Hư hại nặng nề các khai trường, mỏ than
"Sống và làm việc ở khu mỏ 37 năm nay nhưng chưa bao giờ tôi chứng kiến một trận mưa lụt khủng khiếp như vậy", ông Đào Thanh Lương, Bí thư Đảng uỷ Công ty kho vận than Hòn Gai cho hay.
Ông Lương cho biết, nước lũ chảy xối xả gây úng ngập khiến kho than bị cô lập nghiêm trọng. Nước phá vỡ 37 m đê bao, tràn vào kho, toàn bộ khu vực tan hoang chưa từng thấy.
|
Đường nội bộ ở mỏ than Hà Tu bị hư hỏng nặng
|
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, tại khai trường mỏ than Hà Tu, nước lũ đã phá hỏng toàn bộ mong than. Hàng chục tấn đất đá đổ chèn lấp toàn bộ đường đi ở khai trường, 3 chiếc máy xúc bị kẹt cứng, không thể tiếp cận để di dời được.
Cán bộ mỏ than Hà Tu cho hay, đêm hôm trước, nhìn thấy rõ sụt lở, 2 tuyến mương chính không trụ được mà không thể ra cứu được. Mưa tràn qua mương, đổ xiết xuống mỏ, nước đã dâng lên 37-38m ở lòng mong.
Gần đó, ở khu vực vận chuyển của mỏ Hà Tu, dòng nước lẫn than đèn ngòm vẫn đang chảy xiết từ trên đỉnh đồi xuống. Đất đá sạt lở đã phủ kín, xoá bỏ toàn bộ tuyến đường sắt vận chuyển than từ mỏ này ra cảng Làng Khánh, lấp gần kín cả một toa (goòng) than. Các toa chở này bị chết cứng.
|
4 chiếc máy ở mong than Hà Tu bị kẹt cứng giữa đống đất đá sạt lở từ trên đồi xuống
|
Ông Hoàng Văn Trung, Giám đốc mỏ than Hà Tu xót xa: "Chưa thể tính thiệt hại sẽ lên tới bao nhiêu. Ước có khoảng 3 triệu m3 đất đá đã đổ vào mong than này, chi phí xử lý trung bình 100.000 đồng/m3 thì thiệt hại đã cỡ khoảng 300 tỷ đồng".
Chia sẻ tại hiện trường, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, trưởng đoàn công tác của Bộ Công Thương đi thị sát tình hình cho biết: "Nhiều máy móc, thiết bị, tài sản của ngành than bị hư hỏng nặng nề. Sau này khắc phục, chắc chắn là mức thiệt hại về tiền bạc là vô cùng lớn".
|
Mong than Hà Tu bị tàn phá nặng nề
|
Dừng toàn bộ sản xuất, tập trung cứu mỏ
Báo cáo nhanh tại cuộc họp khẩn về ứng phó với mưa lũ của Tập đoàn Than- Khoáng sản chiều tối 28/7, Trung tâm điều hành sản xuất tại Quảng Ninh của Tập đoàn cho hay, toàn bộ hoạt động khai thác, sản xuất than đã tạm dừng.
Tại các khai trường, mưa lớn đã làm ngập nhiều lò than như ngập ở điểm âm 175m (so với mực nước biển) của mỏ than Ngã Hai, công ty Than Quang Hanh, ngập lò mức âm 250m (so với mực nước biển) của khu than Đông Bắc Mông Dương thuộc Công ty Than Mông Dương.
|
Các cán bộ ngành than lo ngại trước thiệt hại ông Trời gây ra
|
Mưa lớn cũng uy hiếp sự an toàn của nhiều mỏ như mỏ Vàng Danh... Bề mặt mỏ Bắc Vàng Danh đã bị tàn phá, bởi nước như thác trút ào ào liên tục xuống.
Bùn đất ở chân bãi thải Đông Cao Sơn của mỏ than Cao Sơn đã bị nước cuốn trôi làm lấp cả suối thoát nước H10 và suối 9.9, làm bối lấp mặt bằng ở điểm dương 48 (48m so với mực nước biển) Công ty 790, thuộc Tổng công ty than Đông Bắc.
Bùn đất cũng bồi lấp và làm ngập mặt bằng ở điểm dương 7,5m của công ty CP Than Mông Dương.
Trung tâm cũng ghi nhận, mưa lớn đã làm ngập 2 máy xúc, 2 máy khoan của 3 công ty than Hà Tu, Núi Béo, Đèo Nai. Đất đá bị mưa to cuốn theo đã làm lấp cả trạm xử lý nước thải ở điểm dương 25 Núi Nhện, Cọc Sau, Đông Bắc Mông Dương. Một số cột điện 6kV trong các mỏ than này cũng bị đổ.
Đặc biệt, tại các kho than, đê bao bảo vệ đã bị vỡ, sạt lở hàng chục mét khiến nước tràn vào cuốn cả than trôi ra ngoài.
Các toa chở than bị chôn cứng tại chỗ, vì đất đá sạt lở vùi lấp cả tuyến đường
|
Đất đá sạt lở phủ lấp cả đường sắt vận chuyển than |
Hàng trăm km các tuyến đường chuyên dụng như tuyến Khe Chàm III- cầu Trung Quốc, tuyến từ mỏ Hà Lầm ra gà Lộ Phong... đã bị ách tắc. Riêng các tuyến vận chuyển than bằng đường sắt đã bị hư hỏng nặng như tuyến của Công ty Tuyển than Cửa Ổng, Tuyển than Hòn Gai. Hệ thống giao thông của các mỏ than bị ngưng trệ, chia cắt.
Để khắc phục hậu quả và tiếp tục ứng phó mưa lũ, Công ty than Quang Hanh đã tập trung huy động các thiết bị bơm nước từ trung tâm cấp cứu mỏ, từ Công ty Than Vàng Danh, Mạo Khê, Hà Lầm, Hạ Long để lắp đặt, bơm với tốc độ khẩn trương nhất để tháo nước ở các mỏ bị ngập.
Công ty Than Mông Dương ngoài việc bơm nước, phải đóng phai chắn và cửa kín ngăn nước tràn xuống giếng phụ, chống nguy cơ ngập mỏ khu trung tâm, tổ chức nạo vét bùn đất khơi thông suối thoát nước.
Công ty than Cọc Sáu cũng phải huy động tối đa các thiết bị phối hợp với Công ty Than Mông Dương để khơi thông mương nước, ngăn chặn bùn đất ở chân các bãi thải, bảo vệ tài sản mỏ bằng mọi cách.
Theo đánh giá của Ban Phòng chống thiên thai và tìm kiếm cứu nạn, mối lo lớn nhất là nếu tiếp tục mưa lo và gây ngập nặng, một số mỏ sẽ bị đe doạ nghiệm trọng, phải đóng cửa.
Điều này sẽ gây ngưng trệ sản xuất trong nhiều ngày và có thể, việc cấp than cho các hộ tiêu thụ than lớn bị chậm, gián đoạn.
Trong khi đó, tính đến thời điểm 11h trưa ngày 29/7, trận mưa lịch sử vẫn chưa có dấu hiệu ngừng.
Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Tập đoàn Than khoáng sản VN:"Tất cả các đơn vị phải dồn toàn bộ nguồn lực khắc phục sự cố bão lũ. Vấn đề sản xuất bây giờ không đặt lên hàng đầu. Tôi yêu cầu các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo này, không thể tham mấy tấn than mà sự cố xảy ra đáng tiếc".
Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Than- Khoáng sản VN:"Tất cả các công ty đều ở tình trạng khẩn cấp. Tại thời điểm này, phải ưu tiên hàng đầu là cứu mỏ, không để nước mặn làm ngập mỏ than hầm lò. Thậm chí phải tính đến giải pháp chia nước ở các mong than lộ thiên".
Theo Phạm Huyền
Vietnamnet