Năm 2020, mặc dù kinh tế thế giới và khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn được duy trì và khởi sắc.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Năm 2020, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 4,53%, thấp hơn nhiều mức tăng của năm 2019 (11,29%) do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Dù vậy, ngành này vẫn chiếm 85% kim ngạch xuất khẩu cả nước, qua đó tiếp tục tạo ra thành tích xuất siêu của Việt Nam.
Đáng chú ý khi xét cả giai đoạn 2016-2020 dễ thấy, nhóm ngành này liên tục được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GDP tăng liên tục qua các năm (tăng từ 14,27% năm 2016 lên 16,48% vào năm 2019 và ước đạt 16,58% năm 2020, tăng 0,1 điểm phần trăm so với năm 2019).
Đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo phát triển tích cực phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành, các ngành công nghiệp chủ lực như: Điện tử, dệt may, da giày... tăng trưởng ở mức cao, là yếu tố chính đóng góp vào phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam”.
Cùng với đó, cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, tạo cơ sở hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 22,9% năm 2016 lên 50% năm 2020.
Thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ cũng được quan tâm hơn, thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản; bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Được biết, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp rất chặt chẽ với một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia (như Samsung, Toyota...) tăng cường tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tăng từ 35 doanh nghiệp năm 2018 lên 42 doanh nghiệp, số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp năm 2018 lên 170 doanh nghiệp. Đến nay cũng có thêm 3 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng của Toyota.
Ngoài ra, trong năm 2020, Bộ Công Thương đã xây dựng và chính thức khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ,.
Đây được nhìn nhận là dấu mốc quan trọng nhằm giải quyết nhu cầu hình thành mạng lưới kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) trong và ngoài nước, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, đáp ứng nhu cầu kết nối đầu tư, tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia.
Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2020, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp cả năm ước tăng 3,5%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (8,86%) nhưng vẫn tăng cao hơn so tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Quy mô sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành công nghiệp tăng từ 7,4% năm 2016 lên 9,1% năm 2019. Bước sang năm 2020, ngành công nghiệp Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, IIP cả năm tăng khoảng 4%. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, chỉ số IIP của toàn ngành công nghiệp bình quân tăng 8,1%, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (7,3%).

Nguồn: haiquanonline.com.vn