Đại hội được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội, TP.HCM và trực tuyến tại các điểm cầu toàn quốc với sự tham gia của các Đại biểu là các Bộ, Ban Ngành và toàn thể Hội viên. Đại diện Ban Chấp hành Hiệp hội, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch BCH, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại nay là Bộ Công Thương, Nguyên Trưởng đoàn đàm phán WTO; ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch BCH, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex; ông Nguyễn Nam Hải – Phó Chủ tịch BCH, Tổng Giám đốc Công ty CP Giám định cà phê và Hàng hóa xuất nhập khẩu (CAFECONTROL) đã trực tiếp chủ trì buổi Đại hội.
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá cao sự hợp tác giữa VICOFA với Bộ NN&PTNT trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành cà phê trong nước; đồng thời đề ra các phương án triển khai hiệu quả nghị quyết của Đại hội X để phát triển ngành cà phê bền vững hơn trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại Đại hội
Trong suốt nhiệm kỳ IX, mặc dù đứng trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ngày càng diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, Hiệp hội vẫn theo sát các biến động của thị trường trên thế giới cũng như các yếu tố về kinh tế, xã hội tác động đến thị trường cà phê nằm kịp thời đưa ra phương án, các chủ trương kiến nghị về chính sách. Đồng thời, Hiệp hội cũng đã tích cực vận động các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào chế biến sâu, tăng xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan; vận động các doanh nghiệp tư nhân và hội viên mở rộng mạng lưới tiêu thụ cà phê trong nước. Qua 30 năm thành lập, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đã góp phần quan trọng nâng cao thị phần lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam lên 18%.
Tại phần tham luận của Đại hội, đại điện Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) - ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc thường trực đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới Hiệp hội đã tạo điều kiện để Sở báo cáo và chia sẻ tình hình hoạt động trong năm vừa qua; với điểm nhấn là sự tăng trưởng đột phá trong kết quả giao dịch các mặt hàng cà phê đang được liên thông với các sở ICE tại London và NewYork.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam phát biểu tham luận tại Đại hội
Tính đến nay, tại MXV đang có 35 mặt hàng được giao dịch liên thông với thế giới, chia thành 4 nhóm là nông sản (bao gồm các mặt hàng như ngô, đậu tương, lúa mì…); nguyên liệu công nghiệp (gồm cà phê Arabica, cà phê Robusta, bông, đường, cao su…); kim loại (đồng, bạc, bạch kim…); và các mặt hàng năng lượng như dầu WTI và dầu Brent.
Đối với riêng 2 mặt hàng cà phê Arabica và Robusta, giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày đạt khoảng 500 tỷ đồng. Mặc dù đây là bước tăng trưởng vượt bậc so với năm 2020, tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh đầy đủ tiềm năng của thị trường giao dịch cà phê phái sinh tại Việt Nam. Tuy là nước xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới, nhưng chính vì hoạt động hedging chưa được đề cao, nên các doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam chưa có được sức ảnh hưởng lớn đối với giá thế giới. Vì vậy, MXV đã và đang xây dựng, triển khai rất nhiều công cụ quản trị rủi ro, bảo hiểm giá với mong muốn sẽ phần nào giúp sức cho Hiệp hội và các doanh nghiệp để Việt Nam có được các lợi thế xuất khẩu lớn hơn nữa.
Trong năm vừa qua, MXV đã triển khai một loạt các sản phẩm mới, trong đó nổi bật nhất phải kể đến việc đưa vào giao dịch hợp đồng chênh lệch giá Spread. Một trong những nguyên nhân khiến MXV đẩy nhanh tiến độ giao dịch hợp đồng Spread là do nhu cầu lớn từ các doanh nghiệp cà phê. Trên thực tế, kể từ sau khi sản phẩm Spread chính thức được vận hành, khối lượng và giá trị giao dịch cà phê có sự gia tăng đột biến và giao dịch cà phê hiện đang chiếm 80% lượng giao dịch các hợp đồng Spread thông qua Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ Đại hội, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ X (2021 – 2024) theo hướng chuyên nghiệp hơn với sự góp sức của đông đảo các hội viên trên cả nước. Ông Nguyễn Nam Hải – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, thời gian tới, ngành cà phê Việt Nam phấn đấu thực hiện hai nhiệm vụ chính. Nhiệm vụ thứ nhất là giữ vững vị trí nước xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ hai thế giới. Nhiệm vụ thứ hai là tăng kim ngạch xuất khẩu lên 5 - 6 tỷ USD vào năm 2030 với phương châm “Năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng.
Ông Nguyễn Nam Hải – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam nêu ra 2 nhiệm vụ chính cho ngành cà phê
Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ X với 21 ủy viên. Trong đó, Chủ tịch BCH là ông Nguyễn Nam Hải – Tổng Giám đốc Công ty CP Giám định cà phê và Hàng hóa xuất nhập khẩu; 4 Phó Chủ tịch bao gồm: ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch BCH, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex; ông Thái Như Hiệp – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Vĩnh Hiệp; ông Phan Xuân Thắng – Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cà phê Việt Nam; ông Bạch Thanh Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển cộng đồng.
Ban Chấp hành Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam nhiệm kỳ X
Chia sẻ kết thúc Đại hội, Đại diện Ban Chấp hành mới gửi lời cảm ơn tới tất cả Quý Hội viên đã tham gia tích cực và tập trung cao độ để đưa ra những tham luận, phương hướng giúp buổi Đại hội thành công tốt đẹp; đồng thời khẳng định rằng với sự ủng hộ đồng lòng của các Bộ, Ban Ngàng và toàn thể Hội viên, thời gian tới Hiệp hội chắc chắn sẽ phát triển hơn nữa để tiếp tục giữ vững vị thế ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới.