Hiệu quả từ cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã giúp các doanh nghiệp (DN) da giày nhận thức rõ, thị trường “nội” luôn là đối trọng để DN giữ ổn định sản xuất trong bối cảnh xuất khẩu có biến động. Tuy nhiên, để DN có đủ lực chinh phục thị trường “nội” rất cần sự vào cuộc tích cực của các ngành liên quan.
Hàng Việt được tin dùng
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết, CVĐ đã giúp DN Ngành Da giày có thêm phương thức hiệu quả để tiếp cận, tìm hiểu, nắm bắt thị hiếu nhằm điều chỉnh chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước. Việc xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng giày dép “Made in Vietnam”, giày Việt Nam xuất khẩu trên các tuyến phố của Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác là minh chứng cho sự ưa chuộng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm giày dép Việt.
Hưởng ứng CVĐ, đã có những DN từ xuất khẩu 100% chuyển hướng một phần sang sản xuất phục vụ thị trường nội địa như Công ty TNHH Thời trang Tuấn Việt, Công ty cổ phần Giày Việt, Công ty Giày Viễn Thịnh... Bên cạnh đó, có nhiều DN tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo, đồng thời đầu tư chuỗi cửa hàng để giới thiệu và bán giày dép sản xuất trong nước. Ghi nhận tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) cũng cho thấy, hàng Việt Nam đã chiếm vị trí cạnh tranh nhờ chất lượng và mẫu mã ngày càng được cải thiện. Chị Nguyễn Thanh Hà, một tiểu thương ở chợ Đồng Xuân cho biết, giày dép ở chợ Đồng Xuân và nhiều chợ đầu mối khác đều được các tiểu thương nhập từ các DN sản xuất giày ở TP Hồ Chí Minh và làng nghề phía Bắc. Trung bình, mỗi sạp trong chợ bán khoảng 300 - 400 đôi dép/ngày. Với hơn 100 sạp, mỗi ngày có khoảng 3.000 - 4.000 đôi giày, dép có nguồn gốc Việt Nam được bán ra thị trường.
Việt Nam hiện đứng trong top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil và được xuất khẩu tới hơn 50 nước. Tại Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, giày dép Việt Nam tiếp tục tăng thị phần và đứng vị trí thứ hai sau Trung Quốc. Sản phẩm túi xách có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh, hiện đã có mặt tại hơn 40 nước.
Tạo chuỗi liên kết
Với mức tiêu thụ giày dép khoảng 180 triệu đôi/năm (trung bình 2 đôi/người/năm), theo ông Trần Thế Linh, Tổng Giám đốc Công ty Giày Viễn Thịnh (TP Hồ Chí Minh), tiềm năng của thị trường “nội” còn rất lớn. Tuy nhiên, để đứng vững ở thị trường trong nước không phải dễ, vì ngoài việc phải đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng, chế độ bảo hành, DN còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ hàng ngoại nhập, hàng giả, hàng nhái. Vì vậy, dù có tiềm lực nhưng không phải DN nào cũng dám đầu tư cho thị trường “nội”.
Trong khi đó, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã, đang được Chính phủ tích cực đàm phán với các nước sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành. Nổi bật vẫn là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA)… Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia TPP thì lợi thế trước tiên là xóa bỏ mức thuế hiện tại 3,5 - 57,4% để hưởng ưu đãi các dòng sản phẩm da giày về mức 0%, từ đó giúp DN da giày tăng trưởng xuất khẩu. Đây không chỉ được coi là "cú hích", mà còn là cơ hội vàng cho Ngành Da giày phát triển cả về chất và lượng. Tuy nhiên, không dễ để DN có thể nắm bắt được cơ hội khi năng lực sản xuất của phần lớn trong số 800 DN da giày chủ yếu vẫn là gia công xuất khẩu, năng lực thiết kế mẫu còn yếu, thiếu đồng bộ trong phát triển sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu...
Dù nhiều DN đã quan tâm đầu tư nguyên phụ liệu, song vẫn còn tới 70% DN phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thiết bị kỹ thuật, công nghệ, thiết kế sản phẩm và thị trường nước ngoài do chưa có chính sách hỗ trợ, ưu đãi thiết thực. Nghị định 111/2015/CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã ra đời, song để hiện thực hóa cần thông tư hướng dẫn và có những điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của DN. Việc chậm ban hành các thông tư hướng dẫn trong bối cảnh hội nhập sâu rộng sẽ làm mất cơ hội của các DN và thu hút đầu tư nước ngoài.
Để giải quyết những tồn tại này, các DN da giày kiến nghị Chính phủ sớm hỗ trợ một khu công nghiệp tập trung, đồng bộ hệ thống xử lý nước thải chuyên ngành nhằm giảm chi phí sản xuất cho DN. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất trong nước, cũng cần có cơ chế thu hút DN nước ngoài, khuyến khích các DN liên kết và chuyển giao công nghệ, hình thành mạng lưới liên kết cung ứng sản phẩm, dịch vụ giữa các DN, tập đoàn lớn với DN nhỏ và vừa theo chuỗi cung ứng thích ứng… Hơn nữa, trong khi các hiệp định như EVFTA, TPP vẫn đang chờ thực thi, DN mong muốn Chính phủ sớm hoàn thiện các hành lang pháp lý, cụ thể hóa các chính sách để thu hút DN trong và ngoài nước đầu tư phát triển Ngành Da giày.
Nguồn: Báo Hà nội mới