Trên giấy tờ, sổ sách hiện nay tại liên doanh Megastar (sau này chuyển thành Công ty CJ - CGV) vẫn thể hiện số cổ phần của Công ty văn hóa Phương Nam (PNC) là 20%. Nhưng thực chất, PNC đã mất kiểm soát số cổ phần này tại CJ - CGV sau khi đã “bán” toàn bộ số vốn góp, trong đó có phần vốn nhà nước tại liên doanh này.
Chuyển nhượng quyền góp vốn trái quy định
Trong phạm vi hoạt động của mình, năm 2004, PNC và Công ty Envoy Media Partners Limited (Envoy) hợp tác kinh doanh, thành lập Công ty TNHH truyền thông Megastar (viết tắt là Megastar).
Trong liên doanh này, PNC góp vốn tỉ lệ 20%, còn Envoy góp 80% và theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài, tỉ lệ này không được thay đổi khi chưa được phép của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Megastar có hệ thống 7 cụm rạp chiếu phim và 54 phòng chiếu tại Hà Nội và TPHCM, có quy mô lớn nhất tại thị trường Việt Nam. Vào năm 2011, Tập đoàn CJ -CGV (Hàn Quốc) đã mua lại 92% cổ phần của Công ty Envoy Media Partners đang sở hữu 80% phần vốn góp tại Megastar, từ đó Megastar mới có sự thay đổi tên gọi là Công ty CJ - CGV.
Tuy nhiên, trước đó vào năm 2006, Megastar tăng vốn điều lệ từ 4 triệu lên 8 triệu USD. Do giá trị thị trường của Công ty Megastar rất lớn nên Envoy muốn nâng tỉ lệ sở hữu lên trên 80% và đề nghị PNC chuyển nhượng quyền góp vốn.
Việc này trái với nội dung của giấy phép đầu tư đã được cấp. Nhưng với quyết tâm thực hiện, Envoy và lãnh đạo PNC đã “lách luật” bằng cách ký hợp đồng vay.
Theo đó, PNC vay của Envoy 400.000USD. Hơn 10 ngày sau, Envoy có văn bản xác nhận xóa nợ cho PNC nếu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép Envoy nâng tỉ lệ sở hữu tại Megastar từ 80 lên 90% vốn điều lệ. Ngay sau đó, PNC và Envoy ký hợp đồng chuyển nhượng quyền góp vốn.
Đến nay, việc chuyển nhượng trái quy định này vẫn chưa thực hiện được và lãnh đạo PNC đã thừa nhận, sở dĩ chưa thực hiện được là do vướng các quy định. Có lẽ vì thế mà trong báo cáo tài chính của PNC đã thể hiện sự bất nhất của khoản tiền này.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất vào ngày 31.12.2014 của PNC thể hiện về việc PNC chuyển nhượng 10% quyền góp vốn vào Công ty TNHH truyền thông CJ - CGV cho Công ty Envoy Media Partners Limited với số tiền 400.000USD (tương đương 8.332.000.000 đồng) là khoản phải thu dài hạn. Tuy nhiên, cũng tại bản báo cáo tài chính này đã thể hiện khoản tiền đó chính là khoản vay mà PNC cần phải trả.
Khuất tất đằng sau phi vụ vay 7 triệu USD
Năm 2014, PNC tiếp tục ký hợp đồng vay với Công ty Cross Junction Investment Pte.Ltd (viết tắt CJI). Theo đó, PNC vay của CJI số tiền 7 triệu USD, thế chấp toàn bộ phần vốn góp của PNC tại Megastar, được thị trường định giá lên đến 20 triệu USD.
Tuy số tiền vay rất nhỏ so với giá trị tài sản thế chấp, nhưng bất ngờ là PNC đã thực hiện việc ủy quyền một loạt các yêu cầu của CJI, ảnh hưởng đến hoạt động của PNC.
Cụ thể, PNC sẽ chuyển toàn bộ quyền gắn liền với phần vốn góp tại Megastar cho CJI bao gồm quyền quyết định, bỏ phiếu theo quy định của điều lệ Megastar. Với cam kết này, PNC dường như đã từ bỏ quyền của mình đối với phần vốn góp tại Megastar. Như vậy, chẳng khác nào PNC đã “bán” cổ phần của mình cho CJI, trái với quy định của Luật Đầu tư nước ngoài.
PNC còn thực hiện cam kết không được ký kết, thừa nhận bất kỳ nghĩa vụ nợ nào mà không được sự đồng ý bằng văn bản của CJI. Điều này đã khiến cho CJI trở thành đối tác có thẩm quyền quyết định cao nhất đối với hoạt động kinh doanh, đầu tư của PNC. Việc làm này, cổ đông của PNC không được biết, không được thông qua tại đại hội cổ đông.
Vì sao CJI lại có được cái “quyền” lớn như thế? Mối liên hệ giữa CJI và CJ-CGV như thế nào và liệu số vốn góp 20% trong liên doanh Megastar mà CJI vừa được PNC “bán” và 80% vốn góp mà CJ-CGV mua lại của Envoy trong liên doanh này có hợp nhất thành 100% vốn nước ngoài dưới dạng núp bóng của cùng một “ông chủ” là tập đoàn nào đó hay không?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để thực hiện trót lọt phi vụ “bán đứng” phần vốn góp này, đổi lại “ông chủ” của CJI đã rót vào cho PNC số tiền 600.000USD (khoảng 12 tỉ đồng) thông qua một hợp đồng dịch vụ “tặng cho”
hòng giải cứu cho PNC không bị rút niêm yết khỏi thị trường chứng khoán theo quy định của Luật Đầu tư chứng khoán vì liên tục thua lỗ.
Theo báo cáo tài chính của PNC, năm 2012 lỗ 16,8 tỉ đồng, năm 2013 lỗ 24,8 tỉ đồng, năm 2014 thực chất kinh doanh chính lỗ trên 10 tỉ đồng nhưng nhờ khoản tiền 600.000USD là khoản thu nhập bất thường này khiến PNC từ lỗ chuyển qua lời nên vẫn tồn tại trên thị trường chứng khoán.
Tại đại hội cổ đông của PNC được tổ chức vào ngày 27.6.2014 tại TPHCM, các cổ đông đã được lãnh đạo PNC giải thích dù chưa đạt được đồng thuận trong việc chia cổ tức giữa CJ-CGV và PNC nhưng phía CJ-CGV đã dành cho PNC khoản hỗ trợ 600.000USD cho những đóng góp của PNC trong thời gian qua. Liệu khoản thu nhập bất thường này có hợp pháp hay không?
Như vậy, ai là “ông chủ” thật sự giấu mặt núp bóng đằng sau phi vụ vay 7 triệu USD để kiểm soát, điều hành toàn bộ hoạt động của Megastar và còn kiểm soát, điều hành luôn cả PNC khiến các cổ đông của PNC mất quyền kiểm soát, không còn thực quyền đối với phần vốn góp của PNC tại Megastar, gây thiệt hại nghiêm trọng quyền lợi của cổ đông, trong đó có phần vốn của nhà nước.