Những con số ấn tượng
Trong giai đoạn 2012 - 2016, Bình Định đã thực hiện 86 chương trình, đề án khuyến công với tổng kinh phí trên 11,44 tỷ đồng, trong đó khuyến công quốc gia thực hiện 18 đề án, kinh phí 5,682 tỷ đồng; khuyến công địa phương thực hiện 68 đề án, kinh phí 5,760 tỷ đồng. Các đề án tập trung vào nội dung hỗ trợ: Đào tạo, khôi phục ngành nghề truyền thống; nâng cao năng lực quản lý; phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu... Đặc biệt, khuyến công Bình Định đã triển khai hiệu quả xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất.
Tiêu biểu, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (trung tâm) đã hỗ trợ Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) An Đức (thị trấn An Lão, huyện An Lão) thực hiện đề án “Ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất sản phẩm gỗ nội thất”. Đề án có tổng kinh phí thực hiện 514 triệu đồng, khuyến công hỗ trợ 200 triệu đồng. Theo đánh giá từ đối tượng thụ hưởng, thiết bị mới đầu tư hoạt động trên dây chuyền tự động nên năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng cao, từ đó tiết kiệm vật tư sản xuất cũng như hạn chế sản phẩm hỏng.
Trung tâm cũng phối hợp với Công ty TNHH Nông lâm sản Minh Tuấn thực hiện đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất bột cá”. Đề án giúp doanh nghiệp tận dụng nguồn nguyên liệu cá tại địa phương để sản xuất bột cá, cung cấp cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, đề án đã hoàn thành phần đầu tư xây dựng, lắp đặt máy móc thiết bị và vận hành thử. Dự kiến, sau khi đi vào hoạt động ổn định hệ thống dây chuyền sản xuất mới sẽ tạo doanh thu khoảng 26 tỷ đồng/năm và việc làm cho 20 lao động địa phương với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.
Theo đánh giá từ Sở Công Thương tỉnh Bình Định, các chương trình đề án đã được triển khai trong những năm qua đã góp phần gia tăng số lượng cơ sở sản xuất, làng nghề tiểu thủ công nghiệp được khôi phục và phát triển, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Qua đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đa dạng nội dung triển khai
Mặc dù nguồn kinh phí dành cho công tác khuyến công của Bình Định khá lớn so với các địa phương khác trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tuy nhiên mức hỗ trợ cụ thể cho mỗi đề án theo quy định thấp so với tổng vốn đầu tư nên không hấp dẫn doanh nghiệp. Các cơ sở có đầu tư máy móc thiết bị mới nhằm tăng năng suất nhưng sản phẩm còn đơn điệu, khả năng tiêu thụ thấp nên hầu hết chưa khai thác hết công suất của máy. Hơn nữa, việc hoàn chỉnh hồ sơ đề án khuyến công quốc gia kéo dài, xây dựng nội dung kế hoạch khuyến công hàng năm của tỉnh chưa sát… cũng khiến việc lập, triển khai thực hiện kế hoạch gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục những khó khăn trên, Bình Định đã xây dựng nhiều giải pháp cụ thể. Theo đó, trung tâm tiếp tục triển khai sớm các chương trình đề án đã được phê duyệt hàng năm. Đa dạng hóa nội dung hỗ trợ, trong đó tập trung cho xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất; xây dựng và đăng ký thương hiệu đối với các sản phẩm CNNT... Các nội dung này được ưu tiên triển khai tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, xã xây dựng nông thôn mới, huyện miền núi…
Cùng đó, trung tâm cũng phối hợp với các cơ quan chức năng khảo sát, tìm hiểu thị trường đầu ra cho sản phẩm, tạo sự đổi mới trong tư duy của các cơ sở CNNT. Qua đó, định hướng, giới thiệu cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư phù hợp với nhu cầu thị trường.
Năm 2017, Bình Định được phê duyệt 4 đề án khuyến công quốc gia với tổng kinh phí thực hiện 1,1 tỷ đồng. Ngay sau khi có quyết định phê duyệt, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã nhanh chóng triển khai đến các đơn vị thụ hưởng nhằm bảo đảm đúng tiến độ, đạt mục tiêu đề ra.
Nguồn: Hải Linh/Báo Công Thương điện tử