Đóng cửa phiên giao dịch 14/10, VN-Index giảm 0,15% xuống dưới 590 điểm và là phiên giảm thứ 2 liên tiếp. Giá trị giao dịch 2.223 tỷ đồng, khối lượng giao dịch 113,5 triệu cổ phiếu.

Giao dịch thoả thuận đạt 258 tỷ đồng, trong đó các cổ phiếu thoả thuận lớn có MHC (3,34 triệu cổ phiếu, giá trị 54,5 tỷ đồng), NLG (2,5 triệu cổ phiếu, giá trị 52,6 tỷ đồng). Lượng giao dịch MHC hôm nay chiếm 12,3% số cổ phiếu lưu hành cổ phiếu này.

Các cổ phiếu trong diện thoái vốn của SCIC đều tăng giá mạnh. VNM tăng 4.000 đồng, khớp lệnh hơn 2 triệu cổ phiếu, lớn gấp hơn 6 lần thanh khoản trung bình và lớn nhất trong vòng hơn 6 năm qua. FPT tăng giá 1.200 đồng, khớp lệnh hơn 3 triệu cổ phiếu, gấp gần 10 lần thanh khoản trung bình gần đây.

Nhiều cổ phiếu tăng trần hôm nay, có BMI, JVC, KSH, PXI, PXT... JVC dư mua hơn 1 triệu cổ phiếu giá trần. JVC đã tăng giá 4 phiên liên tiếp, trong đó 2 phiên gần đây đều tăng trần sau khi công bố báo cáo tài chính quý II/2015.

Các cổ phiếu lớn như nhóm ngân hàng, bảo hiểm, dầu khí đều giảm giá khiến VN-Index giảm hôm nay. BVH giảm 2.500 đồng, VCB giảm 700 đồng, GAS giảm 500 đồng...

HNX-Index tăng 0,14% lên 80,74 điểm. Thanh khoản đạt 387 tỷ đồng với 34,8 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng.

-------------------------

Mở cửa phiên giao dịch sáng 14/10, VN-Index và HNX-Index cùng tăng điểm trở lại sau khi giảm nhẹ phiên trước.

Các cổ phiếu nằm trong đề án tái cơ cấu của SCCI đồng loạt tăng mạnh sau phiên khớp lệnh ATO. VNM mở cửa tăng 4.000 đồng, FPT tăng 1.300 đồng, BMP tăng 5.000 đồng, BMI tăng trần, NTP tăng 4.300 đồng. Thanh khoản các cổ phiếu đều ở mức cao.

Lực cầu tại các cổ phiếu như VNM, FPT, BMP vẫn liên tục tăng, kéo các cổ phiếu này tiến dần đến giá trần.

Trong khi nhóm "cổ phiếu SCIC" tăng giá, thì cổ phiếu dầu khí sáng nay tiếp tục giảm mạnh sau khi giá dầu thế giới giảm do báo cáo sản lượng IEA. IEA cho rằng, tình trạng cung vượt quá cầu trên thị trường dầu sẽ còn kéo dài đến hết năm sau. GAS hiện giảm 700 đồng, PVD giảm 500 đồng. PVB, PVC, PVX, PVS đều giảm giá.

Tại nhóm bảo hiểm, BVH giảm 2.000 đồng khi SCIC sẽ tiếp tục giữ vốn tại Tập đoàn Bảo Việt. Các cổ phiếu bảo hiểm khác gồm PVI, BIC, VNR, BMI đều tăng giá, trong đó VNR và BMI là 2 cổ phiếu tăng trần do SCIC sẽ thoái vốn.

Nhận định về thông tin từ SCIC, Công ty chứng khoán HSC cho rằng, đây là một bước đột phá giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận nhiều hơn đối với những bluehcips lớn như VNM và FPT.

Tuy nhiên, thị trường sẽ còn phải chờ 3 yếu tố: (1) Thời gian thực hiện cụ thể: (2) Liệu thay đổi về định nghĩa công ty/nhà đầu tư nước ngoài như trong dự thảo thay thế Thông tư 74 có được phê duyệt hay không và (3) danh sách ngành kinh doanh có điều kiện.

HSC nhận định, thị trường chắc chắn sẽ đón nhận thông tin này một cách tích cực do hiện tại đang thiếu hụt nguồn cung các cổ phiếu chủ chốt dẫn đến khó thu hút các dòng vốn lớn hơn vào thị trường.

Chung quan điểm với HSC, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, động thái của Nhà nước có thể mở đường cho sự tham gia nhiều hơn của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty này, nếu các công ty này được cho phép và quyết định sẽ nâng tỷ lệ trần sở hữu nước ngoài.

Về xu hướng thị trường, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, việc thị trường giảm nhẹ phiên trước với thanh khoản giảm xuống mức thấp cho thấy thị trường đang có sự giằng co sau hơn 1 tuần tăng. Diễn biến này có thể xuất hiện sự điều chỉnh nhẹ trong xu hướng tăng của thị trường nhưng chưa ảnh hưởng đến xu hướng trung hạn. Nhịp giằng co này có thể là cơ hội cho nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục.

Chứng khoán HSC giữ quan điểm lạc quan về xu hướng thị trường. Theo HSC, việc nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì mua ròng các cổ phiếu bluechips chủ chốt thì đợt tăng hiện nay sẽ còn tiếp diễn. Trong 2 phiên trước, khối ngoại đều bán ròng nhưng chủ yếu do bán thỏa thuận tại 2 cổ phiếu CII và HAG, trong khi hàng loạt cổ phiếu được mua ròng với giá trị lớn.

Minh Quân