Để khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam, bên cạnh việc truyền thông nâng cao nhận thức, yếu tố quan trọng hàng đầu là phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Theo đó, trong khuôn khổ CVĐ, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ các DN phát triển sản xuất như: Ưu đãi cho DN đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, các điểm công nghiệp ở các vùng nông thôn; hỗ trợ các dự án sử dụng công nghệ cao. Tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện hỗ trợ, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa theo chức năng. Đồng thời tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để các DN, nhất là DN vừa và nhỏ nâng cao chất lượng hàng hoá, mở rộng thị trường...

Tạo điều kiện tốt nhất cho người dân dễ dàng mua sắm hàng hóa, tỉnh đã quan tâm ban hành các chính sách giúp DN có điều kiện mở rộng loại hình thương mại; đầu tư xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn để đáp ứng yêu cầu tiêu dùng hàng Việt ở cả khu vực nông thôn và thành thị. Đặc biệt, đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra, xử lý hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái trên địa bàn để thanh lọc hàng hóa, tạo điều kiện cho hàng Việt và người kinh doanh hàng Việt Nam có điều kiện phát triển, đi sâu vào đời sống, định vị trong thói quen tiêu dùng của người dân.

Cũng theo báo cáo của Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh Nam Định, tận dụng tối đa những chính sách hỗ trợ của địa phương, cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh Nam Định đã chủ động đầu tư công nghệ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để không phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chủ động sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời có chính sách khuyến mại, chăm sóc khách hàng hợp lý, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư chuyên sâu một loại sản phẩm như Công ty TNHH Hoàng Phát (xã Nam Hồng, huyện Nam Trực) đầu tư chuyên sản xuất các sản phẩm bao bì dược phẩm như lọ, ống nhựa và các loại bao bì dược phẩm đặc chủng phục vụ ngành công nghiệp dược phẩm; Công ty TNHH Đầu tư và thương mại An Lành (Cụm công nghiệp An Xá, TP. Nam Định) đầu tư 5 triệu USD trang bị dây chuyền thiết bị công nghệ châu Âu để sản xuất các loại bông, băng gạc y tế... Sự đầu tư nghiêm túc đã khiến sản phẩm của các DN này được thị trường chấp nhận.

Tỷ lệ hàng hóa Việt tại siêu thị chiếm đến trên 80% và khoảng 50 - 60% tại các kênh phân phối truyền thống ở Nam Định. Đặc biệt, nhiều sản phẩm tại các kênh phân phối trên địa bàn tỉnh do DN trong tỉnh sản xuất ra. Điều này cho thấy, CVĐ đã làm tốt vai trò kép là tháo gỡ khó khăn, kích thích DN sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh cao và thúc đẩy người tiêu dùng tiêu thụ hàng hóa Việt.

Nguồn: Bảo Ngọc/Báo Công Thương điện tử