• Giá dầu tháng 4/2025 giảm mạnh nhất kể từ năm 2021
Giá dầu giảm trong phiên cuối cùng của tháng 4/2025, tính chung trong tháng 4 đã giảm mạnh nhất trong gần 3,5 năm sau khi Saudi Arabia phát tín hiệu tăng sản xuất và mở rộng thị phần, trong khi cuộc chiến thương mại toàn cầu làm xói mòn triển vọng nhu cầu nhiên liệu.
Kết thúc phiên 30/4, dầu thô Brent giảm 1,13 USD, hay 1,76%, xuống 63,12 USD/thùng; dầu WTI giảm 2,21 USD, hay 3,66%, xuống 58,21 USD/thùng.
Tính chung tháng 4/2025, dầu Brent và WTI giảm lần lượt 15% và 18%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2021.
Saudi Arabia, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, vừa phát tín hiệu không muốn hỗ trợ thị trường dầu bằng cách cắt giảm nguồn cung nữa và có thể chấp nhận việc giá dầu thấp. Trước đó, Saudi Arabia đã thúc giục OPEC+ tăng sản lượng nhiều hơn dự kiến trong tháng 5/2025.
Một số thành viên OPEC+ sẽ đề xuất tăng sản lượng tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 6/2025. Nhóm sẽ họp vào ngày 5/5 để thảo luận về kế hoạch sản lượng.
"Xung đột thuế quan thương mại làm giảm trực tiếp nhu cầu dầu và cản trở việc đi lại của người tiêu dùng. Kết hợp với việc OPEC hủy bỏ cắt giảm sản lượng, rủi ro cung vượt cầu đang gia tăng", Pavel Molchanov, nhà phân tích chiến lược đầu tư của Raymond James cho biết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 2/4 đã công bố mức thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu của Mỹ, sau đó Trung Quốc trả đũa bằng mức thuế của riêng mình, làm bùng nổ xung đột thương mại giữa hai quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.
Mối lo ngại về sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu tiếp tục gây áp lực lên giá dầu.
Dữ liệu vào thứ Tư cho thấy nền kinh tế Mỹ đã suy giảm trong quý đầu tiên của năm nay, với một lượng lớn hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp mong muốn tránh chi phí cao hơn.
Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy mức thuế của Tổng thống Donald
Trump đã khiến nền kinh tế toàn cầu có khả năng rơi vào suy thoái trong năm nay.
Trong khi đó, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 4 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần năm năm do lo ngại ngày càng tăng về thuế quan.
Dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm trong tuần trước do xuất khẩu và nhu cầu lọc dầu tăng, đã hạn chế đà giảm giá. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của nước này giảm 2,7 triệu thùng xuống 440,4 triệu thùng trong tuần trước, so với dự đoán của giới phân tích trong một thăm dò của Reuters là tăng 429.000 thùng.
• Giá vàng tăng tháng thứ 4 liên tiếp
Giá vàng giảm nhẹ trong phiên 30/4 do các nhà đầu tư gia tăng đặt cược Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất sau khi tăng trưởng kinh tế của Mỹ yếu hơn dự kiến trong quý 1.
Vàng giao ngay kết thúc phiên này giảm 0,2% xuống 3.308,32 USD/ounce; trong phiên có lúc giá giảm hơn 1%. Vàng giao sau giảm 0,4% xuống 3.319,1 USD/ounce.
Giá vạc giao ngay giảm 1% xuống 32,64 USD/ounce, bạch kim giảm 1,2% xuống 965,30 USD và palladium tăng 0,3% lên 937,75 USD.
Mặc dù vậy, tính chung trong tháng 4, giá tăng tháng thứ 4 liên tiếp, với mức tăng gần 6%.
Số liệu cho thấy tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ giảm 0,3% trong quý 1 so với cùng kỳ năm ngoái, khi các doanh nghiệp vội vàng nhập khẩu hàng hóa trước thời điểm chính quyền Trump dự kiến áp dụng mức thuế quan.
Các nhà giao địch đặt cược rằng các dấu hiệu suy yếu sẽ rõ ràng hơn vào tháng 6 về nền kinh tế đang suy yếu sẽ thúc đẩy Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất, cuối cùng là cắt giảm một phần trăm vào cuối năm.
Vàng thường tăng giá mạnh trong môi trường lãi suất thấp. Lần gần đây nhất, giá đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục là 3.500,05 USD/ounce vào ngày 22/4.
Trong khi đó, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ không đổi vào tháng 3 sau khi tăng 0,4% vào tháng 2. PCE quý không bao gồm các thành phần thực phẩm và năng lượng dễ biến động đã tăng vọt ở mức 3,5%, tăng tốc từ mức 2,6% của tháng 10-tháng 12.
Hiện tại, các nhà giao dịch đang chờ đợi dữ liệu việc làm của Mỹ, sẽ công bố tuần này, báo cáo việc làm hàng tháng của Mỹ công bố vào thứ Sáu có thể làm sáng tỏ thêm triển vọng lãi suất của Fed.


