Đó là một trong những nội dung được nêu tại văn bản số 8122/VPVP-KTTH về quản lý sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản ngày 7/10 của Văn phòng Chính phủ.

Bình đẳng cho các DN

Cũng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, cùng với đó Bộ Tài chính cũng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thuế của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản có vốn đầu tư nước ngoài chiếm thị phần lớn tại Việt Nam, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá, thuế và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; rà soát danh sách các doanh nghiệp phải kê khai giá tại Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật về giá.

Đối với Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan này chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động cạnh tranh của các DN sản xuất thức ăn thủy sản có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh.

Văn bản cũng nêu rõ UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát danh sách tổ chức, cá nhân phải kê khai giá theo quy định của pháp luật về giá; tăng cường kiểm tra, thanh tra về kê khai giá, niêm yết giá, giá bán của các doanh n ghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản có vốn đầu tư nước ngoài tại địa phương; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đã kiểm tra 714 DN FDI có dấu hiệu chuyển giá


Theo Bộ Tài chính, qua công tác quản lý thuế cho thấy DN FDI có những đóng góp quan trọng cho nguồn thu ngân sách quốc gia. Nhưng bên cạnh những DN làm ăn có lãi, có đóng góp rất lớn cho nguồn thu NSNN thì vẫn có nhiều DN kê khai lỗ, thậm chí kê khai lỗ nhiều năm liên tục là khá phổ biến.
Điều đáng quan tâm ở đây là DN kê khai lỗ, thậm chí lỗ nhiều năm nhưng vẫn hoạt động kinh doanh thậm chí còn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
“Hiện tượng DN kinh doanh lãi hay lỗ là hiện tượng bình thường trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên điều đáng quan tâm ở đây là DN kê khai lỗ, thậm chí lỗ nhiều năm nhưng vẫn hoạt động kinh doanh thậm chí còn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh”, Bộ Tài chính nhận định.

Nhằm ngăn chặn các hiện tượng trên, Bộ Tài chính đã thường xuyên, liên tục chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế các DN FDI lỗ, có dấu hiệu chuyển giá.

Năm 2012 thanh tra, kiểm tra tại 243 DN FDI lỗ có dấu hiệu chuyển giá, lập biên bản, ban hành kết luận thanh tra, kiểm tra loại bỏ những chi phí không hợp lý, hợp lệ, không đúng chế độ quy định; không có chứng từ hợp pháp, tăng số thuế phải nộp NSNN 170,2 tỷ đồng, đấu tranh chống chuyển giá giảm lỗ của DN 2.354,7 tỷ đồng.

Năm 2013 thanh tra, kiểm tra tại 225 DN FDI lỗ, có dấu hiệu chuyển giá, lập biên bản, ban hành kết luận thanh tra, kiểm tra loại bỏ những chi phí không hợp lý, hợp lệ, không đúng chế độ quy định; không có chứng từ hợp pháp, tăng số thuế phải nộp NSNN 390,3 tỷ đồng; đấu tranh chống chuyển giá giảm lỗ của DN 1.625,4 tỷ đồng. Năm 2014 thanh tra, kiểm tra tại 246 DN FDI lỗ, có dấu hiệu chuyển giá, lập biên bản, ban hành kết luận thanh tra, kiểm tra loại bỏ những chi phí không hợp lý, hợp lệ, không đúng chế độ quy định; không có chứng từ hợp pháp, tăng số thuế phải nộp NSNN 341,5 tỷ đồng; đấu tranh chống chuyển giá giảm lỗ của DN 2.507,2 tỷ đồng.

Như vậy, trong vòng 3 năm (2011-2014), Bộ Tài chính đã thanh tra, kiểm tra 714 DN FDI lỗ, đấu tranh chống chuyển giá giảm lỗ của DN 6.487,3 tỷ đồng.

Bộ Tài chính khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế các DN FDI lỗ, có dấu hiệu chuyển giá, chống thất thu cho NSNN.

Theo Hoàng Hà
Diễn đàn doanh nghiệp

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp