Đây được coi là một bước đột phá tiếp theo trong chương trình cải cách hành chính của Bộ Công Thương nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp khi thực hiện khai báo hồ sơ trực tuyến, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại.
Phát biểu tại buỗi lễ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương và dán nhãn năng lượng cấp độ 4 là một bước cải tiến mới của ngành, qua đó thực hiện tốt hơn những yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra nhằm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động.
Theo Bộ trưởng, tiến trình cải cách hành chính và xây dựng hệ thống công trực tuyến là xu thế chung của cả nước và thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát cũng như bãi bỏ thêm các thủ tục hành chính khác.
Để triển khai việc này, mới đây Bộ trưởng Công Thương đã ban hành chương trình hành động cải cách hành chính, xây dựng bộ máy của bộ tinh giảm, gọn nhẹ và là giải pháp giúp Chính phủ điều hành các lĩnh vực thuộc ngành Công Thương tốt hơn.
"Bộ Công Thương cam kết bên cạnh tinh thần đổi mới và cải cách xuyên suốt triệt để, Bộ cũng sẽ xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn lực nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác cải cách hành chính, phục vụ chức năng quản lý nhà nước trong thời gian tới," Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Hiện nay, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý 28 trên tổng số 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; kiểm soát 130 dịch vụ hành chính công (tương đương 447 thủ tục hành chính ở các cấp từ Trung ương đến cấp xã).
Về đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong năm 2016, Bộ Công Thương đã bãi bỏ, đơn giản hóa 39 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thương mại điện tử, hóa chất, sản xuất kinh doanh rượu, nhượng quyền thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực.
Trong năm 2017, ngành Công Thương dự kiến sẽ cắt giảm 123 thủ tục hành chính, hơn 300 thủ tục còn lại do Bộ Công Thương quản lý sẽ tiếp tục được rà soát để có phương án thay đổi nếu có bất cập và vướng mắc.
Nguồn: Đức Duy/Vietnamplus.vn