Cuộc chơi mới sôi động
Một nghiên cứu do Hãng Fujitsu (Nhật Bản) tài trợ, vừa công bố gần 1/3 người tiêu dùng châu Âu (32%) đã sử dụng qua một ứng dụng thanh toán di động, trong khi 44% vẫn sử dụng tiền mặt mỗi ngày, 37% sẽ cân nhắc từ bỏ ngân hàng hiện họ đang sử dụng nếu không được chào mời những công nghệ mới nhất.
Ở Bắc Mỹ, cứ 5 người thì có gần 1 người (18%) sử dụng thanh toán điện tử ít nhất một lần mỗi tuần, theo thăm dò của Hãng Accenture (năm 2015), so với mức chỉ 1% năm 2014. Ở Trung Quốc, các hãng công nghệ lớn như Huawei, Xiaomi và Union Pay đều lần lượt ra mắt các ứng dụng thanh toán di động trong tháng 3 và tháng 4 năm nay.
Trong quý 3-2015, các giao dịch thanh toán di động ở nước này tăng 64% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức hơn 372 tỉ USD, theo iResearch. Còn tại Ấn Độ, mới tuần trước, State Bank of India (SBI), ngân hàng thương mại lớn nhất nước này, đã ra mắt mVisa - một ứng dụng thanh toán di động.
Vào lúc mà phần đông dân số quốc gia 1,2 tỉ dân này vẫn còn chưa biết thẻ tín dụng là gì, thì loại hình thanh toán đó có thể sẽ trở nên lỗi thời trước khi kịp phổ biến. “Sự phổ biến của điện thoại thông minh sẽ là nền tảng để thanh toán di động phát triển mạnh ở Ấn Độ” - SBI nói trong một tuyên bố.
Các ngân hàng tất nhiên không đứng ngoài cuộc. Khoảng 61% những ngân hàng lớn của thế giới nói họ sẽ tăng đầu tư cho công nghệ thanh toán trong năm nay, theo một cuộc thăm dò của Hãng tư vấn Ovum, so với mức 52% của năm trước.
Những ngân hàng truyền thống đang ở trong tình thế lưỡng nan: họ có quá nhiều tiêu chuẩn an ninh khi xử lý các giao dịch điện tử đang tăng chóng mặt, nhưng đồng thời, nếu không thay đổi, họ phải đối mặt nguy cơ đánh mất khách hàng vào tay những doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ thanh toán rất sáng tạo và di chuyển cực nhanh.
Tim Cook, CEO của Apple, cho biết các giao dịch Apple Pay đã tăng gấp 5 lần so với một năm trước và ứng dụng này có thêm 1 triệu người dùng mới mỗi tuần. Cũng theo lời Cook, tại hơn 10 triệu địa điểm trên toàn cầu hiện nay, người tiêu dùng có thể sử dụng ứng dụng công nghệ thanh toán Apple Pay dễ dàng.
Nhanh hơn tức là tiền
Để hiểu được tiềm năng và sự thay đổi mà thanh toán qua di động tạo ra, trước hết phải hiểu được cách người tiêu dùng chi trả cho hàng hóa và dịch vụ. Nghiên cứu rất chi tiết của Hội đồng các thống đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ: “Consumers and Mobile Financial Services 2016”, công bố hồi tháng 3, đã đào sâu vào câu hỏi này.
Họ định nghĩa thanh toán qua di động là “việc mua hàng, trả hóa đơn, đóng góp từ thiện, chuyển tiền cho người khác, hay bất cứ hình thức thanh toán nào thông qua điện thoại di động. Điều này bao gồm việc sử dụng điện thoại để trả tiền ở một cửa hàng cũng như trả tiền thông qua một ứng dụng, một trang web di động hay tin nhắn”.
Thanh toán di động vẫn còn chưa phổ biến bằng ngân hàng di động (kiểm tra tài khoản, chuyển tiền, trả hóa đơn... trên trang mạng của ngân hàng), nhưng sự thay đổi sẽ là chóng mặt trong thời gian tới. Cuộc thăm dò cho thấy những người thực hiện ít nhất một thanh toán qua di động trong 12 tháng qua ở Mỹ tăng từ 20% năm 2015 lên 24% năm 2016.
Trong số những người đã sử dụng thanh toán di động, 10% bắt đầu dùng trong 6 tháng trước khi cuộc thăm dò có kết quả, và 20% nói họ sử dụng trong 1-2 năm trở lại đây. Những người trẻ cũng chiếm ưu thế: ở lứa tuổi từ 18-29, 30% nói họ đã thanh toán qua di động ít nhất một lần, và 30-44 tuổi là 32%.
Dễ hiểu loại hàng hóa được giao dịch nhiều nhất là các sản phẩm bán trên mạng như ứng dụng (65%), nhưng hàng hóa vật chất cũng đang tăng nhanh (42%) và cả việc mua trực tiếp tại một cửa hàng (33%). Sự thuận tiện hơn, và qua đó là chi phí thấp hơn, của các hình thức thanh toán di động khiến cho những cách chi trả cũ, tiền mặt, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ... đang đứng trước thách thức mang tính thời đại.
Đầu tháng 5, báo New York Times đã có một phóng sự rất thú vị về vấn đề này. Trong đó, tác giả Brian X. Chen đã thử nghiệm việc thanh toán di động ở nhà hàng Olea, San Francisco. Nếu khách hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng, và một bàn ăn đông người quyết định chia đều “tiền ai nấy trả”, mỗi lần thanh toán có thể phải mất của nhà hàng 10 giây.
“Nghe thì không to tát - New York Times dẫn lời Pierre Houle, một bồi bàn ở Olea - Nhưng trong ngành này, đó là khoảng thời gian cực lớn. Tôi phải đợi ở đây và không thể làm được gì, trong khi đây là một công việc muốn làm tốt bạn phải di chuyển liên tục”.
Rất nhiều hãng bán lẻ và người làm trong lĩnh vực này phải chấp nhận sự chậm chạp khi thanh toán bằng tiền mặt hay thẻ tín dụng. Thử tưởng tượng bao nhiêu thời gian và nhân lực (tức là tiền bạc) có thể tiết kiệm được ở các hàng dài chờ tính tiền tại siêu thị nếu như, thay vì móc ví, trả tiền, nhận tiền thừa hay quẹt thẻ, ký tên, chờ đợi, bạn chỉ việc rút di động ra, thậm chí có thể tự mình tính tiền bằng cách quét vào mã sản phẩm bạn định mua, và cứ thế bước ra khỏi siêu thị?
Nhà báo Chen tiếp tục thử nghiệm thanh toán di động ở ba cửa hàng khác nhau: Walgreens, BevMo và Nancy Boy. Kết quả ông thu được là khác nhau, nhưng nhìn chung thanh toán bằng ví điện tử nhanh hơn nhiều so với thẻ tín dụng. Ở Walgreens chẳng hạn, ông mất 8 giây cho thẻ tín dụng, và chỉ 3 giây với Apple Pay và Samsung Pay.
Stephanie Ericksen, một giám đốc ở Hãng Visa chuyên về các giải pháp an ninh cho công nghệ mới, nói thời gian xử lý giao dịch là không khác nhau, nhưng với thẻ tín dụng, hầu hết người bán hàng yêu cầu khách hàng phải để thẻ trong máy đọc cho tới khi giao dịch hoàn tất và màn hình thông báo đã có thể lấy thẻ ra.
Còn với thanh toán di động, bạn chỉ cần nhấp vào màn hình điện thoại của mình. Ví điện tử vì thế nhanh hơn, thuận tiện hơn và ít gặp sự cố hơn so với thẻ tín dụng.
Các loại ví điện tử
Để xem ví điện tử có thể dùng được ở một cửa hàng hay không, bạn sẽ phải tìm logo Apple Pay hay Android Pay ở nơi thanh toán, và điều này đưa chúng ta tới sự khác biệt của các loại ví điện tử. Chúng đều hoạt động giống nhau, rút điện thoại ra, nhập mã hay vân tay của bạn và gõ vào thanh toán, nhưng mỗi cái lại có điểm mạnh và yếu riêng.
Samsung Pay được chấp nhận bởi nhiều cửa hàng nhất vì ứng dụng này sử dụng công nghệ truyền dữ liệu từ tính bảo mật (Magnetic Secure Transmission, MST). Thomas Ko, phó chủ tịch phụ trách Samsung Pay, giải thích về MST: “Thay vì quẹt thẻ để truyền dữ liệu, chúng tôi sử dụng các “cuộn xoắn” truyền tín hiệu điện tử bên trong điện thoại, điều này giúp máy thanh toán sẽ nhận được dữ liệu tương tự việc quẹt thẻ tín dụng”.
Trong một tuyên bố khác, Samsung nói Samsung Pay là dịch vụ thanh toán di động được chấp nhận nhiều nhất và “đã giảm đáng kể khả năng xảy ra lừa đảo”.
Apple Pay, trong khi đó, nhận được sự hỗ trợ từ nhiều ngân hàng hơn (khoảng 2.500 ngân hàng ở Mỹ, bao gồm những định chế tài chính lớn như American Express, Bank of America, Chase, Wells Fargo) so với ví điện tử Samsung và Android. Jennifer Bailey, phó chủ tịch Apple Pay, quảng cáo: “Người dùng nói với chúng tôi họ rất thích sự thuận tiện và tốc độ khi thanh toán bằng iPhone hay Apple Watch”.
Còn thế mạnh của Android Pay là sự phổ biến trong rất nhiều mẫu điện thoại khác nhau (trong khi Samsung Pay chỉ có thể cài được trên điện thoại Samsung và Apple Pay chỉ vận hành trên iPhone và Apple Watch). Android Pay, của Hãng Google, được chấp nhận ở hơn 60 hãng bán lẻ tại Mỹ, bao gồm American Eagle, Bloomingdale’s, Chevron, Jamba Juice và McDonald’s.
Giám đốc cấp cao của Google phụ trách Android Pay, Pali Bhat, nhấn mạnh điều này: “Chúng tôi muốn Android Pay có mặt khắp nơi, và khắp nơi có nghĩa là trên mọi thiết bị mà chúng tôi có thể hỗ trợ”.

 

Chưa thuyết phục được người dùng
Trong cuộc thăm dò của Fed đề cập trong bài, 80% người được hỏi nói họ thấy việc chi trả bằng tiền mặt, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hay những hình thức khác vẫn dễ dàng hơn so với thanh toán di động; 65% nói họ “không thấy lợi ích” của việc thanh toán qua di động và quan trọng nhất; 36% cho biết họ “không hiểu cách thanh toán di động”.
Đáng nói hơn, những con số này đã tương đối ổn định kể từ khi Fed tổ chức thăm dò vào năm 2013, cho thấy cả các hãng bán lẻ và công ty công nghệ còn nhiều việc phải làm để thuyết phục người tiêu dùng về ưu thế của việc thanh toán qua di động.
An ninh là một nỗi lo khác. 67% những người được hỏi trong nghiên cứu của Fed lo ngại về sự an toàn của việc thanh toán qua di động, với các nỗi lo lần lượt là “điện thoại bị hack” (21%), “làm mất hay bị ăn cắp điện thoại” (13%), “không được công ty bảo đảm đủ về an ninh khi giao dịch” (7%), “người khác dùng điện thoại của mình khi chưa được phép” (4%), “virút hay phần mềm độc hại” (2%).
“Người tiêu dùng nói chung hiện vẫn chưa thấy lợi ích rõ ràng - Gilles Ubaghs, chuyên gia phân tích cao cấp mảng công nghệ dịch vụ tài chính ở Ovum nói - Và nhiều nước còn thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc thanh toán qua di động… Thêm nữa, phần lớn người tiêu dùng tương đối bảo thủ khi nói tới các hình thức thanh toán và quá trình thay đổi điều đó sẽ phải từ từ”.

 

 

 

Nguồn: Hải Minh/Tuoitre.vn