty con, liên kết liên doanh bằng hình thức huy động vốn từ phát hành thêm.
Đừng đu theo phát hành, tăng vốn
FID hiện đang có vốn ít ỏi là 100 tỷ đã lên kế hoạch tăng vốn 300 tỷ lên trong năm nay và đến 2017 là 1.500 tỷ. AMD dự kiến tăng gấp đôi lên hơn 600 tỷ đồng (năm 2014 từ 10 tỷ lên 300 tỷ).
Ai cũng biết, bản chất của việc tăng vốn dẫn đến tình trạng pha loãng cổ phiếu, mà nếu làm ăn chân chính thì chẳng lợi nhuận nào theo kịp. Việc tăng vốn ồ ạt lên gấp hai, gấp ba, thậm chí là hàng nghìn tỷ đồng đã tạo ra những doanh nghiệp "ma quái" hoành hành trên thị trường.
Các cổ phiếu phát hành thêm thực chất gần như vô giá trị, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn lao vào mua và nắm giữ. Cái quá khứ đang vô cùng khó khăn, thua lỗ, thậm chí phá sản thì chẳng thể nào sau một đêm lại trở thành tỷ phú bằng việc có thêm hàng triệu cổ phiếu để bán ra.
Chỉ có những nhà đầu tư thiếu thông tin, ít hiểu biết hoặc thích mạo hiểm, muốn chiến đấu với sóng đầu cơ thì mới đu theo những cổ phiếu phát hành thêm như thế. Ai mà đủ khả năng phân tích, nắm bắt đầy đủ về việc kinh doanh, mua bán, sáp nhập hay đầu tư thì mới hiểu rõ nguồn tiền lợi nhuận khủng từ đâu ra.
Mặc dù chức năng quan trọng nhất của TTCK là kênh huy động vốn cho doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, đầu tư, nhằm hạn chế vào vốn ngân hàng. Một số doanh nghiệp đã huy động được vốn lớn, phát triển sản xuất kinh doanh, mang lại lợi ích cho xã hội, cho bản thân cổ đông góp vốn.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng kỹ nghệ "in" cổ phiếu để phát hành thêm, nhằm hút hết vốn trên thị trường mà giá những cổ phiếu ấy chẳng thể nào tăng được. Có những DN niêm yết đã lộ rõ bản chất là tìm mọi cách tăng vốn hòng trục lợi trên thị trường.
Thực tế, bản thân việc phát hành thêm và đầu cơ cổ phiếu không hoàn toàn xấu. Các đội lái, nhà đầu tư có thể theo đó mua vào nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp sử dụng "kỹ nghệ" để sản xuất cổ phiếu là đi quá đà, vượt tầm kiểm soát của nhà đầu tư, cơ quan chức năng, đã và đang để lại hậu quả vô cùng xấu cho thị trường.
Dòng tiền đã bị hút vào cổ phiếu phát hành thêm, rồi bị đội lái rút ra nhanh chóng khiến cho sức mua kiệt quệ. Vì vậy, nhà đầu tư phải cẩn trọng để bảo vệ chính mình tránh lao vào vòng xoáy tăng vốn, in giấy lấy tiền.
Theo Lê Thuận
Thời báo tài chính