Trong nước, trước diễn biến và tác động của dịch Covid-19, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều kết luận, Nghị quyết, Chỉ thị với phương châm “chống dịch như chống giặc”, kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội, giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế, tạo điều kiện duy trì và sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm tận dụng cơ hội sau khi hết dịch để phát triển nhanh, bền vững.

Đến nay, quá trình kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, cơ bản đã chuyển sang một giai đoạn mới. Trên tinh thần rất chủ động, quyết liệt đồng bộ, Bộ Công Thương đã và đang xây dựng Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp - thương mại trong giai đoạn mới để triển khai thực hiện; đồng thời triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Tình hình cụ thể như sau:
I. HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Trước tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, cả nước bước sang giai đoạn vừa phòng, chống dịch bệnh vừa khôi phục và phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất công nghiệp đã có tín hiệu tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2020 đạt mức tăng 11,2% so với tháng trước, tuy nhiên so với cùng kỳnăm 2019 giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019,trong đó: ngành khai khoáng giảm 13%; ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; sản xuất và phân phối điện tăng2%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 5 tháng đầu năm, IIP ước tính tăng 1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua. Trong đó:
- Ngành chế biến, chế tạo tháng 5 tăng 12,8% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng, ngành chế biến, chế tạo tăng 2,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,9%); riêng ngành khai khoáng tháng 5 giảm 0,4%, tính chung 5 tháng đã giảm 8,1% (cùng kỳ tăng 0,7%).
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất xe có động cơ giảm 16,3%; sản xuất đồ uống giảm 14,6%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 8,3%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 6,9%; sản xuất trang phục giảm 6,7%; sản xuất thiết bị điện giảm 5,2%; sản xuất kim loại giảm 2,2%; dệt tăng 0,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 0,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 2,4%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,3%.
Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 5 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước: sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 12,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,3%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 9,1%; khai thác quặng kim loại tăng 7,6%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 6,6%; khai thác than tăng 5,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 6,7%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 5 tháng giảm sâu và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 26,9%; bia giảm 24,5%; xe máy giảm 15,6%; dầu thô khai thác giảm 12,3%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 11,4%; khí hóa lỏng LPG giảm 10,9%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 10,4%; sắt thép thô giảm 9,7%; quần áo mặc thường giảm 8,2%; giày, dép da giảm 6,7%; điện thoại di động giảm 5,4%; thép cán giảm 4,7%; tivi các loại giảm 3,1%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng khá so với cùng kỳ năm trước: thép thanh, thép góc tăng 12,1%; phân ure tăng 11,3%; xăng dầu các loại tăng 10,7%; thuốc lá điếu tăng 6,6%; than sạch tăng 5,8%.
- Trong tháng 5, với sự nới lỏng các quy định giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất đã bước đầu trở lại bình thường; thời tiết nắng nóng xảy ra trên diện rộng khắp cả nước, có những ngày nắng nóng kỷ lục khiến cho sản xuất và tiêu thụ điện tăng, do đó chỉ số sản xuất ngành sản xuất, phân phối điện tháng 5 tăng 13,7% so với tháng trước; tính chung 5 tháng ngành sản xuất, phân phối điện tăng 2,6% (cùng kỳ năm trước tăng 10%).
Sản lượng điện sản xuất tháng 5 ước đạt 20.525,1 triệu kWh, tăng 18% so với tháng trước và tăng2 % so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng điện sản xuất ước đạt 91.759,8 triệu kWh, tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ năm 2019.Điện thương phẩm tháng 5 ước đạt 18.150 triệu kWh, tăng5,9% so với tháng 4 và tăng 2% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm, điện thương phẩm ước đạt 84.512,3 triệu kWh, tăng 3,1% so với cùng kỳ.
Quý II hàng năm là thời gian cao điểm của mùa khô và là thời điểm căng thẳng nhất trong năm về đảm bảo cung cấp điện toàn hệ thống, ngành điện đề ra mục tiêu đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện, đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng mùa khô quý II/2020. Các nguồn nhiệt điện than và tuabin khí sẽ được khai thác tối đa theo khả năng cấp nhiên liệu, đồng thời khai thác thủy điện theo nước về, đảm bảo cung cấp nước cho hạ du; huy động nhiệt điện chạy dầu theo phương thức và nhu cầu phụ tải. Đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện, đặc biệt các nhà máy tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải để đáp ứng nhu cầu huy động của hệ thống.
Tăng cường các công tác quản lý vận hành, đảm bảo hành lang tuyến đường dây, đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, phục vụ truyền tải cao liên tục trong mùa khô, đặc biệt là hệ thống truyền tải 500 kV Bắc - Nam. Ngoài ra, các đơn vị trong toàn ngành điện chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn hồ đập và công trình thuỷ điện, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du trong mùa mưa, lũ, bão năm 2020.
Nhìn chung, sản xuất công nghiệp trong tháng 5 đã bắt đầu khôi phục trở lại, tăng cao so với tháng 4, đặc biệt sản xuất của nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất điện tăng trên hai con số (tương ứng tăng 12,8% và 13,7%) đã đưa chỉ số toàn ngành công nghiệp tăng 11,2%. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2019 sản xuất công nghiệp trong tháng vẫn giảm ở tất cả các nhóm (trừ sản xuất và phân phối điện tăng 2%), trong đó giảm mạnh ở ngành khai khoáng mà chủ yếu tập trung ở khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (giảm 12%) do tác động kép của việc giá dầu giảm sâu và tiêu thụ xăng dầu giảm.
Tính chung 5 tháng 2020, sản xuất công nghiệp của Việt Nam chịu tác động chung của dịch bệnh Covid 19, ảnh hưởng đến tiêu thụ, và sản xuất hàng hóa nên mức tăng trưởng đạt thấp, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019, trong đó nhóm khai khoáng thậm chí tăng trưởng âm. Tuy nhiên trong bối cảnh chung của đại dịch, sản xuất công nghiệp Việt Nam vẫn có tăng trưởng, thể hiện sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng như sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng nhau vượt qua khó khăn, duy trì và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
II. HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU
Bước sang tháng 5, Việt Nam đã trải qua hơn 1 tháng không có ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, cho thấy dịch bệnh trong nước đang được kiểm soát, tuy nhiên trên thế giới dịch bệnh vẫn đang hết sức phức tạp và chưa được kiểm soát tốt đặc biệt tại các nước lớn, đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.Theo kết quả khảo sát gần 130 nghìn doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, về thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cho biết thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh; 47,2% doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được. Có thể nói, hoạt động thương mại của Việt Nam từ đầu quý II/2020 đã chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19 lây lan trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như: EU, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN...
Trong tháng 5/2020, xuất nhập khẩu của Việt Nam mặc dù có sự cải thiện so với tháng 4/2020 nhưng vẫn sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Theo ước tính, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 5/2020 đạt 37,9 tỷ USD, tăng 5% so với tháng 4/2020 nhưng giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 5 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt 196,84 tỷ USD, giảm 2,8% so với 5 tháng năm 2019. Tình hình cụ thể như sau:
1. Về xuất khẩu
Trong tháng 5/2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng 4/2020 và giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 1,1% so với tháng 4/2020 và tăng0,5% so với cùng kỳ năm 2019; Kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI cũng tăng 7,6% so với tháng 4/2020 và giảm 22,3% so với cùng kỳ, đạt 11,9 tỷ USD (bao gồm cả dầu thô).
So với tháng 4/2020, kim ngạch xuất khẩu của cả 3 nhóm hàng chính đều tăng trong tháng 5/2020. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, thủy sản tăng 3,8%, ước đạt 2,1 tỷ USD; nhóm nhiên liệu và khoáng sản tăng 33,3%, ước đạt 170 triệu USD; nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 4,9%, ước đạt 15,12 tỷ USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ba nhóm hàng trên giảm lần lượt là 5,3%, 60,6% và 17%.
Trong nhóm hàng công nghiệp chế biến, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5/2020, với kim ngạch đạt 3,2 tỷ USD, tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 9% so với cùng kỳ năm 2019. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác cũng tăng 16,2% so với tháng 5/2019, đạt 1,75 tỷ USD.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của một số ngành hàng khác sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2019 như: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 30%, hàng dệt may giảm 34,3%, giày dép các loại giảm 18,5%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 17,4%...
Kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản cũng giảm so với cùng kỳ năm 2019 như: Thủy sản giảm 17,9%, rau quả giảm 1,4%, cà phê giảm 8,2%, hạt tiêu giảm 35,6%... Ngược lại, xuất khẩu mặt hàng gạo tăng mạnh sau khi Chính phủ cho xuất khẩu gạo bình thường trở lại từ ngày 1/5. Theo ước tính, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 5/2020 tăng mạnh 47% về lượng và 55,3% về trị giá so với tháng 4/2020, đồng thời tăng 11,7% về lượng và 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 750 nghìn tấn, trị giá 395 triệu USD. Đáng chú ý, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 5/2020 cũng tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua với giá bình quân đạt 527 USD/tấn, tăng 5,6% so với tháng 4/2020 và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 5 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu gạo của nước ta đã tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 485 USD/tấn. Với mức giá cạnh tranh và xuất khẩu đang tăng mạnh trở lại sau khi gỡ bỏ hạn ngạch, Việt Nam có cơ hội lớn để vượt qua Thái Lan về xuất khẩu gạo toàn cầu ngay trong năm nay. Theo Bộ Thương mại Thái Lan, xuất khẩu gạo của nước này trong 4 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 2,11 triệu tấn, trị giá 43,046 triệu baht (1,387 tỷ USD), giảm mạnh 32,1% về lượng và 15,7% về trị giá so với mức 3,11 triệu tấn trị giá 51,07 triệu baht (1,62 triệu USD) của cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 5 cũng tăng mạnh 38,7% so với cùng kỳ năm 2019. Mặt hàng sắn lát đang có nhiều cơ hội khi Trung Quốc đang nỗ lực phục hồi ngành chăn nuôi lợn sau dịch tả lợn châu Phi dẫn đến nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng cao. Hiện giá xuất khẩu sắn lát vẫn tiếp tục tăng do khan hiếm nguồn cung trước bối cảnh nhiều diện tích sắn Trung Quốc đang bị dịch bệnh khảm lá sắn tiếp tục bùng phát và lây lan trên diện rộng, nguy cơ sản lượng sắn năm nay có thể giảm.
Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 99,36 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,1%). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hai con số, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 33,30 tỷ USD. Đây được xem là điểm sáng của hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm 2020 đến nay, nhất là trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (bao gồm cả dầu thô) giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2019 (ước đạt 66,06 tỷ USD) do tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
5 tháng đầu năm, kim ngạch của cả ba nhóm ngành quan trọng đều giảm, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến có mức giảm thấp nhất là 1,2% so với cùng kỳ năm 2019, tiếp theo là đến nhóm hàng nông, thủy sản với mức giảm 4,7% và nhiên liệu khoáng sản có mức giảm cao nhất là 31,3%. Như vậy, không còn chỉ là giảm tốc nữa, chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bị nhiều đối tác cắt đơn hàng, xuất khẩu của Việt Nam càng ngày càng gặp nhiều khó khăn trong quý II/2020.
Trong 5 tháng đầu năm, có 17 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 82% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó: điện thoại các loại và linh kiện dù vẫn là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất nhưng kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 17,98 tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2019. Một nhóm hàng chủ lực khác cũng sụt giảm như dệt may với mức giảm 14,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 10,45 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại đạt 6,8 tỷ USD, giảm 4,8%, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước; sắt thép đạt 1,6 tỷ USD, giảm 13,5%; xơ, sợi dệt đạt 1,3 tỷ USD, giảm 21,4%; sản phẩm chất dẻo đạt 1,3 tỷ USD, giảm 3,6%; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù đạt 1,3 tỷ USD, giảm 15,5%; sản phẩm từ sắt thép đạt 1,3 tỷ USD, giảm 5%.
Tuy nhiên, một số nhóm hàng vẫn duy trì đà tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2019 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng mạnh 22,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 25%. Nhờ tốc độ tăng trưởng ấn tượng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã vượt qua dệt may trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2020.
Bên cạnh đó, xuất khẩu một số mặt hàng nông, thủy sản cũng gặp nhiều bất lợi trong 5 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng trong nhóm này giảm so với cùng kỳ năm trước: Thủy sản đạt 2,8 tỷ USD, giảm 10,3%; Rau quả đạt 1,6 tỷ USD, giảm 10,3%; cao su đạt 470 triệu USD, giảm 29,6% (lượng giảm 30,7%); hạt tiêu đạt 309 triệu USD, giảm 17,9% (lượng tăng 0,4%). Một số mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng: Gạo đạt 1,4 tỷ USD, tăng 17,2% (lượng tăng 3,7%); cà phê đạt 1,4 tỷ USD, tăng 2,9% (lượng tăng 4,7%); hạt điều đạt 1,2 tỷ USD, tăng 2,2% (lượng tăng 17,8%).
5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm mạnh 31,3% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 1,3 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu xăng dầu các loại giảm 42,9%, quặng và khoáng sản giảm 25,5%, riêng dầu thô tăng 27,7% về lượng nhưng giảm 22,9% về kim ngạch do giá giảm sâu.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 24,6 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,3 tỷ USD, tăng 20,1%. Thị trường EU đạt 12,9 tỷ USD, giảm 12%. Thị trường ASEAN đạt 9,4 tỷ USD, giảm 13,4%. Nhật Bản đạt 8,1 tỷ USD, tăng 2,2%. Hàn Quốc đạt 7,7 tỷ USD, giảm 0,5%.
2. Về Nhập khẩu
- Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 19,4 tỷ USD, tăng4,7% so với tháng trước, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khối doanh nghiệp trong nướccó kim ngạch nhập khẩu ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng4,7% so với tháng 4/2020, giảm 12,7% so với cùng kỳ; Khối doanh nghiệp FDI nhập khẩu 10,6 tỷ USD, tăng4,8% so với tháng 4/2020 và giảm 18,5% so với cùng kỳ.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu cả nước ước đạt 97,48 tỷ USD, giảm3,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,5%). Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ước đạt 41,9 tỷ USD, giảm3,2% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI ước đạt 55,54 tỷ USD, giảm4,3% so với cùng kỳ năm 2019.
- Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) trong tháng 5/2020 tăng 7,7% so với tháng 4/2020, ước đạt 17,32 tỷ USD nhưng giảm 14,4% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này ước đạt 86,18 tỷ USD, chiếm 88,4% tổng kim ngạch nhập khẩu và giảm 3,3% so với cùng kỳ 2019, với sự sụt giảm ở các mặt hàng chính như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 3%, vải các loại giảm 14,5%, sắt thép các loại giảm 15,9%, chất dẻo nguyên liệu giảm 10,7%...
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát giảm 16,9% so với 5 tháng năm 2019, đạt 6,09 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu linh kiện phụ tùng ô tô giảm 17,4%, hàng điện gia dụng và linh kiện giảm 3,3%; đặc biệt, rau quả giảm mạnh 42,1%, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ giảm 41,8%...
- Về thị trường nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường lớn trong tháng 5/2020 cũng đã có tăng trưởng so với tháng 4/2020 nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tăng 4,4% so với tháng trước, nhưng giảm 7,7% so với tháng 5/2019; Hàn Quốc tăng 10% so với tháng trước, nhưng giảm 28,1% so với cùng kỳ; ASEAN tăng 6,4% so với tháng trước, nhưng giảm 24,7% so với cùng kỳ...
Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, Việt Nam vẫn nhập khẩu hàng hóa lớn nhất từ thị trường Trung Quốc, đạt 28,8 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019. Đứng thứ hai là Hàn Quốc đạt 17,27 tỷ USD, giảm 9,5%; ASEAN đạt 11,79 tỷ USD, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Nhật Bản trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 8,08 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ 2019.
Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ hay EU cũng có sự tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, nhập khẩu từ thị trường Mỹ đạt 6,06 tỷ USD, tăng 6,4%; EU đạt 5,77 tỷ USD, tăng 5,8%...
3. Cán cân thương mại
Tháng 5, Việt Nam ước tính nhập siêu900 triệu USD. Tính chung 5 tháng năm 2020, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 1,88tỷ USD cao hơn nhiều so với con số thâm hụt256 triệu USD của 5 tháng đầu năm 2019. Trong đó, khối doanh nghiệp FDI xuất siêu 10,52 tỷ USD, trong khi khối doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu 8,64 tỷ USD.
Như vậy tiếp nối tháng 4, hoạt động thương mại trong tháng 5 của Việt Nam mặc dù đã có những khởi sắc nhưng vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng trong 5 tháng vẫn là những thị trường lớn như: Mỹ và Trung Quốc, trong khi đó những thị trường lớn khác như EU, ASEAN, Hàn Quốc lại giảm.
Gần đây, nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam dần dỡ bỏ những biện pháp chống dịch và tái khởi động kinh tế trong bối cảnh cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn. Điều này mở ra kỳ vọng hoạt động thương mại toàn cầu sẽ tăng trở lại trong những tháng tiếp theo.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Việt Nam mặc dù đã thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu lại phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài. Trong khi đó, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, quá trình hồi phục sẽ mất nhiều thời gian. Do đó, trong những tháng tới, xuất nhập khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục nhưng kim ngạch vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Những yếu tố hỗ trợ xuất khẩu
- Thời gian qua, chuỗi cung ứng, thị trường xuất nhập khẩu bị gián đoạn do tác động của dịch Covid-19. Nhưng từ giữa tháng 4 đến nay, tình hình đã từng bước cải thiện, các nước châu Âu từng bước mở cửa trở lại đối với nền kinh tế. Nhiều nước đã tung ra các gói kích cầu quy mô lớn, tăng cường chi tiêu tài khóa để đối phó với dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế thiết yếu và hỗ trợ người lao động. Còn tại Mỹ, tính đến cuối tháng 5/2020, tất cả 50 tiểu bang ở Mỹ đã mở cửa lại từng phần sau khi đóng cửa 2 tháng để thực hiện các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch Covid-19.
- Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu, nhằm mở rộng thị trường cho nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung. Ngay khi dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, Bộ Công Thương đã sớm tính đến việc triển khai các hình thức xúc tiến thương mại, khơi thông thị trường xuất khẩu cho hàng nông sản. Trung Quốc là thị trường đầu tiên được nhắm tới với sự kiện mở đầu là Hội nghị giao thương trực tuyến hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc, thu hút sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp hai bên. Tiếp đó, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo trực tuyến “Việt Nam - Ấn Độ: xúc tiến thương mại nông sản và thực phẩm chế biến”. Với gần 1,4 tỷ dân, Ấn Độ là thị trường có tiềm năng để doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam khai thác.
Đặc biệt, để xúc tiến tiêu thụ trái vải, Bộ Công Thương và tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều năm 2020, dự kiến vào đầu tháng 6/2020. Hội nghị sẽ được tổ chức trực tuyến, đầu cầu tại Bắc Giang, kết nối 62 tỉnh thành và với 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) - là 2 tỉnh tiêu thụ chính trái vải Việt Nam tại thị trường Trung Quốc
- Việc nới lỏng giãn cách xã hội, đưa hoạt động sản xuất và sinh hoạt trở lại bình thường ở nhiều quốc gia đã giúp nhu cầu xăng dầu tăng lên; trong khi nguồn cung đang được cắt giảm theo thỏa thuận của OPEC+ cũng giúp thị trường xăng dầu thế giới khởi sắc. Giá dầu tăng có thể kéo theo giá nhiều loại hàng hóa khác tăng trở lại trong thời gian tới.
- Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2020 tạo ra động lực mới cho xuất khẩu những tháng cuối năm 2020 và những năm tới.
Việc Việt Nam phê chuẩn EVFTA vào thời điểm này sẽ tạo động lực cho việc phục hồi kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19. Cùng với Hiệp định CPTPP, việc phê chuẩn và thực thi EVFTA khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hệ thống thương mại tự do quốc tế, thúc đẩy đàm phán FTA của ta với các đối tác quan trọng khác, đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam.
- Việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch. Trong khi đó, các tập đoàn xuyên quốc gia đang xem xét dịch chuyển đầu tư, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu làn song đầu tư này. Gần đây, chính phủ Nhật Bản đã chi 2,2 tỷ USD hỗ trợ doanh nghiệp nước này rời Trung Quốc. Chính phủ Mỹ cũng yêu cầu các công ty của Mỹ sớm di dời nhà máy tại Trung Quốc.
Thực tế cũng cho thấy, hiện có nhiều thông tin các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam: LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng; Theo Nikkei, trong quý II/2020, Apple sẽ sản xuất 3 - 4 triệu chiếc tai nghe AirPods tại Việt Nam, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới. Foxconn - nhà cung ứng linh kiện cho Apple - đã đặt nhà máy tại Bắc Giang. Panasonic Việt Nam cũng đang chuẩn bị vào đầu tháng 9 năm nay sẽ từng bước tiếp nhận để sản xuất tủ lạnh và máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan.
III. THƯƠNG MẠI NỘI ĐỊA
Sau thời gian giãn cách xã hội, tháng 5 hoạt động kinh tế - xã hội đã bắt đầu trở lại bình thường, cùng với kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5 nên hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng trở lại.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính đạt 384,8 nghìn tỷ đồng, tăng 26,9% so với tháng trước và giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 311,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% và tăng 1,6%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 32,5 nghìn tỷ đồng, tăng 95,8% và giảm 33,75%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 0,4 nghìn tỷ đồng, tăng 780,1% và giảm 87,8%; doanh thu dịch vụ khác đạt 40,8 nghìn tỷ đồng, tăng 91,3% và giảm 9,8%.
Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.913,9 nghìn tỷ đồng, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng ước tính đạt 1.543,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm tăng nhẹ do các siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không có biến động về giá, đồng thời người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hình thức mua sắm trực tuyến.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm ước tính đạt 175,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,2% tổng mức và giảm 25,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,9%). Nhìn chung, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống đã mở cửa trở lại sau giãn cách xã hội, tâm lý người dân đã bớt lo ngại, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước vẫn giảm mạnh do học sinh bắt đầu quay trở lại trường học, nhu cầu du lịch hè của các gia đình vào thời điểm này chưa cao.
Doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm ước tính đạt 8,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 54,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 12,7%) do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới, Việt Nam tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài và du lịch nội địa chưa trở lại mạnh mẽ như cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ khác 5 tháng đầu năm ước tính đạt 186,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,8% tổng mức và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2019. (Phụ lục 7).
IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại, cần tập trung bám sát diễn biến, tình hình, tuyệt đối không chủ quan, chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và các sự cố có thể xảy ra; quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp tốt với các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, các nhiệm vụ cụ thể tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, các Nghị quyết khác của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là khẩn trương thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ,bên cạnh việc tiếp tục xử lý các vấn đề cấp bách để vừa phòng chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thì yêu cầu đặt ra trong thời gian tới được là cần xây dựng được kế hoạch để thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực của ngành Công Thương, khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp - thương mại trong tình hình mới. Trong đó, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
1. Ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết 84/NQ- CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19.
2. Thúc đẩy sản xuất công nghiệp
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
- Đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt; bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng quốc gia và phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới.
- Khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da - giày (là các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu) tăng cường sản xuất, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh (đặc biệt là các doanh nghiệp FDI) để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.
- Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ và xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định này.
2. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thị trường xuất nhập khẩu
- Tiếp tục rà soát, tính toán lại kịch bản tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu năm 2020; Xây dựng kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo các nhóm ngành hàng mà ta có lợi thế, đặc biệt là sang thị trường EU và các thị trường mà Việt Nam đã có FTA.
- Nghiên cứu, nắm bắt thông tin về các xu thế sản xuất, tiêu dùng, thương mại, dịch chuyển đầu tư mới xuất hiện do ảnh hưởng của dịch Covid 19 tại các nước nhập khẩu cũng như đối thủ cạnh tranh, đề ra các giải pháp khai thác hiệu quả các thị trường xuất nhập khẩu.
- Triển khai các hình thức xúc tiến thương mại, đặc biệt là các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường có khả năng phục hồi sớm như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản; từng bước mở rộng sang các thị trường khác theo diễn biến của tình hình dịch bệnh.
- Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất nhập khẩu đối với thị trường Trung Quốc, bao gồm: Trao đổi, làm việc với phía Trung Quốc để sớm đẩy nhanh năng lực thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu; trao đổi, làm việc với phía Trung Quốc để đảm bảo vận tải giao thương ở biên giới; điều tiết lượng hàng hóa lên cửa khẩu, tránh để ùn tắc nhiều làm tăng chi phí.
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý quan hệ khách hàng tích hợp cơ sở dữ liệu doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam (theo nhóm ngành hàng, khu vực địa lý, quy mô, loại hình doanh nghiệp, năng lực sản xuất xuất khẩu, nhu cầu xuất nhập khẩu…) và chia sẻ quyền truy cập hệ thống cho hệ thống các Thương vụ, Trung tâm Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để cùng khai thác, sử dụng để tăng cường khả năng kết nối cơ hội kinh doanh, đầu tư.
- Tăng cường phối hợp với hệ thống các Thương vụ, Trung tâm Xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài. Thiết lập cơ chế liên kết bảo đảm trao đổi thông tin thông suốt với các Tham tán thương mại, các Vụ thị trường nước ngoài, các Hiệp hội ngành hàng, Trung tâm Xúc tiến thương mại địa phương và các doanh nghiệp trên cả nước trên các ứng dụng internet như đầu mối tiếp nhận, phản hồi các nhu cầu xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam và các nước thông qua địa chỉ email, nhóm tương tác trên các ứng dụng Viber, Zalo.
- Tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn Amazon đẩy mạnh xuất khẩu thông qua thương mại điện tử; tiếp tục phối hợp với Amazon Global Selling triển khai các chuỗi các sự kiện, hội nghị, hội thảo, đào tạo tập huấn… hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thông qua trang thương mại điện tử Amazon.com; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trên Amazon.com theo hướng phát triển và xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm, ngành hàng và triển khai gian hàng chung trên trang thương mại điện tử Amazon.com nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mở rộng xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm Việt Nam.
3. Thúc đẩy phát triển thị trường trong nước
- Bảo đảm đầy đủ thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân. Phối hợp với các địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường nội địa, đặc biệt là các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do nhu cầu đột biến từ dịch bệnh để kịp thời có biện pháp điều hành.
- Theo dõi sát diễn biến của giá dầu thế giới do tác động của dịch bệnh để tham mưu điều hành giá mặt hàng xăng dầu phù hợp với kịnh bản điều hành giá của Chính phủ.
- Rà soát, lồng ghép ngay các hoạt động hỗ trợ phát triển hàng hóa, sản phẩm vào các chương trình, hoạt động được giao triển khai thực hiện như Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) để tổ chức triển khai thực hiện.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tuyên truyền, quảng bá và kết nối hàng hóa, sản phẩm vào các hệ thống phân phối hàng hóa bán buôn, bán lẻ trên toàn quốc. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, kết nối tiêu thụ hàng Việt Nam tại thị trường trong nước nhằm hỗ trợ người tiêu dùng Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam sau dịch Covid 19 thông qua Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo chống dịch Covid - 19 Trung ương và địa phương.
- Khẩn trương hoàn thiện nội dung Đề án "Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản" để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành và tổ chức triển khai thực hiện.
- Tổ chức hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất nông sản, thủy sản tập trung với địa phương có cửa khẩu xuất khẩu nhằm đẩy mạnh và mở rộng thị trường tiêu thụ ngoài nước.
4. Nâng cao hiệu quả công tác hội nhập quốc tế về kinh tế
- Tích cực trao đổi cùng Ban thư ký ASEAN, Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Bộ Ngoại giao và và các đơn vị liên quan để đưa ra phương án tổ chức và xây dựng nội dung thảo luận đối với Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đặc biệt và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN +3 đặc biệt về ứng phó dịch Covid-19 và tổ chức triển khai.
- Thúc đẩy việc thực hiện các Tuyên bố chung về phục hồi kinh tế để ứng phó với tác động của dịch Covid-19 trong khuôn khổ hợp tác với các tổ chức WTO, ASEAN, APEC, G20 và các tổ chức đa phương khác mà ta là thành viên.
- Thúc đẩy việc thực thi hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, nhất là các FTA thế hệ mới, trong đó tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về các FTA tới cộng đồng doanh nghiệp cũng như Sở, ban, ngành ở các địa phương.
- Triển khai các hoạt động thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước nhằm tận dụng lợi ích của các FTA Việt Nam đã ký kết (EVFTA, CPTPP, VKFTA, VJEPA, AKFTA, AJEPA)
- Triển khai các hoạt động nhằm tăng cường nhận thức, nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại cho các Hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam.
5. Bảo đảm trật tự thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc; hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử; các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các mặt hàng thiết yếu trên thị trường như: dược phẩm, thuốc chữa bệnh, vật tư, thiết bị y tế, xăng dầu...
- Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, ngăn chặn hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá mua bán bất hợp lý đối với mặt hàng thịt lợn; hành vi vận chuyển kinh doanh lợn thịt và thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; mua bán, vận chuyển lợn sống và thịt lợn trái phép qua biên giới.
- Tập trung rà soát, phát hiện và xác định dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong một số ngành, lĩnh vực, sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cao, các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng chống dịch Covid-19 để kịp thời điều tra, xử lý.
- Tăng cường hoạt động giám sát thị trường, hoàn thiện các công cụ tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng; phối hợp thực hiện các đợt giám sát chuyên đề, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
- Tập trung triển khai Quyết định 824/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ” và Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

Phụ lục Báo cáo tình hình hoạt động ngành Công nghiệp và Thương mại tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020

 
 
 
 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương