Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/12, ngành da giày đã xuất khẩu (XK) trên 12,3 tỷ USD giá trị giày dép, trên 2,99 tỷ USD giá trị vali - túi xách. Như vậy, so với mục tiêu 17 tỷ USD kim ngạch XK được đặt ra từ đầu năm, ngành da giày khó có thể đạt được.

Nói về điều này, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết: Năm 2016, ngành da giày Việt Nam dự kiến chỉ đạt mức tăng trưởng 8% thay vì 10% như mục tiêu đã đề ra.

Nguyên do, những bất ổn về chính trị, cụ thể sự kiện Brexit khiến sức tiêu dùng tại thị trường EU, nhất là thị trường Anh chững lại. Các nhà nhập khẩu (NK) theo đó đặt hàng cầm chừng với số lượng ít đã khiến đơn hàng về Việt Nam giảm mạnh. Một số đơn hàng lớn, gia công đơn giản bị dịch chuyển sang Myanmar, Bangladesh cũng khiến tình trạng thiếu đơn hàng ngày một nóng. Đơn hàng chuyển dịch là do tác động của chi phí sản xuất trong nước ngày một cao khiến nhà NK chuyển đơn hàng sang các quốc gia có giá nhân công rẻ hơn nhằm tiết kiệm chi phí.

Bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết thêm: Tình trạng biến động đơn hàng chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa với mức suy giảm từ 30-60%. DN lớn, năng lực sản xuất tốt vẫn giữ ổn định được đơn hàng. Đơn cử Công ty Giày da Thái Bình, năm 2016 sản lượng dự kiến đạt khoảng 28 triệu đôi giày dép, 13 triệu sản phẩm túi xách. Thời điểm cuối năm công ty phải liên tục tăng ca, đẩy nhanh sản xuất đảm bảo thời gian giao hàng. Một số DN khác cũng duy trì tốt sản xuất như: Công ty TNHH Đỉnh Vàng, Công ty CP công nghiệp Đông Hưng…

Cùng với việc duy trì sản xuất, nhiều DN đã mở rộng đầu tư phát triển nguyên phụ liệu, như: Công ty Việt Á Châu, Công ty Nhựa Rạng Đông… Đây là giải pháp để giúp các DN trong nước giảm phụ thuộc vào NK nguyên phụ liệu, cung ứng cho các DN sản xuất trong nước giúp giảm giá thành, đẩy nhanh được tiến độ giao hàng.

Trong năm tới, ngành da giày được đánh giá có nhiều triển vọng hơn bởi các DN đang dốc sức chuẩn bị thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, đồng thời lấy đà để đón nhận cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á- Âu. Tuy nhiên theo đại diện Lefaso, năm 2017 cũng sẽ có nhiều biến động, do đó DN phải luôn luôn bám sát thị trường, nắm bắt thông tin nhằm điều chỉnh định hướng sản xuất, kinh doanh kịp thời. DN tập trung nâng cao năng lực nội tại bằng cách đầu tư xứng đáng cho phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ mới, cải tiến hệ thống quản lý sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, giảm thời gian giao hàng.

Trước mắt, DN trong ngành, nhất là với các DN nhỏ và vừa cần liên kết để sản xuất được các đơn hàng lớn, tăng sức cạnh tranh.

Nguồn: Việt Nga/Báo Công Thương điện tử