Ô tô, xe máy là một trong những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất từ đầu năm đến nay.

Cụ thể, trong tháng 7, Việt Nam chi 208 triệu USD nhập 9.504 ô tô nguyên chiếc các loại. Lũy kế 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập 64.421 chiếc, giá trị nhập khẩu lên đến 1,7 tỷ USD, tăng 152% so với cùng kỳ năm 2014.

Linh kiện và phụ tùng ô tô cũng chiếm 1,6 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong vòng 7 tháng đầu năm, giá trị này so với cùng kỳ năm 2014 tăng 48,8%.

Về mặt hàng xe máy và linh kiện, phụ tùng, Việt Nam chi 195 triệu USD nhập khẩu. Con số này được cho là giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhập khẩu ô tô tải của Trung Quốc tăng vọt

Trung Quốc là thị trường chính cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam với hơn 16,9 nghìn chiếc, tăng 268,3%. Trong đó, chủ yếu là nhập khẩu ô tô đầu kéo và ô tô tải với lượng nhập khẩu và tốc độ tăng lần lượt là 9,51 nghìn chiếc (tăng 455%) và 6,37 nghìn chiếc (tăng 153,5%).

Các thị trường cung cấp chính tiếp theo là Hàn Quốc: 11,97 nghìn chiếc, tăng 57%; Thái Lan: 10,1 nghìn chiếc, tăng 104,2%; Ấn Độ: 6,67 nghìn chiếc, tăng 61,8% ... so với cùng kỳ năm 2014.

Như vậy, lượng xe nhập từ Trung Quốc đã “qua mặt” lượng xe nhập từ Hàn Quốc - thị trường luôn đứng đầu bảng số xe nguyên chiếc nhập về Việt Nam liên tục trong nhiều năm nay.

Ở một khía cạnh khác, nhiều ý kiến cho rằng ô tô nhập khẩu tăng mạnh về số lượng là tín hiệu đáng mừng chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang phát triển. Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhìn nhận hiện tượng này cần cân nhắc và phân tích kỹ.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh phân tích, khi nhập khẩu ô tô tăng mạnh mẽ cần phải xem bao nhiêu là nhập cho sản xuất? Bao nhiêu nhập cho tiêu dùng cuối cùng của dân cư? Trong trên 50% nhập khẩu xe 9 chỗ trở xuống có một phần làm taxi như vậy cũng được cho là phục vụ sản xuất.

Việc nhập khẩu ô tô cho sản xuất chứng tỏ lưu lượng hàng hóa cần lưu thông nhiều. Từ đây cũng chứng tỏ nền kinh tế có khởi sắc”, chuyên gia Bùi Trinh nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc không hẳn gây áp lực đến ngành sản xuất ô tô trong nước. Bởi thực tế, sản xuất ô tô trong nước cũng chỉ là lắp ráp, phía Việt Nam được hưởng lợi từ ngành ô tô chỉ là công gia công, việc bán cho người tiêu dùng về thực chất cũng chỉ là nhập khẩu trá hình. Và việc nhập khẩu ô tô từ Trung Quốc rẻ hơn thì đó là lựa chon đúng đắn của người tiêu dùng. 


"Nếu coi ngành ô tô là ngành trọng điểm tức là người ta kỳ vọng vào phát triển các sản phẩm phụ trợ của nó thì cần phải thay đổi cấu trúc ngành toàn bộ. Nhưng thực tế cho thấy đến nay ngành này chỉ là lắp ráp từ các đầu vào từ nước ngoài. Như vậy khi tiêu thụ ô tô thì cũng chỉ là nhập khẩu trá hình và xuất khẩu hộ nước khác mà thôi”, ông Trinh khẳng định.

 Kiều Linh