Tuy nhiên, dựa theo các số liệu hiện nay, có thể thấy rõ một công ty Trung Quốc đang tiến rất nhanh đến vị trí thống lĩnh, đó chính là DJI tại Thâm Quyến, với doanh thu 1,5 tỷ USD trong năm 2016.
Cuộc chơi tỷ đô
Có một điều mà giới quan sát đều đồng tình, có chính là ngành công nghiệp sản xuất drone đang phát triển cực mạnh. Nhưng giá trị của ngành là bao nhiêu, và tốc độ phát triển nhanh thế nào, còn tùy thuộc vào định nghĩa của từ “drone”.
Theo số liệu của Gartner, lượng drone được bán ra toàn cầu trong năm 2016 là 2,2 triệu chiếc, tăng 60% so với năm trước, còn tổng doanh thu là 4,5 tỉ USD, tăng 36%.
Một số liệu khác từ Consumer Technology Association (CTA) cho thấy chỉ riêng ở Mỹ vào năm ngoái đã có 2,4 triệu chiếc drone được bán ra, hơn gấp đôi so với 1,1 triệu chiếc của năm 2015.
Vậy điều gì đã dẫn đến sự khác biệt về số liệu giữa 2 nhà nghiên cứu uy tín? Nó xuất phát từ định nghĩa thế nào là drone. Theo nhà phân tích Gerald Van Hoy của Gartner thì drone là các thiết bị bay có khả năng kết nối với Internet; Còn theo CTA thì drone bao gồm luôn cả những chiếc máy bay điều khiển từ xa nhỏ và nhẹ dưới 250 gram, không có hoặc không cần nhu cầu xử lý dữ liệu, thậm chí không phải đăng ký với các cơ quan quản lý. Khi loại bỏ các thiết bị bay nhỏ dưới 250gr này ra, CTA ước tính có khoảng 825.000 chiếc drone đã được bán ra tại Mỹ trong năm 2016.
Một công ty nghiên cứu khác là NPD Group mới đây cũng tung ra số liệu ước tính thị trường drone tại Mỹ đã tăng gấp đôi trong năm qua, đạt tốc độ tăng trưởng 117% mỗi năm.
Sự trỗi dậy của DJI
DJI hiện đang dẫn dầu nhiều phân khúc thị trường với các dòng sản phẩm Phantom và mới đây là sản phẩm mới nhất DJI Mavic Pro.
Ví dụ, ở phân khúc drone giá từ 500 - 1000 USD, chủ yếu được dùng trong nhiếp ảnh và quay video, DJI chiếm 36% thị phần tại Bắc Mỹ trong năm vừa qua. Số liệu trên được cung cấp bởi Skylogic Research, một công ty đã có khá nhiều thời gian theo dõi ngành công nghiệp drone.
3D Robotics, công ty từng nắm giữ thị phần lớn thứ 2 (19%) trong cùng phân khúc, đã chính thức ngừng việc sản xuất drone vào cuối năm 2016 và hiện nay chỉ tập trung vào việc phát triển phần mềm. Đây là một bằng chứng cho thấy DJI đang thống trị thị trường này tới mức nào.
|
Doanh thu của DJI đã tăng cực nhanh từ khi thành lập. Ảnh: dronethusiast.com |
Các công ty sản xuất drone khác cũng đang rất chật vật để cạnh tranh với DJI. Parrot (Pháp) và Yuneec (Trung Quốc), đều đang nắm 7% thị phần trong phân khúc 500 - 1000 USD, cũng đã tuyên bố sẽ từ bỏ phân khúc này trong năm nay. Công ty Lily Robotics, sau màn quảng cáo ý tưởng sản xuất drone có khả năng tự bay theo người dùng và thu được 35 triệu USD từ tiền đặt trước trên các nền tảng gọi vốn cộng đồng cùng 15 triệu USD từ các nhà đầu tư, vẫn im hơi lặng tiếng mặc dù đã quá hạn giao hàng.
Công ty chuyên sản xuất camera hành động GoPro cũng ra mắt chiếc drone đầu tiên của mình với tên gọi Karma, tuy nhiên sản phẩm này đã nhanh chóng bị thu hồi chỉ sau 1 tuần có mặt trên thị trường, do vướng lỗi nghiêm trọng khiến nó mất năng lượng và rơi tự do ngay khi đang bay. Karma hiện đã có mặt trở lại trên thị trường, nhưng vẫn chưa thể vượt qua cái dớp quá xấu kể trên.
Ở các phân khúc giá cao hơn tại Bắc Mỹ, DJI vẫn nắm vị thế dẫn đầu khi chiếm đến 66% thị phần phân khúc 1.000 - 2.000 USD, và 67% thị phần phân khúc 2.000 - 4.000 USD.
Tính theo toàn thị trường Bắc Mỹ thì DJI chiếm đến 50% thị phần, theo số liệu của Skylogic Research. Phân khúc giá duy nhất mà DJI không “làm trùm” là dưới 500 USD, vốn bản chất các thiết bị chỉ là đồ chơi và có đến hàng trăm nhà sản xuất tham gia vào phân khúc này.
Theo nhà phân tích Gerald Van Hoy, sự thống trị của DJI trên thị trường drone đến từ khả năng liên tục mang lại các công nghệ mới. DJI hiện đang có đến hơn 1.500 nhân viên chuyên làm nghiên cứu và phát triển công nghệ, điều mà không có bất cứ nhà sản xuất drone nào khác có đươc.
Ngoài ra, sự hợp tác với các hãng công nghệ khác - ví dụ như hợp tác với Sony về mảng linh kiện camera - cũng giúp ích rất nhiều cho quá trình phát triển sản phẩm của DJI. Tương tự, việc hợp tác để đưa các loại drone vào bán tại các cửa hàng Apple cũng là một bước đi “thiên tài” của DJI trong việc phân phối và nâng cấp hình ảnh của mình trong mắt người dùng.
Đối với việc sản xuất, DJI có lợi thế hơn các công ty Mỹ, vốn phải di chuyển đến các nước khác trên thế giới để xây dựng sản phẩm của họ. DJI có cơ sở sản xuất riêng ở Thâm Quyến, và các kỹ sư của hãng có thể thử nghiệm nguyên mẫu ở các cơ sở lân cận, vì thế mà quá trình tạo ra một chiếc drone mới từ bản vẽ ý tưởng cho đến sản phẩm thương mại diễn ra rất nhanh chóng.
DJI cũng đã giảm mạnh giá bán sản phẩm, càng làm cho các nhà sản xuất khác khó cạnh tranh hơn. Chris Anderson, Giám đốc điều hành của 3D Robotics, ước tính DJI đã giảm giá đến 70% chỉ trong vòng chưa đầy một năm và ông cho rằng đây là lý do chính khiến 3D Robotics buộc phải ngừng sản xuất drone vào năm ngoái. "DJI là công ty đối thủ tốt nhất tôi từng gặp”, Anderson nói.
Thị trường drone sẽ đạt 6 tỉ USD vào năm 2020
|
Tổng doanh thu của các loại drone cá nhân và drone thương mại trong 2 năm 2016-2017. Ảnh: Recode |
Vào cuối tháng 2, Gartner dự đoán trong năm 2017 thị trường drone toàn cầu sẽ bán được gần 3 triệu chiếc và mang lại doanh thu 6 tỉ USD, tỉ lệ tăng trưởng tương ứng 39% và 34%. Trong khi đó, Skylogic Research lại cho rằng doanh thu 4,7 tỉ USD là dự đoán chính xác hơn.
Gartner kỳ vọng doanh số bán các loại drone cá nhân - chủ yếu dùng trong nhiếp ảnh, nơi mà DJI đang thống trị - sẽ tăng khoảng 40% trong năm nay lên 2,8 triệu chiếc. Trong khi đó, dự đoán doanh số bán của các loại drone thương mại - được sử dụng để đo đạc trên không hay giao hàng - sẽ tăng 60% lên 174.000 chiếc.
Mặc dù các loại drone cá nhân chiếm đến 94% số lượng bán ra nhưng chỉ mang lại khoảng 40% doanh thu. Số lượng drone thương mại ít hơn nhiều, chỉ khoảng 6% nhưng nhờ mức giá lên đến hơn 100.000 USD mỗi chiếc nên sẽ chiếm 60% doanh thu toàn thị trường. Thị trường này cũng đang có sự cạnh tranh giữa các công ty như Aeryon Labs và Insitu - một công ty con của Boeing.
Một câu hỏi được đặt ra vào thời điểm hiện tại là liệu một công ty đang nắm vững thị phần drone cá nhân như DJI có lấn sân sang thị trường nhỏ nhưng giá trị cao như drone thương mại hay không? Hiện tại đang có khá nhiều ý tưởng khả thi cho các loại drone thương mại, như drone dùng để chẩn đoán các lưới điện trên cao, hoặc để phun thuốc cho các cánh đồng công nghệ cao. Vào tháng 12/2016 tại San Francisco, DJI cũng đã tổ chức một hội nghị nhằm tìm kiếm các đối tác trên thị trường drone thương mại. Việc DJI tham gia vào thị trường drone thương mại thật sự sẽ rất thú vị.
Gartner dự đoán đến năm 2020, thị trường drone sẽ lại tăng trưởng gấp đôi thêm lần nữa để vượt qua mức doanh thu 11 tỷ USD.
Trong khi đó, theo dự đoán của cơ quan quản lý hàng không liên bang Federal Aviation Administration (FAA) thì tổng số lượng drone tại Mỹ sẽ tăng gấp ba lần lên khoảng 3,4 triệu chiếc vào năm 2020, tăng gấp 3 so với thống kê 1,1 triệu chiếc năm 2015 và tốc độ tăng trưởng nhanh nhất sẽ nằm trong vòng 2 năm tới. Bên cạnh đó FAA cũng dự đoán số lượng drone thương mại sẽ tăng 10% trong giai đoạn này.
Nguồn: nhipcaudautu.vn