Bên cạnh đó, thị trường cũng lo ngại về diễn biến Trung Quốc “sờ gáy” các công ty công nghệ lớn.
Chốt phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,8% xuống 28.118,03 điểm, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) giảm 2,9% xuống 27.153,13 điểm, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,8% xuống 3.525,50 điểm.
Biên bản cuộc họp chính sách của Fed trong tháng trước thừa nhận rằng lạm phát đã cao hơn dự kiến và ngân hàng trung ương nước này sẽ cần phải chuẩn bị sẵn sàng để rút lại chương trình mua trái phiếu khổng lồ của mình.
Các nhà môi giới cho biết chứng khoán Nhật Bản đã phải đối mặt với sức ép bán ra khi chính phủ áp dụng tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Chứng khoán Hong Kong ghi dấu phiên giảm thứ bảy, do lo ngại những biện pháp của Bắc Kinh đối với các tập đoàn công nghệ của nước này.
Shinichi Yamamoto, nhà môi giới tại công ty chứng khoánOkasan Securities nhận định, việc áp dụng lại tình trạng khẩn cấp đã tạo ra tác động tiêu cực về mặt tâm lý đối với thị trường. Thêm vào đó, sự thiếu chắc chắn liên quan đến việc tổ chức Thế vận hội (Olympic) cũng đè nặng lên thị trường.
Tại Trung Quốc, chứng khoán Hong Kong ghi dấu phiên giảm thứ bảy, do mối lo ngại về những biện pháp mạnh tay của Bắc Kinh đối với các tập đoàn công nghệ của nước này.
Ngày 4/7, Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc (CAC) cho biết họ đã yêu cầu cho các kho ứng dụng cho điện thoại thông minh gỡ bỏ ứng dụng đặt xe của Didi Global Inc sau khi phát hiện ứng dụng này thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng một cách bất hợp pháp.
Trong tuần này, các nhà chức trách đề xuất sửa đổi các quy định đối với các công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài. Động thái có thể hạn chế khả năng thu hút vốn nước ngoài của các công ty lớn như Alibaba, Tencent và ByteDance.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 8/7, chỉ số VN - Index giảm 13,87 điểm (1%) xuống 1.374,68 điểm. Chỉ số HNX - Index giảm 3,85 điểm (1,2%) xuống 315,98 điểm./.