Bộ phận Nghiên cứu – Phân tích VCBS vừa công bố báo cáo thị trường chứng khoán với kỳ vọng thị trường tiếp tục tăng trưởng trong quý IV.

Cụ thể, bước sang quý IV, VCBS cho rằng thị trường có thể chứng kiến những đợt sóng tăng ấn tượng và sau đó lui nhẹ vào cuối năm.

Dự báo này dựa trên cơ sở thị trường chứng khoán tiếp tục là kênh đầu tư tiềm năng. Tuy hai chỉ số VN Index và HNX từ đầu năm tới nay không đạt được mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thị trường Việt Nam vẫn được nhận định là một trong những thị trường thu lời tốt nhất châu Á đặc biệt là khi các nhà phân tích từ Bloomberg hay Reuters tỏ ra khá lạc quan với triển vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong Quý IV/2015. Trong khi đó, các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại hối, BĐS và tiết kiệm vẫn chưa đủ hấp dẫn.

Bên cạnh đó, giai đoạn nửa sau quý IV thường là thời gian khối ngoại bắt đầu hoạt động mạnh trở lại.

VCBS kỳ vọng rằng tình trạng giao dịch yếu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ chấm dứt trong Quý IV khi các nguy cơ về rủi ro tỷ giá dù hiện hữu ở mức đáng kể trong trung và dài hạn đã được đẩy lui trong ngắn hạn nhờ các diễn biến tích cực trên thị trường thế giới như FED không nâng lãi suất ngay trong tháng 9; ECB không tăng lãi suất ngay trong năm nay và mở rộng gói kích thích kinh tế; diễn biến trên thị trường Trung Quốc dần ổn định trở lại ít nhất trong ngắn hạn; những động thái của nhà điều hành trong nước như hạ lãi suất huy động USD, ban hành Thông tư 15 về kinh doanh ngoại tệ nhằm góp phần hạn chế tâm lý đầu cơ, găm giữ ngoại tệ.

Tuy nhiên, thị trường cũng đối mặt với những rủi ro đáng kể như nền kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng” kéo theo nguy cơ dòng vốn giá rẻ rút khỏi những thị trường cận biên và mới nổi mà trong đó, Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Không loại từ khả năng FED sẽ tiến hành chính sách thắt chặt vào cuộc họp chính sách tháng 12. Hiệp định TPP dù đã đàm phán thành công nhưng vẫn cần được thông qua tại Nghị viện Quốc hội của các nước thành viên. Theo đó, quá trình này có thể kéo dài đến hết năm 2016, thậm chí 2017.

Như vậy, trong 3 tháng tới, VCBS kỳ vọng thị trường sẽ tăng trưởng tốt vào tháng 10, 11 sau khi trải qua chu kỳ tích lũy trong tháng 9. Tuy nhiên, thị trường nhiều khả năng sẽ chứng kiến những biến động mạnh vào cuối tháng 12.

Tâm điểm cổ phiếu Ngân hàng, Xây dựng cơ sở hạ tầng, Vận tải biển- Kho vận, và Xuất khẩu

Trong bối cảnh nền số liệu kinh tế vĩ mô được duy trì ở mức ổn định, kèm theo đó là sự kiện Đàm phán Hiệp định thương mại TPP chính thức kết thúc thành công, VCBS cho rằng, một số ngành trở nên nổi bật và trở thành tâm điểm của thị trường.

Nhóm Ngân hàng nhận động thái cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của TCTD sẽ góp phần ổn định hệ thống tài chính, khơi thông dòng vốn, giúp các ngân hàng tập trung vào hoạt động cốt lõi góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Với việc tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2015 (tính đến 21/09) đạt mức 10,78%, khá khả quan so với con số chỉ khoảng 7% của cùng kỳ năm ngoái, VCBS đánh giá cao triển vọng kết quả kinh doanh của ngành Ngân hàng.

Với giá trị vốn hóa chiếm tới hơn 25% giá trị vốn hóa thị trường, kèm theo việc hưởng lợi từ việc Hiệp định TPP khi xét đến dòng vốn đầu tư nước ngoài, VCBS cho rằng nhóm ngành Ngân hàng nhiều khả năng sẽ là nhóm ngành đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt xu hướng tăng của thị trường trong quý IV.

Về ngành Xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp và công nghiệp phụ trợ. VCBS kỳ vọng ngành Xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ được hưởng lợi từ rất sớm so với độ trễ của nhiều ngành khác. Một trong những nhân tố quan trọng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế là chi tiêu công, mà trong đó, xây dựng cơ sở hạ tầng là cốt lõi.

Đặc biệt với làn sóng đầu tư nước ngoài chuyển dịch về những nước trong khối TPP trong đó có Việt Nam, nhóm khu công nghiệp sẽ có cơ hội để tăng trưởng. Trong đó, những doanh nghiệp có quỹ đất sẵn và khu công nghiệp hiện hữu, văn phòng cho thuê và mặt bằng bán lẻ được VCBS đánh giá cao.

Nhóm cảng biển – logistic, theo đà tăng trưởng xuất nhập khẩu đặc biệt là kỳ vọng TPP sớm được hiện thực hóa, những doanh nghiệp trong nhóm này sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhóm này thường thanh khoản thấp và ít doanh nghiệp có thể mua bán lại.

Ngành doanh nghiệp xuất khẩu, khi hàng rào thuế quan tại các nước thành viên TPP được giỡ bỏ, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ở các lĩnh vực như May mặc, Thủy sản, Đồ gỗ,… sẽ có cơ hội rất lớn tiếp cận với thị trường chiếm tới 40% GDP toàn cầu.

Các doanh nghiệp chỉ có thể biến những cơ hội này thành lợi thế khi đảm bảo được những điều kiện nghiêm ngặt về xuất xứ nguyên liệu.

Ngoài ra một số nhóm ngành khác cũng dự kiến được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại TPP.

Tuy nhiên, với giá trị vốn nhỏ, thanh khoản không cao. VCBS cho rằng động lực tăng của nhóm này sẽ chỉ giới hạn trong những mã cá biệt hơn là ảnh hưởng tích chung lên toàn thị trường.

Bên cạnh việc nhiều nhóm được hưởng lợi từ Hiệp định TPP, VCBS cho rằng những nhóm thuộc ngành nông nghiệp như (sản xuất nông sản, mía đường, sữa, chăn nuôi) nhiều khả năng chịu tác động tiêu cực từ Hiệp định này.

Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp lớn đầu ngành, nếu duy trì được thị phần cũng như biên lợi nhuận nhiều khả năng những doanh này sẽ có được triển vọng sáng.

Trong khi đó, VCBS cho rằng nhóm vốn hóa lớn nhiều khả năng sẽ vẫn duy trì được vị thế dẫn dắt. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nên quan tâm đến các doanh nghiệp tăng trưởng thuộc nhóm vốn hóa trung bình với các thông tin hỗ trợ.

Theo Bình An
NDH

Nguồn: NDH