Theo ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế, khuyến công là một trong những lĩnh vực quan trọng của ngành Công Thương. Muốn khuyến công phát triển, nguồn nhân lực phải đủ mạnh. Tuy nhiên, trong 63 tỉnh, thành phố trên cả nước chỉ có 40 địa phương thành lập trung tâm khuyến công và phát triển công nghiệp theo Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BCT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc UBND cấp tỉnh, 14 địa phương còn lại thành lập trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại. “Điều đó chứng tỏ có sự không thống nhất trong việc tổ chức bộ máy và chưa mạnh dạn đổi mới. Cần phải đánh giá cụ thể về Thông tư 22 để tìm ra một mô hình tổ chức phù hợp, triển khai thống nhất trên cả nước” - ông Thanh nói.
Cùng với vấn đề tổ chức, vấn đề kinh phí và nhân lực cho công tác khuyến công của các địa phương cũng rất khó khăn. Vì số lượng biên chế có hạn, nhiều địa phương phải sử dụng lao động hợp đồng, nhưng cũng có địa phương thiếu kinh phí nên không có lực lượng này đã ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động. Với những trung tâm khuyến công có thêm nhiệm vụ tư vấn phát triển công nghiệp thì có thêm kinh phí để bù sang cho hoạt động khuyến công. Tuy nhiên, với các trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại không có phần kinh phí này lại gặp nhiều khó khăn.
Cùng phản ánh về vấn đề này, ông Lê Trọng Hân - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa - cho hay: Thanh Hóa có diện tích rất rộng, địa bàn phức tạp, khuyến công viên cấp huyện chưa được bổ sung. Phòng Kinh tế hạ tầng của mỗi huyện, thị trấn chỉ có 5 - 7 người, mỗi nhân viên kiêm nhiệm 2 - 3 lĩnh vực nên hoạt động khuyến công không được quan tâm đúng mức.
Thực tế, những bất cập về bộ máy tổ chức và thiếu nhân lực ảnh hưởng tới chất lượng công tác khuyến công đã tồn tại từ lâu và đang được các cơ quan chức năng khắc phục bằng cách sửa đổi văn bản, chính sách. Tuy nhiên, quá trình thực hiện sẽ mất thời gian, do đó, nhiều địa phương đã căn cứ trên tình hình thực tế chủ động tìm giải pháp khắc phục. Đơn cử, tỉnh Quảng Trị đã đưa nội dung về phát triển đội ngũ cán bộ khuyến công vào đề án, trong đó quy định rõ số lượng và các chế độ, chính sách đối với hệ thống cán bộ khuyến công cấp huyện. Theo đó, mỗi huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh bố trí 2 cán bộ làm việc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn thuộc Phòng Kinh tế, Kinh tế - hạ tầng để làm công tác khuyến công. Đến nay, hầu hết các huyện, thị xã của Quảng Trị đã đủ số lượng cán bộ khuyến công.
Tuy nhiên, số địa phương khắc phục được vấn đề này chưa nhiều. Đại diện Sở Công Thương Quảng Trị đề xuất: Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về việc xây dựng bộ máy khuyến công, làm cơ sở cho các địa phương tham khảo. Cục có hướng dẫn cụ thể về việc hình thành và tổ chức hệ thống khuyến công cấp huyện, xã để thực hiện thống nhất trong cả nước.
Trước đề xuất của các địa phương, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương - cho rằng: Theo Thông tư liên tịch số 22, thẩm quyền quyết định thành lập các đơn vị sự nghiệp thuộc về địa phương. Trên nguyên tắc không tăng biên chế, các Sở Công Thương chủ động đề xuất với UBND tỉnh xây dựng bộ máy tổ chức hoạt động khuyến công cho phù hợp.

Bộ Công Thương đã có Văn bản số 7540/BCT-CNĐP gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến công và tăng cường năng lực Trung tâm Khuyến công và Tư vấn, phát triển công nghiệp ở địa phương. Đây sẽ là “cú huých” giúp các địa phương hoàn thiện bộ máy và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công.

Nguồn: Bùi Việt/Báo Công Thương điện tử