Trong phiên sáng nay (22/12), mặc dù số mã giảm điểm áp đảo nhưng chỉ số VN-Index vẫn giữ được màu xanh nhờ một số mã lớn đã tăng điểm trở lại. Đáng kể nhất là Sabeco khi SAB đã có màu xanh sau 3 phiên giảm điểm mạnh.

Các mã lớn như VIC, MSN, BVH, VRE, ROS, SAB,... tiếp tục là những “đầu tàu” chi phối tới diễn biến của chỉ số chung thị trường. Diễn biến này khiến phiên sáng nay không thực sự sôi động, sự phân hóa của các mã lớn là tín hiệu khiến nhiều nhà đầu tư thận trọng hơn.

Một cú sập mạnh hoặc tăng mạnh chỉ số như đã diễn ra trong tuần trước và tuần này là hoàn toàn có thể và khó đoán định. Tuy nhiên, lực mua vẫn khá tốt khiến thanh khoản tiếp tục tăng.

Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần (22/12), tâm lý nhà đầu tư vẫn khá thận trọng sau màn rơi cuối phiên hôm qua khiến thị trường giao dịch khá ảm đạm. Tuy nhiên, cặp đôi SAB và ROS là “tội đồ” chính kéo thị trường đi xuống trong phiên hôm qua đã hồi phục tích cực, cùng sự hỗ trợ của một số mã bluechip khác đã giúp thị trường lấy lại sắc xanh.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, thị trường vẫn đón nhận những nhịp điều chỉnh bởi diễn biến phân hóa của nhóm cổ phiếu bluechip và vốn hóa lớn. Tuy nhiên, sau khi bị đẩy về mốc 945 điểm, lực cầu gia tăng và chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu trên đã giúp thị trường khởi sắc.

Bên cạnh ROS tăng nhẹ, SAB tăng hơn 3% lên mức 256.700 đồng/CP, nhiều mã lớn khác cũng hồi phục hoặc nới rộng đà tăng như VIC, MSN, BVH, VRE…, cùng sự trở lại của các cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là VCB tăng 2,06% lên mức 49.500 đồng/CP, đã trở thành động lực giúp VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự 950 điểm.

Trong khi đó, cổ phiếu GAS với triển vọng kinh doanh tích cực cùng kế hoạch thoái vốn đã được phê duyệt, cụ thể PVN sẽ thoái vốn giảm tỷ lệ sở hữu tại GAS xuống 65% từ 95,8% hiện tại, thời gian thực hiện trong 2 năm 2018-2019, nhưng lại có diễn biến không mấy tích cực khi giằng co nhẹ dưới mốc tham chiếu.

Áp lực bán gia tăng mạnh và lan rộng về cuối phiên khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên, lực đỡ khá tốt ở một số mã bluechip và vốn hóa lớn đã giúp VN-Index giữ được sắc xanh.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE với 98 mã tăng và có tới 152 mã giảm, VN-Index tăng 1,56 điểm (+0,16%) lên mức 947,62 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 112,57 triệu đơn vị, giá trị 5.623,14 tỷ đồng, tăng 15,81% về lượng và tăng mạnh hơn 110% về giá trị so với phiên sáng qua. 

Trong đó, nguyên nhân chính đến từ giao dịch thỏa thuận tăng đột biến. Cụ thể, giao dịch thỏa thuận đóng góp 36,25 triệu đơn vị, giá trị lên tới 3.660,49 tỷ đồng. Đáng kể VNM thỏa thuận 16,63 triệu đơn vị, giá trị 3.376,44 tỷ đồng.

Các mã lớn vẫn tăng khá tốt như VCB tăng 2,27% lên mức 49.600 đồng/CP, VIC tăng 1,78% lên mức 74.300 đồng/CP, ROS tăng 0,81% lên mức 161.600 đồng/CP, HPG tăng 1,25% lên mức 44.650 đồng/CP, bên cạnh đó nhiều mã như BVH, VRE, FPT… vẫn giữ được sắc xanh dù có phần giảm nhiệt. 

Cổ phiếu SAB đã chính thức đảo chiều sau 3 phiên lao dốc mạnh, tuy nhiên cũng không còn sung sức như đầu phiên, với mức tăng 1,52% và chốt phiên tại mức giá 253.000 đồng/CP.

Trái lại, các mã lớn như VNM, GAS, BID, CTG, PLX… đều nới rộng đà giảm điểm, là những tác nhân hãm đà tăng mạnh của thị trường.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, FIT dẫn đầu thanh khoản với 4,22 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 4,41% lên mức 8.990 đồng/CP, đáng kể có thời điểm cổ phiếu này được kéo lên kịch trần. FIT có thông tin tốt từ việc ký hợp đồng với đối tác ngoại, cụ thể là thực hiện phát hành 20 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho Công ty Quản lý tài sản Rhinos Asset Management (RAM) của Hàn Quốc. 

FLC đã hồi phục nhẹ sau phiên điều chỉnh hôm qua với mức tăng 0,4%, chốt phiên tại mức giá 6.980 đồng/CP và khớp 2,73 triệu đơn vị. Trong khi đó, nhiều mã đầu cơ bất động khác như HQC, DXG, KBC, DIG, SCR… giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Trên sàn HNX, giao dịch có phần tiêu cực hơn. Sau nhịp rung lắc nhẹ đầu phiên, thị trường đã quay đầu đi xuống và ngày càng giảm sâu về cuối phiên trước áp lực bán gia tăng mạnh trên diện rộng.

Chốt phiên, sàn HNX có tới 81 mã giảm/40 mã tăng, HNX-Index giảm 0,75 điểm (-0,66%) xuống 112,81 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 28,81 triệu đơn vị, giá trị 373,2 tỷ đồng, giảm 6,85% về lượng và giảm 23,91% về giá trị so với phiên sáng qua.

Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,42 triệu đơn vị, giá trị 237,35 tỷ đồng, trong đó VCS thỏa thuận 732.900 đơn vị, giá trị 184,69 tỷ đồng và VC2 thỏa thuận 2,29 triệu đơn vị, giá trị 45,7 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30 chỉ còn 4 mã giữ được sắc xanh nhạt là VC3, MAS, DBC và BCC, còn lại hầu hết đều chuyển đỏ.

Không chỉ dừng lại trên sàn HOSE, các cổ phiếu dầu khí trên sàn HNX cũng chịu áp lực bán lớn và đảo chiều giảm khá mạnh như PVC giảm 3,2% xuống mức 12.100 đồng/CP, PVS giảm 0,9% xuống mức 21.900 đồng/CP, PGS giảm 7,63% xuống mức 24.200 đồng/CP…

Cổ phiếu SHB dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 5 triệu đơn vị được chuyển nhượng và kết phiên, SHB đứng giá tham chiếu 9.000 đồng/CP. Trong khi đó, người anh em cùng họ là ACB tiếp tục giao dịch thiếu tích cực khi giảm 0,6% xuống mức 34.500 đồng/CP. 

Trên sàn UPCoM, giao dịch diễn ra giằng co khá mạnh và chỉ số sàn chính thức lùi về dưới mốc tham chiếu khi chốt phiên.

Cụ thể, UPCoM-Index giảm 0,01 điểm (-0,02%) xuống 54,49 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,57 triệu đơn vị, giá trị 56,89 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 755.153 đơn vị, giá trị hơn 20 tỷ đồng.

Cổ phiếu GEX giao dịch sôi động nhất sàn với 609.800 đơn vị được chuyển nhượng thành công. Chốt phiên, GEX giảm 3,09% xuống mức 25.100 đồng/CP.

Đứng ở vị trí tiếp theo, LPB có khối lượng giao dịch 527.600 đơn vị và chốt phiên tại mốc tham chiếu 13.100 đồng/CP

Nguồn: TinNhanhchungkhoan.vn