Thời gian qua, cùng với việc xuất hiện một số đối tượng lừa đảo lợi dụng lòng tin của người sử dụng để đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng còn có sự lây lan của một số mã độc mới tấn công vào các ứng dụng ngân hàng điện tử.
Để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, nhiều ngân hàng đã cảnh báo và hướng dẫn người sử dụng các nguyên tắc giao dịch an toàn, nhất là trên các kênh ngân hàng điện tử.
Theo thông báo mới đây của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), khách hàng chỉ nên sử dụng máy tính cá nhân có cài đặt ứng dụng AhnLab Online Security để hạn chế tối đa khả năng bị đánh cắp thông tin khi thực hiện truy cập và sử dụng dịch vụ VCB-iB@nking.
Để đăng nhập vào chương trình VCB-iB@nking, khách hàng chỉ nên truy cập vào website chính thức của Vietcombank tại địa chỉ www.vietcombank.com.vn và chọn mục Internet Banking.
Trong trường hợp, khách hàng nhập sai mật khẩu quá 3 lần liên tiếp, Vietcombank sẽ thực hiện khóa dịch vụ.
Thông báo này cũng lưu ý người dùng khi nhận được tin nhắn OTP, cần kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn, bao gồm: loại giao dịch, số tiền giao dịch, kênh giao dịch. Nếu nội dung tin nhắn không khớp đúng với giao dịch đang thực hiện, tuyệt đối không nhập mã OTP này vào bất kỳ trang web nào hoặc tiết lộ cho bất kỳ ai.
Nhiều người có thói quen thoát khỏi màn hình ngay khi click vào lệnh giao dịch, hoặc không Đăng xuất/Thoát khỏi hệ thống trước khi đóng trình duyệt. Nhưng theo đại diện Vietcombank, điều này là hoàn toàn không nên. Khách hàng cần chờ thông báo kết quả từ hệ thống trước khi thực hiện các giao dịch khác và luôn Đăng xuất/Thoát khỏi hệ thống sau mỗi lần truy cập các dịch vụ Ngân hàng điện tử.
Sử dụng đồng thời dịch vụ ngân hàng qua tin nhắn để nhận tin nhắn thông báo biến động số dư cũng là một trong những biện pháp nhằm ngay lập tức biết được những giao dịch trên tài khoản, hạn chế rủi ro và tổn thất đến mức thấp nhất.
Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) còn khuyến cáo khách hàng thường xuyên thay đổi mật khẩu truy cập các dịch vụ ngân hàng điện tử, thẻ và cài đặt mật khẩu theo nguyên tắc an toàn.
Khi giao dịch tại máy ATM, luôn lấy tay che bàn phím khi nhập mã PIN, đề phòng có người nhìn trộm hoặc quay lén, chú ý không lưu trữ thẻ và mã PIN cùng nơi. Không viết hoặc để lộ mã PIN lên trên mặt thẻ. Chỉ nên thực hiện giao dịch tại các máy ATM nơi có đông người qua lại hoặc có bảo vệ. Luôn kiểm tra tiền và lấy lại thẻ sau khi thực hiện giao dịch.
Nếu phát hiện có thiết bị lạ gắn vào khe đọc thẻ, bàn phím hoặc nhiều camera gắn tại cùng một máy ATM, khách hàng cần ngừng giao dịch và thông báo ngay cho ngân hàng.
Từ ngày 1/11 tới đây, Vietcombank sẽ tiến hành điều chỉnh một số quy định về cấu trúc mật khẩu truy cập dịch vụ, thời hạn hiệu lực của mật khẩu, thời gian chờ giao dịch, thời hạn hiệu lực của mã OTP... nhằm tăng cường an toàn bảo mật trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến.
Theo đó, mật khẩu truy cập dịch vụ cần có độ dài từ 7 đến 20 ký tự, bao gồm: các ký tự số, chữ hoa, chữ thường hoặc ký tự số, chữ và ký tự đặc biệt. Thời hạn hiệu lực của mật khẩu truy cập tối đa là 12 tháng kể từ ngày đổi mật khẩu lần cuối.
Về thời gian chờ giao dịch, trong vòng 5 phút sau khi truy cập dịch vụ, nếu khách hàng không thực hiện bất kỳ giao dịch nào, Vietcombank sẽ tự động ngắt phiên giao dịch và để sử dụng tiếp dịch vụ, khách hàng cần đăng nhập lại.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ ngân hàng hiện đại, các hình thức gian lận, tội phạm công nghệ cao cũng đang có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và hình thức. Hy vọng với những nguyên tắc an toàn và bảo mật trên đây sẽ giúp ích cho người sử dụng!