Công ty chứng khoán Rồng Việt mới đây đã công bố báo cáo chiến lược tháng 6/2015, trong đó đưa ra những nhận định về nền kinh tế.
Xăng tăng giá - Xu hướng tiêu dùng thận trọng hơn
Tháng 5 vừa qua là tháng giá xăng dầu điều chỉnh tăng mạnh nhất với mức tăng 13% so với tháng trước, nguyên nhân là do giá thế giới tăng trở lại và thay đổi thuế môi trường đối với mặt hàng xăng. Trong hai năm trước, khi giá xăng dầu duy trì ở mức cao, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ thường có xu hướng thấp trong những tháng đầu năm và tăng trưởng mạnh trong quý cuối cùng của năm.
Với diễn biến giá xăng dầu giảm khá mạnh trong Quý I/2015, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của khu vực tư nhân đã đạt được mức tăng trưởng tích cực ngay trong những tháng đầu năm bởi giá xăng dầu thấp thúc đẩy chi tiêu của người dân. Tuy nhiên, kể từ cuối quý I, tốc độ tăng trưởng của doanh thu bán lẻ vào dịch vụ tiêu dùng đã chững lại và có xu hướng đi xuống. Với việc điều chỉnh tăng giá xăng liên tiếp trong 3 tháng qua, xu hướng tiêu dùng có vẻ đã trở nên thận trọng hơn. Niềm tin tiêu dùng theo khảo sát của ANZ dù duy trì ở mức cao so với cùng kỳ song cũng có tín hiệu đi xuống trong những tháng gần đây.
Trong 5 tháng đầu năm, xu hướng tiêu dùng tập trung vào những mặt hàng thiết yếu cho gia đình như lương thực, thực phẩm (+18%), hàng may mặc (+14,3%), đồ dùng gia đình (+13,2%). Ngoài ra, ô tô và phương tiện đi lại cũng ghi nhận doanh số bán hàng cao lần lượt tăng 10,2% và 11,2% so với cùng kỳ năm trước. VDSC cho rằng đây có thể là hàm ý tích cực đối với triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, gia dụng và bán lẻ ô tô.
Giá nguyên liệu đầu vào tăng trở lại tuy nhiên tăng trưởng hoạt động sản xuất kỳ vọng tiếp tục khả quan
Trong tháng qua, việc tăng giá xăng cũng đã bắt đầu tác động đến giá nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất. Cụ thể, theo khảo sát nhà quản trị mua hàng (PMI) của HSBC, chỉ số giá đầu vào lần đầu tiên vượt ngưỡng 50 sau 7 tháng. Trong khi đó, chỉ số giá đầu ra tiếp tục giảm, đến nay đã là tháng giảm thứ 8 liên tiếp. Hầu hết các chỉ tiêu còn lạiđều tích cực và tạo đà cho chỉ số PMI tháng 5/2015 đạt mức cao kỷ lục  (~54,8 điểm).
Trong điều kiện hiện nay, chúng tôi cho rằng phần lớn các doanh nghiệp sẽ giữ giá bán thấp để thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ. Theo GSO, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,8% so với cùng kỳ, tuy nhiên, từ đầu quý 2/2015, tăng trưởng theo tháng của tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 1%.
Những ngành có chỉ số tiêu thụ tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ trong 4 tháng đầu năm 2015 gồm: (1) xe có động cơ; (2) sản phẩm điện tử; (3) kim loại; (4) dệt may và da giày.
Tỷ giá sẽ giao dịch sát trần biên độ cho phép
Nhập siêu đã quay trở lại với Việt Nam trong những tháng đầu năm 2015, điều này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục. Trong 4 tháng đầu năm 2014, Việt Nam xuất siêu sang Nhật khoảng 1,2 tỷ USD, ngược lại, 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập siêu khoảng 320 triệu USD từ quốc gia này. Theo VDSC, một trong những nguyên nhân của diễn biến trên xuất phát từ sự mất giá mạnh của đồng JPY, so với đầu năm, đồng VND chỉ tăng giá khoảng 3% so với đồng JPY nhưng so với cùng kỳ thì đồng VND đã tăng 28% so với đồng JPY.
Bên cạnh sự đảo chiều của cán cân thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản, thâm hụt thương mại gia tăng ở hầu hết các thị trường lớn (Hàn Quốc, ASEAN, Trung Quốc) trong khi đó, xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Mỹ tăng trưởng chậm hơn. Trong tháng 5 vừa qua, NHNN đã thực hiện phá giá tiền đồng thêm 1% (07/05/2015), như vậy, “room” dành cho việc điều chỉnh tỷ giá đã hết. Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND tại các NHTM trong thời gian gần đây giao dịch luôn sát mức trần của biên độ (~21.890 VND), điều này cho thấy kỳ vọng về việc phá giá tiền đồng vẫn đang lớn.
Xét từ khía cạnh cán cân thương mại và biến động của các đồng tiền tại các nước Việt Nam có giao thương lớn, VDSC cho rằng khả năng phá giá tiền đồng thêm từ nay đến cuối năm 2015 là hoàn toàn có thể xảy ra.
Áp lực đảo chiều lãi suất huy động chưa thể diễn ra
Gần đây, một số NHTM bắt đầu điều chỉnh tăng nhẹ 0,1-0,2%/năm lãi suất huy động VND cho các kỳ hạn ngắn. Theo nhận định của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tăng trưởng tín dụng cao hơn tăng trưởng huy động vốn trong những tháng đầu năm khiến các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất huy động để cân đối nguồn vốn cho vay. Tuy nhiên, VDSC cho rằng khả năng đảo chiều lãi suất chưa thể diễn ra, động thái trên có vẻ mang tính ngắn hạn và riêng lẻ tại một số NHTM hơn là trên toàn hệ thống.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm giảm từ mức trên 4%/năm chỉ còn 1,05%/năm vào cuối tháng. Lãi suất đi vay thấp giúp giao dịch trên thị trường liên ngân hàng sôi động hơn với tổng doanh số giao dịch bình quân trong tháng 5 đạt 399.770 tỷ đồng, tăng 25% so với tháng trước. Điều này cũng hàm ý rằng thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn ổn định, thậm chí là dồi dào khi NHNN liên tục thực hiện hút ròng tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh OMO và tín phiếu trong nửa cuối tháng 5. Đầu tháng 06/2015, NHNN lần đầu tiên phát hành tín phiếu kỳ hạn 2 tuần với lợi suất ~3,5% và tổng lượng phát hành là 500 tỷ đồng.
Với diễn biến trên, VDSC cho rằng hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục ổn định và được điều hành linh hoạt thông qua những điều chỉnh nhỏ từ phía NHNN. Tăng trưởng tín dụng kỳ vọng sẽ tiếp tục đi lên hơn nhờ sản xuất tích cực và tình hình hoạt động của doanh nghiệp nội địa đang trong chiều hướng cải thiện.

Thái Hà