Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2% so với cùng kỳ

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 7,2% so với tháng 7 năm 2015, tính chung 7 tháng đầu năm tăng 7,2% so với cùng kỳ, mức tăng này khá thấp so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 10%), nguyên nhân chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 2,7% (cùng kỳ tăng 8,7%) và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng 9,9%, thấp hơn so với mức tăng 10,4% của cùng kỳ năm 2015. Sản xuất phân phối điện tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ, tăng 11,6% (cùng kỳ tăng 11,4%).

Nhìn chung, tình hình sản xuất công nghiệp tháng 7 năm 2016 chưa có dấu hiệu tăng trưởng bứt phá, vẫn duy trì mức tăng của 6 tháng năm 2016, đây là mức tăng thấp so với cùng kỳ năm 2015.

Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm ước đạt 96,83 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2015 (7 tháng năm 2015 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 27,93 tỷ USD, tăng 2,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 68,9 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ.

Kim ngạch nhập khẩu tháng 7 năm 2016 giảm 1% so với tháng trước và giảm 1,3% so với tháng 7 năm 2015. Tính chung 7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 95,03 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 39,64 tỷ USD, tăng 1,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 55,4 tỷ USD, giảm 2,4%.

Thị trường hàng hóa diễn biến theo xu hướng ổn định, giá một số mặt hàng thiết yếu giảm, đặc biệt là nhóm hàng nhiên, nguyên liệu, năng lượng và lương thực, thực phẩm. Cung cầu hàng hóa trên thị trường được bảo đảm. Dung lượng thị trường tiếp tục có sự mở rộng, tốc độ tăng trưởng gần bằng cùng kỳ năm trước là nhân tố tích cực và quan trọng góp phần vào tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tháng 7 năm 2016 ước đạt 295.691 tỷ đồng tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ ước đạt 1.842.968 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2015 (thấp hơn mức tăng 9,9% của cùng kỳ năm 2015), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,48%. (Phụ lục 9).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của cả nước tăng 0,13% so với tháng 6, tăng 2,48% so với tháng 12 năm 2015 và tăng 2,65% so với cùng kỳ gốc năm 2014. Tính chung 7 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015, CPI tăng 1,82%.

Không để xảy ra sự cố ảnh hưởng đến môi trường cũng như tác động đến dư luận

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, hiện tình hình sản xuất của Tập đoàn gặp nhiều khó khăn do tình hình mưa lũ. Dự kiến, kế hoạch sản xuất 6 tháng cuối năm sẽ giảm về sản lượng. Lí giải nguyên nhân vì sao than trong nước kém cạnh tranh hơn so với than nhập khẩu, ông Nguyễn Văn Biên chia sẻ, thuế tài nguyên của nước ta cao hơn các nước như In-đô-nê-xi-a, Úc, Trung Quốc từ 5 - 7%. Phó Tổng giám đốc TKV đề xuất giảm thuế tài nguyên trong nước, tránh để than nước ngoài tràn vào Việt Nam làm ảnh hưởng đến sản xuất, tình hình việc làm của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Lãnh đạo Tập đoàn cũng đã đề ra các giải pháp ổn định việc làm bằng cách giảm sản lượng đủ để công nhân mỏ làm việc 5 ngày/tuần.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Văn Biên

Báo cáo về tình hình sự cố vừa qua xảy ra tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ, tỉnh Đắk Nông khiến kiềm bị chảy ra ngoài và chảy vào suối Đắk Yao, Phó Tổng giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên cho biết, thời điểm xảy ra sự cố vào lúc 8 giờ 40 ngày 23/7. Khối lượng kiềm (NaOH) bị chảy ra ngoài nền sân bêtông và nền đất được xác định khoảng 9,58m3. Trong đó có một phần đã được thu hồi trở lại bồn chứa, một phần thẩm thấu xuống nền đất liền kề với diện tích 600m2 và một phần theo nước mưa chảy xuống suối Đắk Yao qua cống xả nước mưa tràn qua nhà máy.

Ngay sau khi phát hiện sự cố, Công ty Nhôm Đắk Nông đã kịp thời khóa đầu van vào của bơm không cho kiềm thoát ra ngoài, sau 4 phút nguồn kiềm được khống chế hoàn toàn. Công ty cũng thực hiện ngay biện pháp khắc phục khác như cách ly khu vực sự cố, thu hồi hóa chất chảy ra ngoài, dùng axít HCl trung hòa độ kiềm trên bề mặt, đào múc đất bị hóa chất đổ vào hồ chứa bùn đỏ… và tìm hiểu nguyên nhân sự cố. Ngay sau đó, Đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng một số Bộ, ngành hữu quan đã vào Đắk Nông để kiểm tra mức độ ảnh hưởng của sự cố. Kết quả kiểm tra, phân tích 12 mẫu đất và nước ở các khu vực nói trên thì độ pH đều nằm trong quy chuẩn Việt Nam cho phép. Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt của các hộ dân trong khu vực cũng đều nằm trong giới hạn quy chuẩn quốc gia. Quan sát về môi trường dọc suối Đắk Yao đến nay không thấy hiện tượng bất thường nào xảy ra đối với cây cối và sinh vật trong khu vực bị ảnh hưởng. Hiện nay, việc quan trắc, lấy mẫu phân tích, đánh giá vẫn đang được tiếp tục theo dõi.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, sự cố tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ là bài học lớn, TKV cần tiếp tục sát sao theo dõi, rút kinh nghiệm không để xảy ra sự cố tương tự, ảnh hưởng đến môi trường cũng như tác động đến dư luận.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Võ Văn Quyền

Về việc Formosa gây ra sự cố vô cùng nghiêm trọng đối với môi trường bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Võ Văn Quyền nhấn mạnh, thời gian qua, Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng như Vụ Thị trường trong nước đã kịp thời chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị hữu quan cũng như địa phương, kịp thời khắc phục hậu quả môi trường, thị trường cũng như đời sống của ngư dân. Tuy nhiên, một vấn đề lớn còn tồn tại hiện nay là tâm lý của người tiêu dùng e ngại trước mọi hải sản đánh bắt tại các vùng biển này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường cũng như đời sống của ngư dân địa phương. Vì vậy, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng cần tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông hơn nữa để người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn hải sản an toàn tại các vùng biển miền Trung. Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh đồng tình với ý kiến của ông Võ Văn Quyền và khẳng định, hải sản an toàn, có kiểm tra kiểm định chặt chẽ vẫn nên được sử dụng rộng rãi nhằm hỗ trợ ngư dân, khuyến khích phát triển thị trường trong nước.

Đối với đề xuất phát triển công nghiệp hỗ trợ của Sở Công Thương Quảng Ngãi, thắc mắc của Sở Công Thương Cần Thơ về các Hiệp định Thương mại tự do FTA, đề nghị của Sở Công Thương Đà Nẵng về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm..., Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và các đơn vị chức năng đã có những giải đáp, hỗ trợ thỏa đáng.

Kiên định thực hiện nhiệm vụ với nỗ lực và quyết tâm cao nhất

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, tình hình phát triển ngành Công Thương trong các tháng đầu năm 2016 đạt kết quả nhất định, song khó khăn vẫn còn rất nhiều. Thứ trưởng đề nghị cần rà soát các quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Các Tập đoàn EVN, PVN, TKV... cần có giải pháp đẩy mạnh phát triển, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng; không bị động trong cung ứng điện; đẩy mạnh sản xuất dầu khí, than, v.v... Tiếp tục triển khai xúc tiến thương mại tại thị trường trong và ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu, v. v...

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng kết luận Hội nghị

Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trên thế giới và trong nước tháng 7 và 7 tháng đầu năm còn nhiều khó khăn và chưa vững chắc..., khả năng đạt mục tiêu kế hoạch tăng trưởng năm 2016 là rất khó, vì vậy Bộ Công Thương xác định kiên định thực hiện nhiệm vụ với nỗ lực và quyết tâm cao nhất, đi thẳng vào những vấn đề cụ thể để giải quyết những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, tập trung thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 60/NQ-CP, trong tháng 8 và những tháng cuối năm tập trung vào các giải pháp sau:

Về sản xuất công nghiệp: Thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Tăng cường việc giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển, mục tiêu nhiệm vụ được giao của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Tập trung đẩy mạnh tiến độ các dự án đầu tư ngành công nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất.

Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, thực hiện các giải pháp cụ thể như: giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; Tiếp tục thực hiện các giải pháp cụ thể đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu; Tiếp tục triển khai có hiệu quả và có trọng tâm Đề án “Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020”, v. v...

Về phát triển thị trường trong nước: Bám sát diễn biến thị trường trong nước; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp để bảo đảm kiểm soát được chỉ số giá tiêu dùng ở mức hợp lý (dưới 5%) theo chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra. Chú trọng cân đối cung cầu một số mặt hàng thiết yếu, bảo đảm không để xảy ra sốt giá cục bộ.

Một số biện pháp khác: Tích cực tuyên truyền về các lợi ích do các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mang lại cũng như các giải pháp nhằm tận dụng những lợi thế đó; Tiếp tục tổ chức các Khóa đào tạo Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp; Tiếp tục rà soát và tập hợp các vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành; Tập trung nguồn lực để bảo đảm hoàn thành có chất lượng 100% kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và chương trình công tác năm 2016 được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; Thực hiện nghiên túc Thông tư số 05/2016/TT-BCT ngày 06 tháng 6 năm 2016 quy định về dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương; Thực hiện các biện pháp nâng cấp hạ tầng để triển khai 52 thủ tục hành chính qua hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4. Phấn đấu đến hết năm 2016 hoàn thành việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 đối với 100% thủ tục hành chính ở cấp Trung ương và ở cấp độ 4 là 30%.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương