Tổng cục Thống kê cho biết, mặc dù, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa phục hồi nhưng do những nỗ lực tìm kiếm đơn hàng cũng như chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán của các doanh nghiệp sản xuất nên chỉ số sản xuất công nghiệp của cả nước tiếp tục chuyển biến tích cực. Bước sang năm mới 2024, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cùng chung khí thế quyết tâm thi đua sản xuất kỳ vọng đà tăng trưởng bứt phá.
Theo Tổng cục Thống kê chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 ước tính giảm 4,4% so với tháng trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 15,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Theo đó, một số địa phương có chỉ số IIP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng cao, gồm: Quảng Ninh tăng 157,9%; Bắc Giang tăng 57,7%; Nam Định tăng 56,9%; Vĩnh Long tăng 51,2%; Kiên Giang tăng 47,7%; Phú Thọ tăng 39,4%, Tp. Hồ Chí Minh tăng 26,9%...
Cụ thể, ngay từ đầu quý I/2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tín hiệu tích cực khi nhiều đơn vị đã "bắt tay" hợp tác nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như tung ra sản phẩm mới. Ví dụ như: Công ty TNHH Điện tử và tin học Toàn Việt phối hợp cùng đối tác tổ chức ra mắt bộ máy tính desktop AI đầu tiên của Việt Nam sử dụng vi xử lý Ryzen 8000G series, với tên gọi ROSA PC AI.
Cùng mục tiêu đón đầu và nắm bắt xu hướng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống và công việc, máy tính ROSA tạo nên những ứng dụng AI đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và giải pháp cho trường học lẫn doanh nghiệp.
Báo cáo của Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 tại Tp. Hồ Chí Minh tăng 26,9% so với cùng kỳ; trong đó, 28/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp cấp II tăng so với cùng kỳ, chỉ số tiêu thụ tăng 27,8% và chỉ số tồn kho tăng 27,5%.
Còn theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù, đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng các địa phương trên cả nước luôn vận dụng nhiều cách làm linh hoạt, vừa tạo môi trường tốt nhất cho các nhà đầu tư triển khai dự án trên địa bàn, vừa tiếp tục thực hiện các chính sách mời gọi các nhà đầu tư mới trên quan điểm thu hút vốn đầu tư vào các ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Đơn cử tại địa phương như: tại tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay, đã có một số dự án đầu tư lớn hoàn thành, đi vào hoạt động như: Dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Bhflex Vina-1 với tổng mức đầu tư 816 tỷ đồng; nhà máy chuyên sản xuất lắp ráp ô tô, xe gắn máy, xe tay ga, xe địa hình, xe máy điện và các bộ phận, phụ tùng của Công ty TNHH Aeon Motor Việt Nam với tổng mức đầu tư 564 tỷ đồng; dự án sản xuất, gia công khay, hộp phục vụ ngành công nghiệp, thương mại điện tử với tổng mức đầu tư 840 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Sơn Lôi với mức đầu tư 1.864 tỷ đồng…
Do đó, thời điểm ngay đầu năm 2024, các công ty này đã và đang nỗ lực với một tinh thần lao động hăng say, quyết tâm hoàn thành và vượt tiến độ sản xuất các đơn hàng. Dự kiến, năm 2024 và 2025 sẽ là năm tăng trưởng mạnh mẽ nhất của các doanh nghiệp này sau khi đi vào hoạt động.
Có thể thấy rằng, việc bắt tay vào thực hiện sản xuất các đơn hàng ngay từ đầu năm không chỉ đảm bảo được công việc, nguồn thu nhập ổn định cho người lao động, mà còn luôn là yếu tố tích cực để các doanh nghiệp vững tin hoàn thành tốt mục tiêu sản xuất kinh doanh trong năm 2024.
Để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo về phía Bộ Công Thương cho hay, năm 2024, bộ sẽ tập trung những giải pháp trọng tâm như: chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương). Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2024, cục sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp - đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép...
"Thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu"- ông Trương Thanh Hoài cho hay.
Về phía địa phương, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước. Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, trọng tâm là phát triển công nghiệp. Cùng với đó, Vĩnh Phúc nâng cấp chính sách công nghiệp hóa từ dựa trên lợi thế truyền thống như vị trí địa lý, lao động giá rẻ, sử dụng tài nguyên, đất đai… sang lợi thế cạnh tranh hiện đại như chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, cơ sở hạ tầng, thể chế tiến bộ.
Mặt khác, Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các doanh nghiệp trong tỉnh và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại địa phương.
Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê bà Phí Thị Hương Nga cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh các chương trình kích cầu, khuyến mãi nhằm tăng sức mua của người dân, giúp các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm, dệt may, da giày giảm áp lực đầu ra, mở rộng thị trường nội địa trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó. Đặc biệt đối với các lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, các địa phương cần tổ chức nhiều triển lãm kết nối cung cầu, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm được đối tác, mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, bộ này sẽ đề xuất xây dựng một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp quy mô lớn phát triển từ một phần nguồn lực từ Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn vốn hợp pháp khác.
“Đây sẽ là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ phát triển hạ tầng cho các ngành công nghiệp mới: trung tâm nghiên cứu phát triển, phòng lab, các trung tâm dữ liệu lớn…; đồng thời, hình thành cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư quan trọng mang tính tiên phong, dẫn dắt thị trường”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.