Savile Row là một trong những biểu tượng của ngành thời trang may đo không bị nhấn chìm bởi làn sóng thời trang công nghiệp. Thời trang công nghiệp sản xuất ra những sản phẩm đại trà, tuổi đời ngắn, khách hàng đông nhưng thiếu trung thành. Trong khi đó, sản phẩm may đo thủ công, cao cấp, độc bản và dùng bền lại là những yếu tố để thời trang may đo tồn tại. Ở thời đại mà mọi thứ đều được số hóa, liệu có những cải tiến nào để một ngành nghề ít thay đổi, thậm chí được xem là cũ kỹ như thời trang may đo có thể áp dụng?
Trở lại với Savile Row nổi tiếng với độ tinh xảo trong từng sản phẩm, người viết không khỏi ngạc nhiên khi biết không ít những bộ vest ra đời từ đây được “outsource” để những người thợ Việt Nam lành nghề may, đáp ứng được chất lượng của những nhà may danh tiếng tại Savile Row.
Xuất thân từ gia đình có 15 năm kinh nghiệm may âu phục cho thị trường Anh, anh Lâm Nguyễn cùng vợ là chị Pauline Tran không phát triển nghề gia đình theo cách truyền thống mà thành lập UKYS, một dự án kết hợp giữa may đo truyền thống và công nghệ thông tin. Với kiến thức công nghệ tích lũy trong nhiều năm và cập nhật những cải tiến trên thế giới, anh Lâm và đội ngũ đã nghiên cứu ra công nghệ LIM (Less is more) để giải quyết khoảng cách địa lý trong may đo.
Chỉ bằng một thiết bị cầm tay sử dụng hệ điều hành iOS (iPhone/iPad), hình chụp người dùng ở 5 tư thế khác nhau theo hướng dẫn được gửi về trung tâm xử lý của UKYS dưới mô phỏng 3D. Lúc này, dựa trên những nguyên lý toán học và phân tích dáng người, trung tâm xử lý sẽ đưa ra được bộ số đo chuẩn của khách hàng để may áo, rồi gửi về tận nơi trong vòng 7 ngày với khách hàng trong nước và 14 ngày ở các quốc gia khác. Để tăng cường bảo mật, tất cả ảnh chụp gửi về UKYS được tích hợp công nghệ ẩn mặt để đảm bảo tính riêng tư.
“Việt Nam là nơi thời trang may đo phổ biến và là nơi gia công hàng may mặc lâu năm của thị trường thế giới với những người thợ lành nghề. Tuy vậy, tất cả các nhà sản xuất chỉ đứng chung dưới cái tên Made in Vietnam. Do đó, UKYS tập trung nhiều vào các thị trường nước ngoài. Chất lượng sản phẩm của UKYS tương đương với các dòng sản phẩm cùng loại có giá từ 130-140 USD/chiếc ở thị trường nước ngoài. Hiện nay, đơn vị này có từ 50-100 khách hàng/tháng và đều có phản hồi tốt sau khi sử dụng”, anh Lâm giải thích cách UKYS chọn thị trường kinh doanh trọng điểm.
Trước khi đạt giải nhất cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do Đại sứ quán Mỹ tổ chức tại Việt Nam, UKYS từng gọi vốn được 10.000USD trên Indiegogo khi có 157 chiếc áo được đặt hàng sau 1 tháng và sắp tới sẽ tiếp tục gọi vốn tại Kickstarter để thu hút đầu tư và sự chú ý tại thị trường Mỹ.

Một startup khác với cái tên rất “may đo” đó là Hanõi Tailor, ra đời cuối năm 2015 tại Hà Nội, bỏ qua các cửa hàng truyền thống mà dựa vào sức mạnh internet, cung cấp sơ mi may đo cho doanh nhân độ tuổi từ 38-48, có thu nhập cao và phong cách sống hiện đại. Webshop của Hanõi Tailor xây dựng trên nền tảng thương mại điện tử Magento, cho phép khách hàng tự chọn mẫu vải, thiết kế từng bộ phận của áo (kiểu tay áo dài/ngắn, cổ áo, măng-sét, độ vừa vặn của áo...) và thanh toán bằng thẻ tín dụng.

Khác với UKYS, Hanõi Tailor vẫn phải sử dụng đội ngũ tư vấn số đo cho khách trong lần mua hàng đầu tiên và lưu lại lịch sử giao dịch để khách hàng dễ dàng đặt hàng trong những lần tiếp theo. Ông Trần Chiến Bình, nhà sáng lập Công ty, chia sẻ công thức “30+10”, 30 phút đo size và 10 ngày giao hàng đã giúp đơn vị có được lượng khách hàng ổn định và đặt mục tiêu gần là phục vụ 10.000 chiếc áo trong năm 2017.

Áo sơ mi nam thường được những nhà sản xuất may đo thời @ lựa chọn bởi đơn giản hơn so với các sản phẩm khác hay thời trang nữ. Tuy vậy, dù sản xuất hoàn toàn thủ công như UKYS hay áp dụng kỹ thuật công nghiệp để may đo như Hanõi Tailor đều phải đáp ứng được 2 yếu tố: đảm bảo vừa vặn và sản phẩm được cá nhân hóa - những đặc trưng của thời trang may đo.

 Còn công nghệ sẽ giúp thay thế vai trò của sợi thước dây và người thợ đo, rút ngắn khoảng cách địa lý giữa khách hàng và nhà sản xuất, đồng thời cắt giảm được chi phí thuê cửa hàng và nhân viên, giúp gia tăng lợi nhuận so với cách làm cũ. Khách hàng chuộng thời trang may đo là những người kỹ tính và thường trung thành với nơi đáp ứng được yêu cầu của họ cũng là lợi thế mà các thương hiệu may đo thời trang có được.

“Công nghệ của chúng tôi không độc nhất vô nhị nhưng không dễ sao chép. Đã có nhiều đơn vị lớn tìm đến UKYS để hợp tác nhưng chúng tôi vẫn đang tìm cách thức hiệu quả để gia tăng giá trị cho cả hai bên”, chị Pauline Tran chia sẻ.
Theo thống kê từ các nhà cung cấp thời trang may sẵn, 30% lợi nhuận thường mất đi do khách hàng đổi, trả hàng, trong đó lý do phổ biến nhất là không vừa size. Có thể thấy, cách làm cải tiến từ các đơn vị may đo có thể được áp dụng trong cả thời trang công nghiệp để có được những cách thức giúp giảm thiểu thiệt hại trên.

Thỏa mãn tính cá nhân hóa và tiết kiệm thời gian cho khách hàng là những trải nghiệm mà các công nghệ may đo kỹ thuật số đem lại. Tương lai khách hàng chỉ cần ngồi ở nhà và sắm được cả tủ quần áo vừa vặn và hợp thời trang không còn xa lắm.

Nguồn: nhipcaudautu.vn