Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 2,15%.
Thị trường Nhật Bản giao dịch trở lại sau hai ngày nghỉ lễ, Nikkei 225 tăng 1,04%, Topix tăng 1,11%.
Thị trường Trung Quốc đi xuống với Shanghai Composite giảm 2,34%, Shenzhen Component giảm 2,646%. Hang Seng của Hong Kong lao dốc 4,13%.
Cổ phiếu các công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong giảm mạnh như Tencent mất 7,72%, Alibaba giảm 6,38%, Meituan giảm 13,76%. Chỉ số Hang Seng Tech giảm 6,57%.
Cơ quan chống độc quyền Trung Quốc trước đó yêu cầu Tencent từ bỏ quyền cấp phép âm nhạc độc quyền và áp phạt vì có hành vi phi cạnh tranh. Đây là diễn biến mới nhất trong chiến dịch mạnh tay của Trung Quốc nhằm vào các công ty công nghệ lớn trong nước.
Tâm lý nhà đầu tư còn bị ảnh hưởng sau khi một cuộc họp cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc khởi đầu không mấy thuận lợi. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc hôm nay nói với người đồng cấp Mỹ rằng quan hệ giữa hai nước "đang ở thế bế tắc và đối mặt nhiều khó khăn".
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,91%.
ASX 200 của Australia đi ngang.
Singapore hôm nay công bố sản lượng công nghiệp tháng 6, giảm 3% so với tháng 5 sau khi điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ.
Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi tình hình Covid-19 tại châu Á. Ở Hàn Quốc, các quy định hạn chế gần cao nhất sẽ được áp dụng với các khu vực phi thủ đô từ ngày 27/7, theo hãng tin Yonhap. Tại Nhật Bản, số ca nhiễm mới hàng ngày tại Tokyo vượt 1.000 trong 6 ngày liên tiếp. Indonesia ngày 25/7 gia hạn các biện pháp hạn chế thêm một tuần.
Phố Wall ngày 23/7 tăng phiên thứ 4 liên tiếp, lên đỉnh lịch sử nhờ mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II tích cực và các tín hiệu cho thấy nền kinh tế phục hồi. Dow Jones tăng 238,2 điểm, tương đương 0,68%, lên 35.061,55 điểm, lần đầu tiên đóng cửa trên 35.000 điểm. S&P 500 tăng 44,31 điểm, tương đương 1,01%, lên 4.411,79 điểm. Nasdaq tăng 152,39 điểm, tương đương 1,04%, lên 14.836,99 điểm.
Giá dầu giảm trong phiên giao dịch châu Á với Brent giảm 1,67% xuống 72,86 USD/thùng, WTI giảm 1,89% xuống 70,71 USD/thùng.

Nguồn: ndh.vn