Buổi gặp mặt nhằm mục đích tăng cường kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Pháp ngữ, thúc đẩy hợp tác kinh tế trong không gian Pháp ngữ, góp phần đoàn kết và thịnh vượng chung của Khối Pháp ngữ. Đó cũng là mong muốn của Chính phủ Việt Nam nói riêng và Khối Pháp ngữ nói chung, là nội dung trọng tâm trong Chiến lược kinh tế Pháp ngữ, đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo các nước có sử dụng tiếng Pháp tại Dakar, Senegal vào tháng 11 năm 2014.

Phát biểu bằng tiếng Pháp tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, không thể phủ nhận nhận vai trò quan trọng của Tổ chức Pháp ngữ trong giải quyết các vấn đề toàn cầu về chính trị, văn hoá, xã hội. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Tổ chức Pháp ngữ và các nước thành viên còn đang ngày càng nỗ lực và quyết tâm tăng cường hợp tác kinh tế, coi vấn đề này như một trụ cột quan trọng và sống còn của Tổ chức, tăng cường vị thế quốc tế của Cộng đồng Pháp ngữ . Chiến lược kinh tế Pháp ngữ đặt ra hướng hành động “củng cố và xây dựng không gian kinh tế Pháp ngữ trở thành không gian ưu tiên của trao đổi, hợp tác và đoàn kết”; dựa vào các cơ chế hợp tác sẵn có trong khối: Bắc – Nam, Nam – Nam và hợp tác ba bên Nam - Bắc – Nam.

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tặng quà lưu niệm cho Bà Michaelle Jean, Tổng Thư ký Pháp ngữ

Tiềm năng phát triển kinh tế trong khối Pháp ngữ là rất lớn, khi 80 quốc gia thành viên và quan sát viên tạo thành một thị trường rộng lớn với hơn 900 triệu người tiêu dùng, chiếm 13,2% dân số thế giới và khoảng hơn 13% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Trao đổi thương mại giữa các nước thành viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ năm 2015 tăng lên hơn 688 tỷ USD và chiếm khoảng 20% trao đổi thương mại của thế giới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia được đánh giá có nhiều tiềm năng lớn và yếu tố đột phá để phát triển kinh tế, tạo động lực phát triển trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và cho khối Pháp ngữ.

 

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng chia sẻ, sau 30 năm thực hiện đường lối Đổi mới, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia thuộc Nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, liên tục đạt tăng trưởng cao, bình quân GDP tăng khoảng 7%/năm (1986-2010). Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm vừa qua, nhưng trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng GDP bình quân khoảng 6%/năm theo hướng tăng dần qua từng năm. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng tăng lên. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển khá nhanh. An sinh xã hội và đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu bằng tiếng Pháp tại buổi gặp mặt

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới với kinh tế vĩ mô ổn định hơn; tăng trưởng nhanh hơn; lạm phát ở mức thấp và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững với GDP tăng trưởng 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2016-2020.

Năm 2015, sản xuất công nghiệp tăng trưởng ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,8%, tăng trưởng ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng, điện… Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt khoảng 162,4 tỷ USD, tăng khoảng 8,1% so với năm 2014. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là dệt may, da giầy, nông, thủy sản…, các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam chủ yếu là máy móc, thiết bị và các nguyên liệu sản xuất cho hàng xuất khẩu. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững với ba trọng tâm: tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu tài chính – ngân hàng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Song song với cải cách trong nước, Việt Nam đang chủ động hội nhập sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế thế giới nhằm mở rộng không gian phát triển. Việt Nam đã ký 11 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đã kết thúc đàm phán Hiệp định FTA với Liên minh Châu Âu vào cuối năm 2015 và Hiệp định Thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đầu năm 2016. Các Hiệp định FTA này sẽ mở ra không gian thương mại tự do rộng lớn giữa Việt Nam với 55 đối tác, bao gồm tất cả thành viên Nhóm G7 và 15 thành viên của G-20. Cùng với việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 vừa qua, hơn lúc nào hết, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới, dự báo trở thành một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi gặp mặt

Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Cộng đồng Pháp ngữ, một đối tác ưu tiên, một tổ chức quốc tế hiệu quả, đã và đang giúp Việt Nam triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào những nỗ lực vì một Cộng đồng Pháp ngữ ngày càng đoàn kết và vững mạnh hơn.

Với tiềm năng và thế mạnh của mình, Việt Nam mong muốn hợp tác với các nước thuộc khối Pháp ngữ, sẵn sàng làm cầu nối của khối với khu vực Châu Á Thái Bình Dương và thế giới trong thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế Pháp ngữ.

Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khối Pháp ngữ hợp tác kinh doanh với Việt Nam, đồng thời hy vọng rằng Tổ chức Pháp ngữ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong các hoạt động kết nối, thúc đẩy hợp tác kinh tế với doanh nghiệp trong khối.

Bà Michaëlle Jean, Tổng Thư ký Pháp ngữ thăm chính thức Việt Nam, Lào và Campuchia từ ngày 10 đến ngày 18 tháng 10 năm 2016. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên tại ba nước thành viên Cộng đồng Pháp ngữ tại châu Á-Thái Bình Dương kể từ khi bà được bầu vào vị trí Tổng thư ký Pháp ngữ vào năm 2014.

Bà Michaelle Jean, Tổng Thư ký Pháp ngữ tại buổi gặp mặt

Bà Michaëlle Jean sẽ hội đàm với Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đại Quang, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Boungnang Vorachit, và Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni. Bà cũng sẽ hội đàm với các bộ trưởng và lãnh đạo chính của ba nước để bàn về các vấn đề ưu tiên của Cộng đồng Pháp ngữ. Trong thời gian ở Hà Nội, Vientiane và Phnom Penh, bà Michaëlle Jean sẽ gặp gỡ và giao lưu với đại diện của xã hội dân sự, với giới doanh nhân, với sinh viên các trường đại học Pháp ngữ và các nhà báo.

"Chuyến thăm của tôi tại các nước thành viên Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương diễn ra chỉ vài tuần trước Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ XVI tại Madagascar. Những nước năng động có tiềm năng kinh tế và sức mạnh của thanh niên này là những nhân tố không thể thiếu cho sự thành công của chương trình hoạt động mà các nguyên thủ quốc gia và chính phủ đã tin tưởng giao cho tôi vào năm 2014 tại Dakar. Chuyến thăm lần này sẽ cho phép tôi chứng kiến tận mắt sự hợp tác có hiệu quả giữa Tổ chức quốc tế Pháp ngữ và các nước trong khu vực trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đổi mới, khởi nghiệp và phát triển bền vững. Đây cũng là cơ hội để tăng cường hợp tác, đặc biệt là để triển khai Chiến lược Kinh tế mới của Cộng đồng Pháp ngữ" , bà Tổng thư ký cho biết.

Nguồn: PT/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương