6 tháng năm 2023: Sản xuất công nghiệp phục hồi 98,8%
Theo Báo cáo Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ - CP, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Công Thương, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục duy trì đà tăng trưởng liên tục từ đầu năm, tháng sau cao hơn tháng trước (tính riêng trong tháng 6, IIP ước tính tăng 2,8% so với cùng kỳ). Lũy kế 6 tháng, sản xuất công nghiệp đã phục hồi 98,8% so với cùng kỳ năm 2022 (là thời điểm kinh tế bùng nổ sau quyết định kịp thời của Chính phủ mở cửa nền kinh tế vào 3/2022).
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước (quý I giảm 0,75%; quý II tăng 1,56%), là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023 và đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giá trị tăng thêm 6 tháng đầu năm 2023 có sự cải thiện, đạt mức tăng 0,37% (quý I giảm 0,49%; quý II tăng 1,18%) và đóng góp 0,1 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 13,2%; khai thác quặng kim loại tăng 11,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 7,2%; sản xuất thuốc lá tăng 6,7%; sản xuất đồ uống tăng 5,7%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,6%...
Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, đơn hàng giảm, sức cầu yếu nhưng một số sản phẩm công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Đường kính tăng 31,2%; xăng dầu tăng 13,4%; phân hỗn hợp NPK tăng 11,9%; ti vi tăng 10,8%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 9,2%.
Trong 6 tháng đầu năm, có 48 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Một số địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Bắc Giang tăng 16,2%; Phú Thọ tăng 15,3%; Kiên Giang tăng 13,6%; Nam Định tăng 13,4%; Hải Phòng và Phú Yên cùng tăng 13%; Hà Nam tăng 11,7%. Một số địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao như: Hậu Giang tăng 264,4%; Thái Bình tăng 70,4%; Trà Vinh tăng 29,4%; Nam Định tăng 11,9%.
Một số trung tâm công nghiệp lớn của cả nước đã khôi phục đà tăng trưởng công nghiệp như: Thái Nguyên tăng 4,1%; Quảng Ninh tăng 7,4%; Bắc Giang tăng 15,7%, Hải Phòng tăng 12,3%, TP. Hồ Chí Minh tăng 1,9%, Bình Dương tăng 2,6%; Đồng Nai tăng 3%.
Tập trung các giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp
Mặc dù kết quả sản xuất công nghiệp có chuyển biến tích cực, song theo Bộ Công Thương, vẫn còn chậm và chưa phục hồi hoàn toàn so với cùng kỳ, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành giảm 1,2%, riêng với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,6% do cầu thế giới sụt giảm đối với các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, đồ gỗ,...
Dự báo 6 tháng cuối năm, các ngành công nghiệp trong nước sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức. Trên thế giới, tình hình kinh tế - chính trị vẫn còn nhiều yếu tố phức tạp, đặc biệt là căng thẳng giữa các quốc gia lớn; kinh tế toàn cầu vẫn đang ở giai đoạn khó khăn. Trong nước, sức mua dự kiến vẫn sẽ chậm hồi phục; việc tiếp cận và sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp vẫn sẽ còn rất khó khăn do lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào như logistics, nguyên vật liệu… vẫn ở mức cao cùng với tình trạng thiếu hụt lao động; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng cùng với thị trường bất động sản chậm hồi phục sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan.
Trong bối cảnh đó, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các mặt công tác sau đây để góp phần tháo gỡ khó khăn, duy trì và từng bước khôi phục, phát triển các ngành công nghiệp trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2023, bảo đảm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu năm 2023 của ngành Công Thương.
Cụ thể, Cục Công nghiệp tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Tập trung công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Với nội dung này, Cục đặc biệt thực hiện các chính sách sau: Báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản để sớm đưa vào khai thác, chế biến và sử dụng các nguồn khoáng sản có giá trị lớn, tạo nguồn động lực tăng trưởng mới; đồng thời bảo đảm tự chủ một phần nguồn cung nguyên liệu cho các ngành luyện kim, vật liệu trong nước.
Xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp trong ngắn hạn để bảo vệ thị trường trong nước cho các ngành sản xuất trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Có cơ chế tăng cường mua sắm, sử dụng hàng hóa trong nước, hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm và nguyên liệu nhập khẩu.
Sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phát triển Công nghiệp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật giai đoạn 2023 – 2025, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, bền vững cho các hoạt động phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường, tăng cường năng lực sáng tạo và thiết kế.
Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm; cũng như nâng cao năng lực và sức chống chịu cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Để giúp các ngành công nghiệp khôi phục đà tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm, lãnh đạo Cục Công nghiệp cũng đề xuất Lãnh đạo Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp điều hành vĩ mô trong thời gian tới. Trong đó:
Sớm ổn định thị trường tài chính, trọng tâm là thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, phối hợp đồng bộ, hiệu quả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, huy động các nguồn vốn nhằm ổn định các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian sắp tới.
Quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công để tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế; đồng thời tạo thị trường cho các ngành công nghiệp trọng điểm như cơ khí, thép, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải…
Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản nhằm tạo động lực cho tiêu dùng cũng như các ngành công nghiệp xây dựng liên quan.