Hợp tác kinh tế - thương mại được coi là một trong những chủ đề quan trọng tại Hội nghị G20 lần này, đặc biệt là trong bối cảnh xu hướng bảo hộ mậu dịch đang trỗi dậy tại một số khu vực trên thế giới. Với tư cách là nước chủ nhà APEC năm nay, Việt Nam đã cùng các nền kinh tế trong khu vực thúc đẩy hợp tác về kinh tế - thương mại, chống lại xu hướng bảo hộ mậu dịch. Thông điệp về hợp tác, chống bảo hộ thương mại đã được đưa ra tại Hội nghị Trưởng phụ trách Thương mại (MRT 23) diễn ra tại Hà Nội tháng 5 vừa qua. Do nhiều nền kinh tế tham gia APEC cũng là thành viên G20 nên thông điệp trên đã được nhắc lại, thậm chí là được khẳng định ở cấp độ cao hơn tại Hội nghị G20 lần này.
Tại các cuộc tiếp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các doanh nghiệp hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh ổn định và lâu dài hiệu quả tại Việt Nam. Trong ảnh: Thủ tướng tiếp Giám đốc điều hành Ngân hàng BPCE International. (Ảnh: VOV)
Nhiều nước G20 đã đánh giá cao vai trò của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong việc đi đầu thúc đẩy tăng cường hợp tác về thương mại, qua đó thúc đẩy cải cách, tăng năng suất lao động và tạo công ăn việc làm cho các nền kinh tế thành viên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng phát triển quan hệ với Đức, đối tác hàng đầu của Việt Nam ở Châu Âu trong nhiều năm qua trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ. (Ảnh: TTXVN)
Bên lề Hội nghị, Bộ Trưởng Công Thương cũng đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tham dự các cuộc tiếp xúc song phương với một số đối tác, trong đó nội dung hợp tác kinh tế - thương mại luôn được coi là lĩnh vực ưu tiên. Kết quả là ta và các nước đối tác đã xác định được một số khuôn khổ để thúc đẩy hơn nữa qua hệ kinh tế - thương mại trong thời gian tới. Đặc biệt, với EU và một số thành viên EU quan trọng như Đức, Hà Lan, v.v... hai bên đã xác định được định hướng chung để có thể sớm ký kết và đưa Hiệp đinh Thương mại Tự do Việt Nam - EU vào thực thi, sớm đem lại lợi ích thiết thực cho người dân hai bên.
Vụ Chính sách thương mại Đa biên
 Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương