Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và đầu tư) vừa có thống kê mới nhất về số lượngdoanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2015 của cả nước.

Theo đó, 9 tháng đầu năm 2015, đã có 6.962 doanh nghiệp phải rời thị trường, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Thống kê theo từng quý, số doanh nghiệp giải thể trong quý III/2015 là 2.254 doanh nghiệp, tăng 5,2% so với quý II (có 2.143 doanh nghiệp).
So với quý I (2.565 doanh nghiệp chết) con số này giảm 12,1%  và giảm 1% so với cùng kỳ năm 2014 (2.276 doanh nghiệp).
Xét theo loại hình doanh nghiệp, trong tổng số doanh nghiệp giải thể, có 2.519 công ty TNHH 1 thành viên chiếm 36,2%; 1.897 công ty TNHH 2 thành viên chiếm 27,2%; 1.510 doanh nghiệp tư nhân chiếm 21,7% và 1.036 công ty cổ phần chiếm 14,9%.
Thống kê cũng cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2015 số lượng doanh nghiệp giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký nhỏ dưới 10 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 93,5% trên tổng số doanh nghiệp giải thể (cùng kỳ năm 2014 tỷ lệ này là 94,1%).
Điều này phần nào cho thấy rằng nhờ có sức đề kháng và hoạch định chiến lược kinh doanh tốt hơn, những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn thường có độ ổn định và sức chống chọi với khó khăn cao hơn so với các doanh nghiệp nhỏ.
Về tình hình doanh nghiệp giải thể theo vùng lãnh thổ, trong 9 tháng đầu năm 2015 tình hình doanh nghiệp đăng ký giải thể giảm tại một số vùng so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ giảm nhiều nhất là 14,6%, tiếp đó là Đông Nam Bộ giảm 6,8% và Đồng bằng Sông Cửu Long giảm 5,1%.
Ngược lại với các vùng trên, các vùng còn lại đều có số doanh nghiệp đăng ký giải thể tăng so với cùng kỳ năm trước như: Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tăng 1,4%, Đồng bằng Sông Hồng tăng 16,9% và Tây Nguyên tăng 40,9%.
Xét theo ngành, lĩnh vực hoạt động, trong 9 tháng đầu năm 2015, chỉ có duy nhất lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là có số doanh nghiệp giải thể không thay đổi với với cùng kỳ năm 2014.
Một số ngành, lĩnh vực có tình hình doanh nghiệp giải thể tăng, bao gồm: Thông tin và truyền thông tăng 130,9%; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 75,8%; Sản xuất phân phối điện, nước, ga tăng 41,9%; Giáo dục và đào tạo tăng 24,8%; Khoa học, công nghệ; dịch vụ, tư vấn; quảng cáo và chuyên môn khác tăng 16,6%; Xây dựng tăng 2,1% và Vận tải kho bãi tăng 2%.
Các ngành, lĩnh vực còn lại đều có số doanh nghiệp giải thể giảm so với cùng kỳ năm 2014.

Theo Vũ Minh
Bizlive

 

Nguồn: Bizlive