Như vậy, dư địa xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam sang Nhật Bản còn rất lớn.
Hiện nay, Việt Nam và Nhật Bản đang là thành viên của 3 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương, bao gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Việc hai nước cùng tham gia những hiệp định này tạo rất nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng hợp tác thương mại song phương trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt khi cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau.
Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu lớn nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng các loại, sản phẩm điện tử, nhiên liệu…, trong khi Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh lớn về hầu hết các sản phẩm này.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản 4 tháng đầu năm 2021 tăng 2,67% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 6,6 tỷ USD. Các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam là nông sản có mức tăng trưởng xuất khẩu cao, như hạt tiêu tăng 35,23%, hạt điều tăng 20,35%, cà phê tăng 14%... Nhưng tính chung giá trị xuất khẩu cả nhóm hàng nông thủy sản và thực phẩm mới chỉ chiếm khoảng 8,2% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang Nhật Bản.
Thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sang Nhật Bản thông qua CPTPP tổng hợp từ số liệu hải quan Nhật Bản, nhập khẩu nhiều mặt hàng, vốn là thế mạnh của Việt Nam khá lớn nhưng Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu từ các thị trường đối tác khác. Như nhóm hàng nông thủy sản – thực phẩm được nhập chủ yếu từ Hoa Kỳ, chiếm xấp xỉ 23,3% tổng nhập khẩu nhóm hàng từ tất cả các thị trường, Trung Quốc chiếm 11,8%. Thị phần của khối ASEAN đối với nhóm hàng này chiếm 13,4%, trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 18,3% tổng nhập khẩu từ khối ASEAN và chỉ chiếm gần 2,4% tổng nhập khẩu nhóm hàng của Nhật Bản từ các thị trường trên thế giới.
Trong khi đó, Nhật Bản hiện có nhu cầu nhập nhiều mặt hàng như cá, sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt và những sản phẩm từ thịt, đậu nành, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả. Tỷ trọng của nhóm hàng nông thủy sản – thực phẩm nhập khẩu chiếm xấp xỉ 10% tổng trị giá nhập khẩu các loại hàng hóa.
So với Trung Quốc hay Hoa Kỳ thì Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh do được ưu đãi thuế quan theo cam kết của các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với Nhật Bản, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP. Như vậy, dư địa xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam sang Nhật Bản còn rất lớn.
Theo cam kết trong CPTPP:
- Đối với thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam, Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực với khoảng 1/3 số dòng sản phẩm thịt; cắt giảm và xóa bỏ thuế theo lộ trình 2 - 16 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực với khoảng 2/3 số dòng thuế.
+ Giảm thuế xuống còn 9% từ năm 16 trở đi với thịt trâu bò tươi, ướp lạnh hoặc động lạnh, thịt má và thịt đầu của trâu bò, tươi hoặc ướp lạnh, đông lạnh…
+ Xóa bỏ thuế đối với một số sản phẩm như bò sống, heo sống trên 50kg…
+ Trong vòng 10 năm: giảm thuế theo công thức cụ thể về 0% đối với thịt heo nguyên con hoặc nửa con, tươi hoặc ướp lạnh, đông lạnh, không phải heo rừng; thịt mông đùi, vai và các mảnh của heo, có xương, không phải heo rừng, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh.
+ Lộ trình 6 năm: xóa bỏ thuế đối với thịt và phụ phẩm của gà thuộc loài Gallus domesticus chưa cắt miếng, tươi hoặc ướp lạnh; xúc xích và sản phẩm tương tự làm từ thịt, thịt sau giết mổ hoặc tiết; thực phẩm chế biến từ các sản phẩm này…
+ Lộ trình 8 năm: xóa bỏ thuế đối với nội tạng heo trừ gan, không phải heo rừng, đông lạnh.
+ Lộ trình 10 năm: xóa bỏ thuế đối với thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh mà mỗi kg cao hơn giá tại cửa của các phẩn của heo, theo giá trị của thuế hải quan…
+ Lộ trình 13 năm: xóa bỏ thuế đối với nội tạng của trâu bò tươi, đông lạnh… So với VJEPA, cam kết trong CPTPP có mức mở cửa mạnh hơn đối với các dòng sản phẩm mà trong VJEPA Nhật Bản không cam kết xóa bỏ thuế.
- Đối với mặt hàng rau quả, cam kết về thuế quan của Nhật Bản được chia thành bốn nhóm:
+ Xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực với phần lớn dòng thuế rau quả.
+ Cắt giảm và xóa bỏ thuế theo lộ trình 4 - 15 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực với một số dòng thuế bao gồm cả rau tươi và sơ chế (hành tây, nấm hương, ngô ngọt, khoai tây…), quả tươi và sơ chế (chuối, cam, quýt, dứa và nhiều nhất là các sản phẩm rau quả đã qua chế biến (nước ép dứa, nước ép cà chua, nước ép táo...)
+ Áp dụng hạn ngạch thuế quan với một số sản phẩm đậu Hà Lan, đậu và các loại rau họ đậu chế biến sẵn thuộc các mã: HS200540.190, 200551.190 và 200599.119.
Mức hạn ngạch cụ thể như sau: năm thứ nhất (380 tấn); năm thứ hai (464 tấn); năm thứ ba (548 tấn); năm thứ tư (632 tấn); năm thứ năm (716 tấn) và từ năm thứ sáu là 800 tấn/ năm. Thuế suất của sản phẩm nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Ngoài hạn ngạch là thuế MNF tại thời điểm nhập khẩu
+ Không xóa bỏ thuế đối với với một số mã sản phẩm đậu mã HS 071332.090, 0713334.299, đậu Hà Lan mã HS 071335.299, 071339.222, 071339.227, sốt cà chua mã HS 200290.211, 200290.221; dứa đã qua chế biến mã HS 200820.111, 200820.211. Về lộ trình, Nhật Bản sẽ xóa bỏ thuế đối với phần lớn rau quả theo CPTPP sớm hơn VJEPA hai năm. Đồng thời, danh mục các sản phẩm áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc không cam kết của CPTPP ít hơn của VJEPA. Theo đó, xét tổng thể, mức cam kết thuế quan của Nhật Bản đối với các sản phẩm rau quả trong CPTPP cao hơn so với VJEPA.
- Đối với mặt hàng thuỷ sản, Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực với khoảng 65% (317/484) dòng sản phẩm thủy sản; Cắt giảm và xóa bỏ thuế quan theo lộ trình 6 - 16 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực với một số dòng thuế thuỷ sản từ Việt Nam.
+ Lộ trình 6 năm: cắt giảm, xóa bỏ 44/484 dòng thuế.
+ Lộ trình 8 năm: cắt giảm, xóa bỏ 3/484 dòng thuế (cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to và một số loại cá ngừ khác).
+ Lộ trình 11 năm: cắt giảm, xóa bỏ 109/484 dòng thuế.
+ Lộ trình 16 năm: cắt giảm, xóa bỏ 11/484 dòng thuế (cá nishin, cá basa, cá cơm, cá thu, cá minh thái, cá nục…).
Có thể thấy, CPTPP đem lại cơ hội thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng nông thủy sản – thực phẩm của Việt Nam sang Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhật Bản là quốc gia có các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt, tạo thành hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu vào Nhật Bản.
Các giấy tờ theo quy định của Nhật Bản khi thực hiện nhập khẩu rau quả vào quốc gia này khá phức tạp như Giấy chứng nhận an toàn sức khỏe; Kết quả xét nghiệm; Các tài liệu chứng minh các thành phần nguyên liệu, phụ gia và quy trình sản xuất (Chứng nhận nhà sản xuất)... Cùng với đó, còn nhiều quy định khác của Nhật Bản liên quan như: Luật Thương mại quốc tế và Trao đổi ngoại hối; Luật Vệ sinh thực phẩm; Luật Thuế quan và Hải quan, Luật Tiêu chuẩn hóa và Dán nhãn các sản phẩm Nông và Ngư nghiệp; Luật Đo lường; Luật Bảo vệ sức khỏe; Luật Chống lại việc Đánh giá cao sai sự thật và mô tả gây hiểu lầm; Luật về Trách nhiệm đối với sản phẩm; Luật về các Giao dịch thương mại Đặc biệt; Luật Khuyến khích phân loại rác thải và tái chế container và bao gói/ Luật Khuyến khích sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh/ Luật Thương hiệu. Đây là một thách thức đối với ngành hàng nông thủy sản – thực phẩm của Việt Nam. Vì theo các quy định của Nhật Bản, các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm được yêu cầu rất cao, nhất là dư lượng hóa chất nông nghiệp. Nếu bị phát hiện có các dư lượng vượt quá mức cho phép, các sản phẩm này sẽ bị giám sát rất chặt chẽ.
Ngày 31/05/2021, Nhật Bản đã gửi thông báo lên Tổ chức Thương mại thế giới WTO về việc sửa đổi tiêu chuẩn dư lượng hóa chất nông nghiệp cho thực phẩm, phụ gia thực phẩm,... theo Đạo luật vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản. Theo đó, khi xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam sang Nhật Bản, các doanh nghiệp cần chú ý đến chất lượng sản phẩm và các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường này.
Sản phẩm phải phù hợp với luật vệ sinh môi trường và qua các bước kiểm dịch động thực vật, trước khi được vào được thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, dân số Nhật đang bị già hóa nên xu hướng tiêu dùng của người Nhật Bản đối với hàng nông sản, thực phẩm đặc biệt quan tâm đến yếu tố tác động tới sức khỏe, sau đó là giá thành và sự tiện lợi của sản phẩm… Doanh nghiệp cần ghi rõ trên bao bì của sản phẩm các thông tin về thành phần dinh dưỡng, cách chế biến, bảo quản, hạn sử dụng, thành phần nào có thể gây dị ứng...