Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, nguồn khí PM3 bị cắt khiến các Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 (tổng công suất 1.500 MW) không có khí để phát điện.

Theo đó, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) đã lên phương thức vận hành chi tiết trong các ngày cắt khí, đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, kinh tế. Đồng thời, các Tổng công ty phát điện thuộc EVN cũng đang nỗ lực vận hành các nhà máy điện vận hành ổn định, phát công suất cao. 

Các Tổng Công ty Phát điện chuẩn bị đủ than cho điện

Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) cho biết đã chuẩn bị đủ than cho Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (công suất 1.200 MW) phát điện trong thời gian cắt khí. Ngoài lượng than do Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam TKV cung cấp, Tổng công ty đã chủ động tìm thêm các nguồn cung khác. 

Đồng thời, EVNGENCO 3 cũng tổ chức bốc dỡ than liên tục tại cảng. Hiện tại, tổ máy 2 của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đang vận hành ổn định, tổ máy 1 đang hoàn tất quá trình sửa chữa, dự kiến sẽ khởi động lại vào ngày 14/8.

Cũng theo nguồn tin của EVN, với Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 (tổng công suất 1.245 MW), ông Nguyễn Tiến Khoa -  Phó Tổng Giám đốc EVNGENCO 1 cho biết, tổ máy 1 đang phát cao ổn định. Tổ máy 2 dự kiến sẽ hòa lưới điện trong ngày 14/8. EVNGENCO 1 đã thu xếp đủ than cho 2 tổ máy chạy đầy tải trong suốt thời gian ngừng cấp khí.

Để đáp ứng yêu cầu vận hành của hệ thống điện quốc gia, EVNGENCO 2 cũng đã vận hành tổ máy 2 của nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1 (công suất 300 MW) chạy dầu FO. Ông Ngô Việt Hải, Tổng Giám đốc EVNGENCO 2 cho biết,  tổ máy này đã khởi động từ tối 12/8, và hòa lưới lúc 5h30’ sáng 13/8. Theo đó, Tổng công ty đã đáp ứng đúng yêu cầu của A0 về thời gian và công suất huy động.

Phải đảm bảo vận hành hệ thống điện khu vực Tây Nam Bộ

Để đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy hệ thống điện miền Nam, đặc biệt là khu vực Tây Nam Bộ, EVN cho biết, đã đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas) phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan nhanh chóng khôi phục khả năng cấp khí PM 3 trở lại. 

EVN đề nghị các đơn vị này làm việc với Petronas để ưu tiên cấp khí cho phía Việt Nam trong ngày đầu tiên sau khi kết thúc công tác bảo dưỡng sửa chữa; Công tác cắt khí đảm bảo đúng thời gian bắt đầu và kết thúc.

Đồng thời, EVN yêu cầu ngừng cấp khí cho Nhà máy đạm Cà Mau ngay khi ngừng cấp khí ngoài giàn, để nhường toàn bộ lượng khí dư trong đường ống cho Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 phát điện. Sau khi công tác cắt khí kết thúc, ưu tiên cấp khí cho phát điện trước khi cấp khí cho nhà máy đạm Cà Mau. 
Huyền Thương