Đây là nội dung trong báo cáo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố ngày 15/7/2021.
Theo đó, Bộ Công Thương nằm trong top các bộ dẫn đầu về mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu.
Dựa trên kết quả phản hồi từ 3.657 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Báo cáo “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu: Kết quả khảo sát năm 2020” tổng hợp đánh giá của doanh nghiệp về mức độ thuận lợi trong quá trình thực hiện các thủ tục xuất, nhập khẩu trong năm vừa qua, đồng thời phản ánh các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tới các bộ, ngành sửa đổi các quy định pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi, góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất, nhập khẩu.
Lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa bao gồm 3 thủ tục chính: thủ tục cấp giấy phép và giấy tờ tương đương, thủ tục công bố hợp quy và thủ tục kiểm tra chất lượng. Liên quan đến đánh giá của doanh nghiệp về mức độ thuận lợi khi thực hiện thủ tục cấp giấy phép và giấy tờ tương đương trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa, tỷ lệ doanh nghiệp gặp thuận lợi cao nhất khi tuân thủ thủ tục này là đối với Bộ Công Thương (41,6%), kế đến là Bộ Khoa học Công nghệ (28,4%) và thấp nhất là Bộ Giao thông Vận tải (17,1%).
Cùng đó tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá dễ hoặc tương đối dễ trong thực hiện thủ tục của các bộ, ngành đều có sự cải thiện theo thời gian. Trong đó, chuyển biến nhiều nhất là tại Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Bộ Công Thương cũng trong top 3 bộ dẫn đầu về mức độ thuận lợi khi thực hiện thủ tục công bố hợp quy trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa.
Trong khi đó, xem xét lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm, thủ tục cấp giấy phép và giấy tờ tương đương được đánh giá thuận lợi hơn khi thực hiện tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (26%), cao hơn so với Bộ Công Thương (25,7%) và Bộ Y tế (22,9%).
Với nhóm thủ tục công bố hợp quy trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương đứng đầu với 25,8%. Tiếp đến là các Bộ, gồm Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và Bộ Thông tin – Truyền thông có lần lượt 24,2%, 22,7% và 22,4% doanh nghiệp đánh giá thủ tục là dễ thực hiện.
Đối với thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm của lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm, Bộ Y tế là cơ quan được doanh nghiệp đánh giá có mức độ thuận lợi khi thực hiện tuân thủ thụ tục cao nhất, với tỷ lệ 28,6% doanh nghiệp cho rằng các thủ tục ở mức "dễ" hoặc “tương đối dễ”. Với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá dễ/tương đối dễ thực hiện lần lượt ở mức 27% và 26,6%.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho hay, khảo sát này được tiến hành hoàn toàn khách quan, độc lập. Cụ thể, doanh nghiệp đang sử dụng ngày một đa dạng các phương thức tiếp cận thông tin thủ tục hành chính xuất nhập khẩu. Những phương thức cung cấp thông tin trực tuyến được đánh giá cao hơn các phương thức cung cấp thông tin truyền thống.
Tuy vậy, các doanh nghiệp cũng đề nghị các bộ ngành chức năng cần tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác giải đáp vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Cơ quan Hải quan và các bộ, ngành cũng cần nâng cao năng lực giải quyết công việc và tăng cường kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, công chức nhà nước trong quá trình giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.
“Nguyên tắc quản lý rủi ro cần được triển khai và áp dụng đầy đủ, toàn diện trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính xuất nhập khẩu. Công tác phối hợp giữa cơ quan Hải quan và các bộ, ngành trong giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp cần hiệu quả hơn. Việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật cần bảo đảm tính nhất quán và ổn định, mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu chi phí tuân thủ bất hợp lý và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong cả chuỗi thủ tục xuất nhập khẩu” - Báo cáo khảo sát cho biết.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương