Bên lề buổi hội thảo “APEC và quan hệ đối tác công- tư nhằm phát triển năng lượng gió” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 24-9, ông Vũ Duy Hùng, Viện Năng lượng Việt Nam cho biết, hiện có 3 dự án điện gió đang phát điện thương mại gồm dự án điện gió Tuy Phong (Bình Thuận) công suất 30MW, dự án điện gió đảo Phú Quý công suất 6MW tại tỉnh Bình Thuận; dự án điện gió Bạc Liêu công suất 16,5MW tại tỉnh Bạc Liêu.

Theo ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương, việc tăng cường nghiên cứu, khai thác và tận dụng triệt để những nguồn năng lượng như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối… là cần thiết, nhằm hạn chế việc khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên không thể tái tạo, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Lợi thế của năng lượng gió so với các nguồn năng lượng truyền thống khác là nguồn cung sẵn có, dồi dào, có thể tái tạo, ền vững, than thiện với môi trường, giá cả cạnh tranh nếu được sản xuất trên quy mô lớn.

 

 

Tuy nhiên, ông Tú cho rằng, để thực hiện hóa việc đưa năng lượng gió vào sản xuất và sử dụng phổ biến trên quy mô đại trà trong khu vực, chúng ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn: Năng lượng gió do phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên và vị trí địa lý nên mang tính bất ổn cao; chi phí đầu tư, duy tu, bảo dưỡng thiết bị; chuỗi cung ứng trên thị trường, phục vụ sản xuất nguyên liệu đầu vào và phát triển thương mại về năng lượng gió còn gặp nhiều bất cập.

Trên thực tế, để phát triển năng lượng điện gió, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Theo đó, giá mua điện gió được quyết định là 7,8 cent/kWh nhưng giá này so với các nước trên thế giới vẫn thấp, chưa hấp dẫn (các nước khoảng 10 cent/kWh). Theo ông Hùng, đây là rào cản lớn nhất trong việc phát triển nguồn năng lượng này ở Việt Nam.

Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho nguồn năng lượng này cũng cao hơn tất cả các nguồn năng lượng truyền thống khác như thủy điện cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc thu hút đầu tư vào năng lượng gió còn ít.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam vào năm 2020 đạt 4,5%, năm 2030 là 6% trong tổng nguồn cung cấp điện của cả nước, trong đó, phát triển điện gió đạt 1.000MW vào năm 2020, đạt 6.200MW vào năm 2030, đưa tỷ trọng điện năng từ điện gió chiếm 0,7% năm 2020 lên 2,4% năm 2030.

Ông Hùng cho rằng, để đạt được mục tiêu 1.000 MW điện gió vào năm 2020 còn rất nhiều việc phải làm. Do vậy, cần phải có sự điều chỉnh về giá cho phù hợp để khuyến khích đầu tư vào phát triển điện gió.

Ông Terry Surles, Đại học Hawaii, Viện Năng lượng và Môi trường California cho biết, đầu tư cho năng lượng mặt trời, trong đó có năng lượng gió,công nghệ về điện gió có tốc độ vượt lên so với các công nghệ năng lượng khác. Năng lượng điện gió, năng lượng mặt trời tăng trưởng ở Trung Quốc, Mỹ có nhiều bước phát triển, dự kiến tiếp tục tăng nhanh chóng. Việc sử dụng năng lượng tái tạo ở các nước Đông Nam Á tăng, nhu cầu điện tăng, làm sao để tận dụng tăng trưởng này? Đó là sử dụng năng lượng tái tạo tốt hơn. Điều quan trọng là xem xét hỗ trợ năng lượng tái tạo như thế nào. Chính phủ Mỹ điều hành chính sách năng lượng bằng nhiều biện pháp như chính sách thuế. Theo đó, đơn vị lắp đặt thiết bi năng lượng mặt trời sẽ được hưởng ưu đãi thuế.

Theo Phan Thu

Hải quan

Nguồn: Hải quan