Sáng nay (23/10), ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương có bài chia sẻ về TPP tại sự kiện "Thị trường Chứng khoán 2016: Đầu tư vào đâu?" do Tạp chí Nhịp cầu đầu tư tổ chức.

Theo Thứ trưởng, đối với lĩnh vực Bất động sản và thị trường Chứng khoán, TPP không mang lại tác động mạnh mẽ như năm 2007, khi Việt Nam gia nhập WTO. 

Thứ trưởng phân tích, dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ ra đi thay vì chảy vào các thị trường mới nổi, dòng vốn này sẽ không đi đến bất động sản, chứng khoán và sẽ không thổi bùng lên bong bóng. Với ông Trần Quốc Khánh, xu hướng M&A lĩnh vực này sẽ lên ngôi. 

Ngoài ra, Thứ trưởng tin tưởng rằng các chính sách điều hành tiền tệ đã thay đổi, các nhà điều hành tiền tệ sẽ điều hành các nguồn đầu tư và hạn chế các giao dịch ảo trên thị trường. Công tác quản lý thị trường chứng khoán cũng chặt chẽ hơn, các hành vi thao túng giá và năng lực nội giá không còn đất sống.

Đánh giá chung về cơ hội và lợi ích từ TPP với Việt Nam, Thứ trưởng nhấn mạnh Cơ hội và thách thức chỉ có thể xuất hiện nếu TPP trở thành hiện thực, được Quốc hội các nước thông qua. Kết thúc đàm phán đến giờ phút này mới chỉ là 50% chặng đường. "Cần có cái nhìn bình tĩnh hơn về TPP", Thứ trưởng nói. TPP cũng sẽ có cơ hội và lợi ích nếu các lợi ích đó được xây dựng dựa trên giả định các điều kiện đều thuận lợi.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng nhấn mạnh, cơ hội từ TPP đem lại không đến ngay lập tức, vì nhiều cam kết từ TPP, đặc biệt là cam kết thúc xuất nhập khẩu cần có thời gian và lộ trình. Vì vậy, các cơ hội và lợi ích từ TPP đem lại là tương lai trung hạn từ 4-5 năm. 

Để nắm bắt cơ hội, ở tầng quốc gia, Chính phủ cần có sự đầu tư về hạ tầng, điện, cầu cảng, hạ tầng mềm, chất lượng lao động, bộ máy hành chính cần được cải thiện. Ở tầng doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, cần cạnh tranh bằng năng lực, uy tín thay vì cạnh tranh bằng giá.

Cuối cùng, Thứ trưởng cho rằng thay vì hứng khởi khi kết thúc đàm phán, chúng ta cần bình tĩnh trước các cơ hội. "Hãy tự mình hỏi: cơ hội có xuất hiện ngay không? Khi nào? Ngành nào chịu tác động? Doanh nghiệp nào sẽ ảnh hưởng? Cần quay lại các giá trị cơ bản, lưu ý đến quản trị dòng tiền, hoàn vốn và quản lý lợi nhuận. K thể có lợi nhuận đột biến và lợi nhuận quá lớn so với lợi nhuận bình quân", ông Khánh nói.

Hiệp định TPP có hiệu lực khi Quốc hội 12 nước thông qua. Để đề phòng có Quốc hội nước nào không thông qua, TPP có quy định chỉ cần 1 số lượng cụ thể các nước thông qua mà tổng GDP vượt quá số lượng quy định thì sẽ có hiệu lực. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh


Khổng Chiêm