Phương thức xúc tiến thương mại cũng cần thay đổi do ảnh hưởng dịch cúm Covid-19, tập trung vào triển lãm thương mại, giao thương trực tuyến các hạng mục như thực phẩm, nông nghiệp, ô-tô, điện tử, sản phẩm hữu cơ, xanh.
Thái Lan định hướng xuất khẩu các sản phẩm xanh
Theo xu hướng toàn cầu hướng đến các sản phẩm hữu cơ, xanh, Bộ Thương mại Thái Lan tập trung định hướng xuất khẩu nhóm sản phẩm trên. Thị hiếu tiêu dùng toàn cầu hướng đến các sản phẩm phong cách sống phát triển từ chất thải nông nghiệp/ công nghiệp cao; thực phẩm chế biến, sản phẩm nông nghiệp sơ chế, sản phẩm phi thực phẩm với bao bì thân thiện môi trường.
Phương thức xúc tiến thương mại cũng cần thay đổi do ảnh hưởng dịch cúm Covid-19, tập trung vào triển lãm thương mại, giao thương trực tuyến các hạng mục như thực phẩm, nông nghiệp, ô-tô, điện tử, sản phẩm hữu cơ, xanh.
Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Thái Lan cũng khuyến khích tập trung quảng bá 04 loại thực phẩm tương lai gồm thực phẩm chức năng, thực phẩm mới, thực phẩm y tế và thực phẩm hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng toàn cầu tại Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Úc.
Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) đề xuất kế hoạch giải cứu doanh nghiệp SMEs
Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) và Hiệp hội các doanh nghiệp niêm yết (TLCA) đang soạn thảo đề xuất 04 biên pháp liên quan đến các khoản nợ và tình trạng kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) để trình Thủ tướng Prayut Chan-o-cha. Nhóm doanh nghiệp SMEs cần giúp đỡ liên quan đến các khoản nợ và tính thanh khoản do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đặc biệt là làn sóng dịch mới nhất. Trường hợp xấu nhất là các doanh nghiệp SMEs sẽ phải đối mặt với việc phá sản.
04 biện pháp bao gồm (i) năng mức cam kết cho vay từ 40% lên 60%; (ii) doanh nghiệp với các khoản nợ xấu tạm thời không phải nộp thuế, thời gian áp dụng kéo dài trong 03 năm sau khi dịch kết thúc; (iii) đơn giản hóa điều kiện cho vay; (iv) phân phối bộ dụng cụ thử Covid.
Trong một diễn biến liên quan, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tiết kiệm chi phí thông qua Nền tảng Công nghiệp Số (IDP). Nền tảng IDP cho phép doanh nghiệp SMEs số hóa. Nền tảng IDP dự kiến được trình làng vào tháng 01/2021 và hướng đến nhóm doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống và công nghiệp chế biến. Số lượng người sử dụng nền tảng dự kiến đạt 70.000 người đến từ 60 khu công nghiệp.
Thái Lan dự kiến dành ưu đãi thuế thúc đẩy công nghệ sản xuất
Bộ trưởng Công nghiệp Thái Lan Suriya Jungrungreankit kỳ vọng Thái Lan sẽ trở thành quốc gia hàng đầu về công nghệ tự động vào năm 2026 thông qua việc đầu tư vào hệ thống sản xuất bằng rô-bốt. Việc tập trung vào rô-bốt, tự động hóa và hệ thống tích hợp là bước đệm để tự sản xuất công nghệ.
Chính phủ Thái Lan nỗ lực quảng bá hệ thống tự động hóa trong khuôn khổ Công nghiệp hóa 4.0 khuyến khích kết hợp giữa công nghệ số và nghiên cứu dữ liệu. Tại thời điểm hiện tại, chỉ 2% ngành công nghiệp Thái Lan ứng dụng Công nghiệp hóa 4.0 thông qua việc ứng dụng các công nghệ tân tiến trong sản xuất. 28% và 61% lần lượt sử dụng Công nghiệp hóa 3.0 và 2.0.
Thái Lan hiện đang ở giữa giai đoạn phát triển công nghệ 2018-2021 nhằm phát triển các công nghệ tương ứng với kế hoạch phát triển 10 ngành công nghiệp trọng yếu của Chính phủ. Ngân sách phát triển hệ thống tự động và rô-bốt giai đoạn trên đã đạt 116 tỉ Bạt.
Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương