Tại Hội nghị tổng kết công tác thị trường phát điện cạnh tranh vừa diễn ra, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đưa ra thông tin giá mua điện bình quân từ các đơn vị phát điện trực tiếp tham gia thị trường điện trong 3 năm qua là 1.087,3 đồng/kWh. Trong khi giá bán điện bình quân lần tăng giá điện gần đây nhất là ngày 16/3/2015 lại ở mức 1.622,05 đồng/kWh. Chính số liệu này đã làm nhiều người hiểu lầm khi cho rằng EVN lãi gần 600 đồng/kWh rồi nhân với sản lượng điện thương phẩm nên hằng năm EVN có lãi “khủng”.
Để giải thích rõ hơn vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, con số 1.087,3 đồng/kWh chỉ là giá mua điện bình quân từ 59 nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường điện trong 3 năm qua trong tổng số 109 nhà máy điện trên cả nước. 59 nhà máy điện này có tổng công suất 14.796 MW, chiếm trên 41% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống quốc gia.
50 nhà máy điện còn lại trong hệ thống điện, bao gồm cả các nhà máy điện BOT, các nhà máy điện chạy dầu có giá thành sản xuất điện cao, các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu… Hơn nữa, trong 3 năm vừa qua, giá than, khí và các giá nhiên liệu đầu vào trong sản xuất điện cũng có nhiều biến động theo chiều hướng tăng.
Ngoài ra, giá bán lẻ điện mà Cục Điều tiết điện lực đưa ra 1.622,05 đồng là giá bán lẻ được tính ở lần điều chỉnh gần đây nhất (ngày 16/3/2015). Trong khi đó, nếu tính tương ứng với 3 năm của thị trường phát điện cạnh tranh từ 1/7/2012 thì giá điện lần lượt sẽ là: Ngày 20/12/2011 giá điện sinh hoạt bình quân là 1.304 đồng/kWh; 22/12/2012 giá điện là 1.437 đồng/kWh; từ 1/8/2013 giá điện 1.508,85 đồng/kWh và giá điện này được kéo dài đến 16/3/2015. Như vậy giá điện bán lẻ sinh hoạt bình quân giai đoạn này chỉ là 1.467,98 đồng/kWh.
Để có 1 kWh điện đến với người tiêu dùng phải trải qua một chu trình khép kín. Đầu tiên phải nói đến sản xuất điện, theo số liệu của Cục Điều tiết điện lực, giá mua điện bình quân từ các nhà máy điện tham gia thị trường điện trong 3 năm qua là 1.087,3 đồng/kWh (trong đó thủy điện là 847,4 đồng/kWh, nhiệt điện than 1.286 đồng/kWh và turbine khí 1.065, 2 đồng/kWh).
Để các nhà máy sản xuất điện với lượng điện hợp lý cần có Điều độ hệ thống điện quốc gia để cân bằng công suất, tính toán hợp lý nhất sao cho hệ thống điện đảm bảo cung cấp cho nhu cầu của xã hội, đồng thời tránh tổn thất điện năng. Cần phải nói rõ thêm rằng, điện là hàng hóa vô cùng đặc biệt khi sản xuất ra phải sử dụng hết, không tích trữ được như các loại hàng hóa khác nên phải tính toán cân đối được lượng điện dùng với lượng điện sản xuất ra, nếu sản xuất ra nhiều mà tiêu dùng ít dẫn đến tổn thất điện năng, còn nếu sản xuất ít mà nhu cầu nhiều thì ngành điện lại không đáp ứng được nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Chính vì thế khâu điều độ hệ thống điện có thể được coi là bộ não trong hệ thống điện và phải được tính phí.
Sau khâu này sẽ là khâu truyền tải điện, đây được coi là xương sống của hệ thống điện, có nhiệm vụ kết nối điện từ các nhà máy điện lên lưới truyền tải điện cao áp. Giá truyền tải điện được áp dụng theo các quy định của Chính phủ, Bộ Công Thương với giá lần lượt từ năm 2013 là 80 đồng/kWh, năm 2014 là 86,4 đồng/kWh, và từ năm 2015 là 104 đồng/kWh.
Sau khi điện được đưa lên lưới điện cao áp sẽ được đưa xuống hệ thống điện thấp hơn như 110 kV, 35 kV rồi xuống lưới điện phân phối, rồi từ đó kéo đến công tơ của người tiêu dùng. Ngoài ra chưa kể đến công tác phụ trợ cũng như công tác quản lý ngành.
Thực tế, quá trình sản xuất điện rất phức tạp và không có chuyện EVN mua rẻ bán đắt cho khách hàng. Do đó, so sánh hai con số bình quân giá mua 1.087,3 đồng/kWh và giá bán 1.622,05 đồng/kWh là không chính xác.
Theo Gia Hân
Chinhphu.vn