Thực tế này được lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nêu ra trong cuộc họp tình hình khắc phục hậu quả lũ lụt của ngành than do Bộ Công Thương tổ chức chiều 6/8.
Mặc dù đại diện Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cam kết cấp đủ than cho các hộ; tuy nhiên ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN cho biết, hiện nay đang vào mùa bão lụt, lượng nước về các hồ thủy điện nhiều nên các nhà máy thủy điện đang tranh thủ tích nước để phục vụ mùa khô. Thời gian tích nước kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10. Do đó, các nhà máy nhiệt điện đang phải huy động hết công sức, nhất là hệ thống nhiệt điện miền Nam mà tập trung là nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Duyên hải 1.
Thế nhưng theo ông Thành, lượng than về cảng rất ít so với nhu cầu. Chẳng hạn như nhu cầu than về cảng phục vụ nhà máy Duyên Hải 1 bình quân mỗi tàu khoảng 10.000 tấn nhưng thực tế chỉ có tàu 5.000 tấn vào rót hàng. Hay như với nhiệt điện Vĩnh Tân, ông Thành cho biết trên lý thuyết tàu 30.000 tấn vào rót hàng được, song các tàu cấp than mấy ngày qua cao nhất chỉ là tàu 20.000 tấn.
“Nếu các nhà máy này chạy hết công suất mỗi ngày thì các ngày sau không có than sử dụng”- Ông Thành lo ngại.
Chia sẻ thêm, ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc EVN cho biết, nguồn dự trữ than tại hai nhà máy nhiệt điện này đang rất mỏng. Theo đó, nhà máy Duyên Hải 1 còn trong kho 122.000 tấn, chỉ đủ cho 10 ngày; trong khi Vĩnh Tân 2 chỉ còn khoảng 48.000 tấn.
Đặc biệt, từ nay đến hết tháng 8, khí MP3 cấp cho điện Càu Mau sẽ bị ngưng để bảo dưỡng nên nguồn điện cho phía Nam sẽ phụ thuộc chủ yếu vào hai nhà máy nhiệt điện trên. Do vậy, các nhà máy nhiệt điện đang phải chịu áp lực lớn từ nguồn than phục vụ sản xuất. “Từ nay đến cuối năm, EVN sẽ phải huy động khoảng 23 tỷ kWh từ các nhà máy nhiệt điện, tương đương cần thêm khoảng 11 triệu tấn than”- Ông chia sẻ.
Từ thực tế này, Chủ tịch EVN kiến nghị Vinacomin cân đối nguồn than trong dài hạn. Theo vị này, tuy lượng than cung cấp hiện nay vẫn đảm bảo nhu cầu chung nhưng nhu cầu từng nhà máy nhiệt lại khác nhau nên ngành than phải xem xét tính toán hợp lý. “Nhu cầu than cho nhiệt điện miền Nam rất lớn; nếu Vinacomin không xem xét lại khả năng bốc dỡ trong và ngoài cảng để tăng lượng tàu rót than thì ngành điện có thể tính đến phương án nhập khẩu”- Vị này đề xuất.
Chốt lại vấn đề, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng yêu cầu Vinacomin phải đảm bảo đủ than cấp cho các hộ sản xuất, ưu tiên số một cấp than cho các nhà máy nhiệt điện. Thiết lập kho dữ trữ than ở các khu vực, nhất là khu vực xa nguồn than. Đồng thời Vinacomin triển khai thí điểm khai thác than Đồng bằng Sông Hồng theo phê duyệt của Chính phủ.
Hiện Vinacomin còn 7 triệu tấn than trong kho và khoảng 2 triệu tấn đã được tập kết ở cảng trước mưa lũ. Vinacomin cam kết trước Bộ Công Thương, Chính phủ là không để thiếu than. Trong đợt lũ lịch sử vừa qua doanh nghiệp đã không để thiếu thì không lý do gì phải lo tới đây thiếu cả, nhất là với ngành điện.
Ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc Vinacomin
Phương Ngọc