Điều quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần chú ý để hàng hóa được hưởng mức thuế quan ưu đãi lý tưởng theo các FTA chính là "quy tắc xuất xứ" hàng hóa, nếu không cũng chịu mức thuế bình thường.

Lưu ý này được bà Bùi Kim Thùy, Phó phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất Nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương nêu ra tại diễn đàn CEO ngành nhựa diễn ra tại TPHCM tối ngày 10-7 vừa qua.

Hiện nay Việt Nam đang tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó có 10 hiệp định đã ký và 5 hiệp định đang đàm phán. Trong 10 FTA đã ký thì có 8 FTA đã có hiệu lực đang thực hiện, 2 FTA chưa có hiệu lực.

Theo bà Thùy, động lực chính để hình thành các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa các nước chính là mức thuế quan lý tưởng giữa các nước dành cho nhau, cắt giảm về 0% theo lộ trình. Hiện nay các yếu tố như lao động giá rẻ, dân số trẻ, khỏe không còn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam nữa, vì vậy mức ưu đãi lý tưởng về thuế quan là một trong những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập  khẩu.

“Các doanh nghiệp lâu nay thường nghe các phương tiện truyền thông đưa tin ngay khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, chẳng hạn như TPP có hiệu lực thì 90 – 95% các sản phẩm được đưa về mức thuế suất 0%, tức là chỉ vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng mà không nói cho doanh nghiệp hiểu làm cách nào để được hưởng mức thuế quan lý tưởng này”, bà Thùy nói.

Điều kiện quan trọng để hưởng mức thuế quan ưu đãi đó chính là hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho từng FTA, và chỉ khi đáp ứng quy tắc xuất xứ thì hàng hóa đó mới được cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi vốn là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để cơ quan hải quan nước nhập khẩu xác định hàng hóa đến từ đâu, có đủ điều kiện để hưởng mức thuế quan ưu đãi lý tưởng của FTA hay không.

Bà Thùy nhắc lại ‘quy tắc xuất xứ’ luôn luôn là yếu tố quan trọng nhất trong tất cả các hiệp định thương mại tự do. ‘Quy tắc xuất xứ’ là công cụ để xác định hàng hóa nhập khẩu có được hưởng thuế quan ưu đãi hay không, giúp duy trì sự cân bằng hợp lý giữa “thuận lợi hóa thương mại” và “phòng tránh gian lận thương mại”, đo mức độ tận dụng ưu đãi từ các FTA của các nền kinh tế thành viên.

“Chẳng hạn như Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TPP, muốn được hưởng thuế quan ưu đãi thì chỉ còn cách đáp ứng quy tắc xuất xứ, còn nếu không vẫn phải xuất khẩu đi Mỹ bình thường, chịu mức thuế bình thường và không được hưởng thuế quan ưu đãi theo TPP”, bà Thùy nhấn mạnh.

Sau TPP, bà Thùy còn cho biết Việt Nam đang đàm phán một hiệp định thương mại quan trọng hơn trong thời gian tới chính là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 16 nước thành viên.

Nguồn: TBKTSG