Không chỉ đến Việt Nam buôn bán phần cứng, các ông trùm công nghệ thế giới đang tiến mạnh vào mảng ứng dụng phần mềm, tìm kiếm những tài năng lập trình và mở rộng quy mô người dùng trong tại thị trường này.
Ông Huỳnh Kim Tước - Đại diện Facebook tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đang gặp "thiên thời, địa lợi" với dân số vàng hơn 32 triệu người ở độ tuổi lao động, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ. “Mặt bằng chung, Việt Nam không thể tham gia được vào các nước G7, nhưng nếu là Internet và Online thì chúng ta có thể đi tắt đón đầu và nhảy cóc. Nước ngoài họ cũng nhận xét như vậy, nhưng hiện tại Việt Nam vẫn chưa tận dụng được cơ hội đó”, ông Tước nói. 
Theo số liệu báo cáo gần đây, tăng trưởng người dùng Facebook tại Việt Nam đang ở mức cao nhất châu Á, điều này giúp Facebook chiếm vị trí lợi thế trên kênh quảng cáo mạng xã hội. Vượt trội về dữ liệu khách hàng và người dùng trên di động đã giúp Facebook thu hút hơn 50% chi phí marketing của các nhãn hàng và 85% từ doanh nghiệp trò chơi trực tuyến.
Lượng người dùng lẫn nhà phát triển đông đảo của Việt Nam đang lôi kéo sự chăm chút của các "ông trùm" công nghệ thế giới, không chỉ riêng gì Facebook. Microsoft cho biết, số lượng lập trình viên Xamarin (Xamarin là một nền tảng lập trình di động) tại Việt Nam đang đứng trong top đầu của Châu Á - Thái Bình Dương. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi hãng này chọn Việt Nam là điểm đến của rất nhiều hoạt động nhằm giới thiệu hệ sinh thái Microsoft Azure của mình. Đơn cử là một diễn đàn lớn vừa được tổ chức vào tháng 2 vừa qua.
Google cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Theo giới lập trình Android, Google liên tục có nhiều hoạt động huấn luyện, hỗ trợ, tư vấn cho các nhà phát triển Việt Nam trong thời gian gần đây. Theo một chuyên gia trong ngành, Google đánh giá cao tài năng của các nhà lập trình Việt. Tuy nhiên, điểm yếu của không ít nhà lập trình là họ quan tâm quá nhiều đến kỹ thuật mà chưa thực sự chú trọng đến các quy định khác khi phát hành ứng dụng lên Google Play. 
“Google đang quan tâm khá mạnh đến các nhà lập trình Việt Nam. Tuy nhiên, một vấn đề là có nhiều ứng dụng được phát hành lên kho nhưng lại không tìm hiểu kỹ các quy định của hãng, ví dụ như bản quyền, sở hữu trí tuệ… Vì thế, có khi ứng dụng đang tăng trưởng người dùng tốt thì lại bị gỡ mất. Có nhiều bạn kiếm được hàng trăm triệu đồng doanh thu mỗi tháng từ ứng dụng của mình. Tuy nhiên, khi hỏi đến bản quyền thì lại không biết. Hỏi vì sao ứng dụng bị lỗi cũng không rõ”, vị chuyên gia nhận xét. 
“Xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối Internet (IoT) và các hệ thống kết nối Internet (IoS) hay còn gọi là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi diện mạo thế giới, Việt Nam không nằm ngoài cơn sóng đó. Trung tâm của cuộc cách mạng chính là sự xuất hiện của thế hệ các thiết bị di động cùng các ứng dụng 'theo chân' người sử dụng mọi lúc mơi nơi”, ban tổ chức diễn đàn Vietnam Mobile Day 2017 nhận định. 
Tận dụng cơ hội này, theo đánh giá của ông Nguyễn Hữu Bình – Trưởng ban tổ chức, các startup trong lĩnh vực di động tại Hà Nội đang có phần đông đảo và năng động hơn các startup tại TP HCM. Ông cho biết đã chứng kiến nhiều thương vụ đầu tư hơn vào cộng đồng khởi nghiệp di động ở phía bắc. Tuy nhiên, về mặt bằng chung thì công nghệ di động đều đang phát triển mạnh ở các thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng. Cũng nhờ đó, Vietnam Mobile Day năm nay dự kiến thu hút được hớn 15.000 lượt người và 300 công ty tham dự ở cả 3 thành phố. Đây là kỳ tổ chức có quy mô lớn nhất của sự kiện, sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 tới.

Nguồn: Viễn Thông - Vnexpress.net