Một số chuyên gia, quỹ đầu tư và công ty khởi nghiệp đã nhận định như vậy khi chia sẻ về mục tiêu hướng tới các công ty kỳ lân tương lai của Việt Nam và vai trò của công nghệ trong việc hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
MỤC TIÊU 10 KỲ LÂN VẪN HOÀN TOÀN KHẢ THI
Theo đánh giá của start-up Blink năm 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 59 trên thế giới. Tính riêng trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang nằm trong tốp 20- 25 hệ sinh thái hàng đầu.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPay) chính thức trở thành kỳ lân thứ 2 (start-up được định giá từ 1 tỷ USD trở lên), sau Tập đoàn VNG. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã xuất hiện một số start-up khác được định giá trên 100 triệu USD. Tuy nhiên, mục tiêu đặt ra đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu sẽ có 10 kỳ lân.
Trong 10 năm tới, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam sẽ tăng trưởng và phát triển rất cao…Việt Nam sẽ có những Soonicorn (các công ty chưa thành Unicorn nhưng có thể trong tương lai sẽ phát triển thành Unicorn).
Bình luận về mục tiêu này, ông Trần Kiến Uy, Giám đốc vận hành Katalon (công ty khởi nghiệp được phát triển và trưởng thành từ vườn ươm công nghệ) cho rằng, mặc dù hiện nay Việt Nam mới chỉ có 2 Kỳ lân, nhưng nếu tận dụng được các điều kiện Chính phủ kiến tạo về chính sách, công nghệ, con người… thì mục tiêu 10 kỳ lân trong tương lai có thể khả thi và không phải là không đạt được.
Ông Uy phân tích, trước hết, Chính phủ đã tạo những điều kiện rất thuận lợi cho khởi nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam đã thu hút sự tham gia của các nguồn vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp như các quỹ đầu tư mạo hiểm, các định chế tài chính, các ngân hàng… Ngoài ra, Việt Nam cũng có lợi thế cạnh tranh về nguồn lực với đội ngũ tài năng trẻ rất dồi dào, các kỹ sư phần mềm được đánh giá là đứng đầu khu vực Đông Nam Á...
Từ thực tế tiếp cận với nhiều các bạn trẻ tài năng, sinh viên tốt nghiệp ra trường, hiện đang làm việc cho Google hoặc tại các tập đoàn lớn trên thế giới và các tập đoàn quy mô toàn cầu, ông Uy khẳng định, nếu thu hút được đội ngũ này về phục vụ đất nước sẽ là một trong những tiền đề rất tốt để thúc đẩy phát triển và đạt được các mục đặt ra.
Có chung quan điểm này, từ góc nhìn của một quỹ đầu tư, ông Eddie Thai, Đồng sáng lập, Quỹ đầu tư Ascend Vietnam Ventures tự tin đưa ra nhận định, “mục tiêu 10 kỳ lân về công nghệ là khó nhưng hoàn toàn có thể”.
Dựa trên những yếu tố cần thiết cho hệ sinh thái khởi nghiệp từ 10 năm qua, ông Thái dự báo, trong 10 năm tới, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam sẽ tăng trưởng và phát triển rất cao… Việt Nam sẽ có nhiều Soonicorn- các công ty chưa thành Unicorn nhưng có thể trong tương lai sẽ phát triển thành Unicorn và sẽ dựa trên tiền đề của các Unicorns hiện có.
START-UP CẦN GÌ ĐỂ "LỚN" THÀNH UNICORN?
Tất nhiên để đạt được mục tiêu trên là một hành trình dài đòi hỏi nhiều yếu tố. Về cơ bản, để trở thành kỳ lân, các start-up phải linh hoạt, đưa ra những giải pháp đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần có những mô hình kinh doanh phù hợp, hiệu quả về mặt đầu tư, hiệu quả dòng tiền, hiệu quả về mặt chi phí, làm thế nào để chỉ cần đầu tư một khoản tiền nhỏ nhưng hiệu quả lan tỏa lớn chứ không nhất thiết phải đầu tư lớn như trước đây.
Các chuyên gia cho rằng, các start-up chỉ có thể đảm bảo được hiệu quả dòng tiền và hiệu quả chi phí thông qua ứng dụng công nghệ, tận dụng lợi thế của công nghệ, chứ không thể theo mô hình nặng về đầu tư như trước đây.
Nhấn mạnh vai trò của công nghệ hỗ trợ các start-up, ông Gaurav Arora, Trưởng bộ phận Hệ sinh thái khởi nghiệp Châu Á Thái Bình Dương- Nhật Bản AWS cho biết đã xây dựng các chương trình hỗ trợ các start-up mới khởi nghiệp nhanh chóng bắt đầu xây dựng công ty cũng như trong suốt vòng đời. Theo đó, mỗi năm, hàng chục nghìn công ty khởi nghiệp trên toàn cầu đã tận dụng những dịch vụ này. Ông Gaurav Arora thông tin, từ tháng 6/2019 đến nay đã cung cấp hơn 1 tỷ USD tín dụng AWS để trợ giúp các công ty khởi nghiệp trên thế giới đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và phát triển trong quá trình xây dựng doanh nghiệp.
Cùng với vấn đề công nghệ, các start-up còn phải giải bài toán về mặt mô hình kinh doanh. Ông Uy cho rằng, các start-up không thể đi sao chép các mô hình kinh doanh ở nước ngoài sau đó tận dụng những cái lợi thế cạnh tranh, nguồn lực giá rẻ trong nước để phát triển mà cần phải đưa ra được những mô hình kinh doanh mới.
Với đặc thù là một doanh nghiệp cung cấp sản phẩm số và hướng vào khách hàng quốc tế, ông Uy cho biết, ngay từ đầu Katalon dựa vào nền tảng công nghệ đám mây AWS để phân phối trên toàn cầu các sản phẩm phần mềm về các giải pháp đo kiểm, kiểm thử phần mềm. Hiện nay Katalo đã thu hút khoảng 850.000 người dùng, hơn 65.000 khách hàng doanh nghiệp với sự hiện diện và hoạt động tại 160 quốc gia, ông Uy chia sẻ.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, nếu nắm bắt được những cơ hội trong đại dịch Covid, các công ty khởi nghiệp cũng dễ có thể trở thành những cái kỳ lân trong tương lai.
Nhìn từ thực tế thị trường hiện nay cho thấy rõ sự phát triển theo từng lớp, lớp thứ nhất của các công ty Unicorn đầu tiên (VNG, VNPay) sẽ phát triển vào những thị trường nóng như thương mại điện tử, thanh toán... Tuy nhiên, ông Thái cho rằng ở những lớp start-up sau sẽ phải thâm nhập các thị trường khác nữa, không chỉ bó hẹp ở thị trường trong nước mà phải hướng tới việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm ra thị trường nước ngoài, toàn cầu.
Hiện nay, một số start-up trong danh mục đầu tư của quỹ như Elsa đã đầu tư mở rộng sản phẩm, dịch vụ ra 100 quốc gia trên thế giới. Hoặc như Axie Infinity đã bắt đầu mở rộng hoạt động ra phạm vi toàn cầu và đã gọi vốn đầu tư, ông Thái chia sẻ.