171 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận quý 2/2015 tăng trưởng so với quý 2/2014. Ngược lại, cũng có tới 114 doanh nghiệp có lợi nhuận giảm và 21 doanh nghiệp tiếp tục lỗ trong quý này.

Bất ngờ lỗ lớn

Các quý trước dù làm ăn “làng nhàng” nhưng vẫn còn có lãi hoặc chỉ lỗ nhẹ. Tuy nhiên, trong quý 2/2015 này nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu thể hiện rõ sự rệu rã khi doanh thu sụt giảm mạnh, lợi nhuận xuất hiện con số âm ngày càng lớn.

Tới thời điểm hiện nay, GTT vẫn đang là doanh nghiệp bất ngờ lỗ lớn nhất trong quý 2 tới hơn 57 tỷ đồng. Theo giải trình của doanh nghiệp này thì do trong kỳ công ty thắt chặt các mảng kinh doanh không hiệu quả nên doanh thu giảm gần 9%. Trong khi đó, chi phí kinh doanh lại tăng 44% do hạch toán bổ sung khoản lợi thế thương mại, bổ sung chi phí tài chính của cả 2 quý đầu năm. Sở dĩ quý 1/2015 chưa hạch toán do công ty chưa nhận được văn bản đồng ý phê duyệt việc miễn, giảm lãi suất cho vay từ các ngân hàng sau khi đã hoàn tất thủ tục.

Với kết quả này, cổ phiếu GTT đã nằm sàn liên tục từ ngày ra báo cáo tài chính quý 2 (20/07) cho đến ngày 24/07.

SCL cũng là doanh nghiệp “lật ngược thế cờ” khi lỗ hơn 12 tỷ đồng trong quý 2/2015 do ảnh hưởng của vụ sạt lở ngày 30/04/2015 tại hồ xỉ Bắc Giang thuộc nhà máy sản xuất tro của công ty. Theo đó, tổng giá trị thiệt hại của SCL từ vụ việc này là hơn 13 tỷ đồng, trong đó tài sản cố định gần 1.9 tỷ đồng, công cụ dụng cụ 0.6 tỷ đồng và thành phẩm 11 tỷ đồng. Vì thế, tình hình sản xuất bị sụt giảm doanh thu và sản phẩm cung cấp ra thị trường. Đây là trường hợp lỗ đáng tiếc nhất do ảnh hưởng của khách quan, bởi 9 quý trước SCL vẫn hoạt động có lãi.

Trong khi đó, CLW cũng lần đầu tiên báo lỗ gần 11 tỷ đồng trong quý 2/2015. Mặc dù sản lượng nước cung cấp tăng so với cùng kỳ nhưng chi phí mua sỉ nước sạch cũng tăng gần 9%, giá bán bình quân lại giảm chỉ còn 49 đồng/m3. Thêm vào đó chi phí nhân công, nguyên vật liệu cũng đều tăng thêm… khiến công ty không thể có lãi.

Top 20 DN lỗ quý 2/2015 lớn nhất
Đvt: Triệu đồng
Nguồn: Vietstock
Thoát lỗ trong gang tấc

Vừa về tay đại gia Mường Thanh được vài ngày, PDC đã ghi nhận mức lỗ thuần 37 triệu đồng trong quý 2 do tăng chi phí khấu hao khi đưa trung tâm hội nghị và văn phòng cho thuê đi vào vận hành từ đầu năm 2015. Thêm vào đó, tiền thuê đất đã hết thời gian bình ổn, chi phí phải nộp cao hơn 86% so cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ khoản lợi nhuận khác 52 triệu đồng ít nhiều đã cứu PDC thoát lỗ trong gang tấc.

Tương tự, TPH cũng lỗ thuần 143 triệu đồng do hàng loạt chi phí đều tăng như khấu hao, tiền lương và hao phí vật tư. May nhờ 316 triệu đồng lợi nhuận khác đã giúp công ty có lãi 127 triệu đồng. Hiện TPH hoạt động khá èo uột, lợi nhuận hàng năm chỉ từ mức 1.5 tỷ đồng trở xuống. Cổ phiếu hầu như không có giao dịch và đã đứng tại mức 15,000 đồng từ tháng 3 tới nay.

Mặc dù doanh thu quý 2 của TNC chỉ giảm nhẹ 2% so cùng kỳ nhưng do chi phí quản lý tăng 25% khiến công ty lỗ thuần gần 1.5 tỷ đồng. Cũng không ngoại lệ, TNC ghi nhận 4.6 tỷ đồng lợi nhuận khác đã giúp chuyển từ lỗ sang lãi ròng 2.8 tỷ đồng trong quý vừa qua.

Top 20 DN có LNST giảm mạnh nhất
Đvt: Triệu đồng

Doanh thu 0 đồng

Nếu như những doanh nghiệp có công ty mẹ chủ yếu đầu tư tài chính nên không có doanh thu thuần đã đành, đằng này doanh nghiệp sản xuất lại ghi nhận doanh thu không đồng trong quý 2/2015.

Đặc biệt tại PVR –một công ty hoạt động chính là kinh doanh bất động sản, từ quý 3/2013 đến nay không hề ghi nhận một đồng doanh thu nào (ngoại trừ quý 4/2014 chỉ có 500 triệu đồng). Điều này khiến công ty lỗ ròng gần 4 tỷ đồng trong quý 2. Vậy nhưng tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, ban lãnh đạo công ty vẫn lạc quan đặt kế hoạch doanh thu 60 tỷ đồng với nguồn thu từ bất động sản và xây lắp. Trong khi từ năm 2013 đến nay lãi lỗ của PVR đều xuất phát từ hoạt động tài chính.

Tương tự tại CVN, từ quý 4/2014 công ty đã không biết đến doanh thu là gì và chính điều này đã khiến công ty lỗ 2 năm liên tiếp, khả năng năm 2015 này cũng sẽ không ngoại lệ khi 6 tháng đầu năm đã âm 237 triệu đồng.

Tại SQC, đây là quý đầu tiên doanh nghiệp này không có doanh thu do không có khách hàng nhưng là quý thứ 8 liên tiếp chìm trong thua lỗ. Liệu rằng với tình hình này, trong năm nay SQC có thể ghi nhận lãi hơn 10 tỷ đồng như kế hoạch để không bị hủy niêm yết do thua lỗ 3 năm liên tiếp hay không?

Đồng cảnh ngộ, mang danh là công ty chuyên về thủy hải sản nhưng hiện VNH chỉ còn kinh doanh thương mại. Năm 2014 VNH lỗ ròng 43 tỷ đồng, hoạt động cầm chừng, vậy nhưng năm 2015 lại đặt kế hoạch lãi tới 4.5 tỷ đồng trong khi 6 tháng đã lỗ hơn 2 tỷ đồng. Cổ đông VNH đã bỏ rơi doanh nghiệp này hoàn toàn khi hàng năm hầu như không một bóng người tham dự ĐHĐCĐ.

Top những DN không có doanh thu hoặc dưới 1 tỷ đồng
Đvt: Triệu đồng
Lãi tăng trưởng đột biến

Nếu như bức tranh u ám về báo cáo tài chính quý 2/2015 chiếm 51% trong đợt này thì số còn lại là một mảng sáng đáng ghi nhận. Nổi bật trong danh sách này là KTS với lãi ròng hơn 13 tỷ đồng, gấp tới 422% so cùng kỳ nhờ sản lượng và giá bán đều tăng.

Đối với PXL, sở dĩ lợi nhuận tăng ấn tượng từ con số 69 triệu đồng lên 2.6 tỷ đồng nhờ công ty có thêm doanh thu từ hoạt động cho thuê căn hộ kết hợp tiết giảm tối đa chi phí. Công ty cũng cho biết thêm, tại thời điểm quý 2/2015, các dự án đã và đang trong giai đoạn đầu tư dở dang, giá trị đầu tư lớn nhưng chưa có doanh thu và lợi nhuận. Đây là các dự án đầu tư trung và dài hạn nên dự kiến sẽ có doanh thu, lợi nhuận từ 2 đến 5 năm.

Còn tại VIG, lãi ròng quý 2 đột biến gấp 30 lần cùng kỳ do công ty đẩy mạnh hoạt động môi giới ở các chi nhánh làm doanh thu tăng gấp 3 lần cùng kỳ. Mặt khác, cùng kỳ công ty phải trích lập dự phòng các khoản đầu tư làm cho chi phí đội lên, còn trong kỳ này công ty thanh lý một số hợp đồng và các khoản đầu tư. Thêm vào đó thị trường chứng khoán ổn định nên chi phí giảm đáng kể.

Top 20 DN có LNST tăng trưởng mạnh
Đvt: Triệu đồng
Nguồn: Vietstock

Nguồn: Vietstock