Theo đó, 42,3 triệu cổ phần STK sẽ chính thức niêm yết trên HOSE vào ngày 30/9 với giá tham chiếu 29.000 đồng/cổ phiếu.
Dự kiến lợi nhuận cả năm hoàn thành kế hoạch
Chia sẻ tại buổi Roadshow, ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc STK cho biết, doanh thu cả năm có thể không hoàn thành kế hoạch nhưng lợi nhuận thì hoàn toàn có thể.
Theo ông Đặng Triệu Hòa, doanh thu cả năm có thể không đạt được do giá nguyên liệu giảm nên giá bán giảm. Cụ thể, từ cuối năm 2014, công ty tính toán chi phí đầu vào nguyên liệu ở giá dầu cao hơn nên giá bán ở mức cao. Khi giá dầu giảm từ đầu năm đến nay thì giá nguyên liệu giảm, kéo theo giá bán giảm.
Đối với lợi nhuận, theo ông Hòa khả năng cao là đạt được kế hoạch năm. Từ tháng 10/2015,
Sợi Thế Kỷ đưa vào hoạt động nhà máy Trảng Bàng 3 với công suất 15.000 tấn POY và 15.000 tấn DTY mỗi năm.
Ngoài ra, với biến động đồng Nhân Dân tệ và sự trì trệ, chưa phục hồi của nền kinh tế Châu Âu, các tập đoàn lớn là bạn hàng của STK đang hoãn thực hiện các đơn hàng (không phải giảm số lượng đơn hàng). Theo dự đoán của ông Hòa, quý IV, các đơn hàng sẽ đổ về dồn dập hơn và kết quả kinh doanh sẽ tích cực hơn.
Lũy kế 6 tháng, Công ty đạt doanh thu 638,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 70,5 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 38% và 47% kế hoạch năm.
Theo lý giải của bà Nguyễn Phương Chi, 6 tháng đầu năm, doanh số giảm 9% và giá bán giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số 6 tháng đạt 15.600 tấn, thấp hơn kế hoạch 9% do rơi vào kỳ Tết và công ty có cải tiến trong mặt hàng sợi nhuyễn.
Cung cấp các số liệu cụ thể hơn, bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc Phát triển Chiến lược STK cho biết, trong quý III/2015, thị trường có nhiều biến động bất thường nên doanh thu và doanh số thấp hơn. Dự kiến, quý III, doanh số công ty đạt 8.000 tấn, doanh thu ước đạt 310 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 27 tỷ đồng.
Quý IV/2015, doanh thu và lợi nhuận trước thuế ước đạt lần lượt 450 tỷ đồng và 45 tỷ đồng.
Sẽ cân nhắc tăng vốn trong năm 2016 cho dự án Trảng Bàng 4
Chia sẻ về kế hoạch tăng vốn trong năm 2016, bà Nguyễn Phương Chi cho biết Sợi Thế Kỷ có thể sẽ cân nhắc kế hoạch tăng vốn cho dự án Trảng Bàng 4. Tuy nhiên, hiện tại Công ty chưa đưa ra phương án cụ thể cho việc này. Nếu cần huy động vốn, HĐQT sẽ trình ĐHCĐ 2016 để xem xét, biểu quyết thông qua.
Dự án Trảng Bàng 4 có tổng vốn đầu tư 275 tỷ đồng, tương đương 12,5 triệu USD. Theo kế hoạch ban đầu, dự án có công suất thiết kế 3.000 tấn sợi DTY, 4.000 tấn sợi FDY và 6.000 tấn sợi POY mỗi năm, dự kiến chính thức đi vào hoạt động từ quý III/2016. Nhà máy này dự kiến góp phần tăng tổng công suất của Công ty lên 60.000 tấn sợi/năm.
|
Đơn vị: Tỷ đồng |
Việc huy động vốn, theo ông Hòa, cũng là một cách gia tăng thêm tính thanh khoản của cổ phiếu STK sau khi lên sàn. Ngoài ra,
sau niêm yết, công ty sẽ phát hành 10% cổ phiếu thưởng, tương đương 4,2 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Như vậy, lượng cổ phiếu lưu hành tăng thêm, cổ đông có thể mua vào, bán ra sau khi đầu tư cả chục năm vào Công ty theo nhu cầu tài chính riêng.
Vay USD có lợi hơn vay VND, bất chấp tỷ giá tăng
Ông Hòa nói rằng,
hơn 70% doanh thu của STK đến từ xuất khẩu, trong khi nhập khẩu mua nguyên liệu nhỏ hơn 60%. Mỗi năm, STK thu thặng dư USD so với nhu cầu sử dụng. Khoản thặng dư này được dùng để trả nợ trung hạn và dài hạn.
Theo quan điểm của ông Hòa, tỷ giá USD tăng so với tiền VND không có ảnh hưởng gì lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, thu đủ chi. Đối với khoản vay cuối năm trong trung và dài hạn, khoản này sẽ được ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá nếu tỷ giá USD tăng cao.
Riêng việc vay trung và dài hạn bằng USD, ông Hòa nói vay USD so lãi suất rất thấp, thấp hơn cả vay VND. Do đó, đến cuối năm, Công ty ghi nhận lỗ tỷ giá trên sổ sách và tỷ giá chênh lệch chỉ khoảng 5%. Do đó, vay USD có lợi hơn vay VND để đầu tư.
Đối với nguy cơ các doanh nghiệp FDI khác đầu tư vào Việt Nam khi thị trường mở cửa, ông Hòa tự tin
họ sẽ không thể cạnh tranh được với STK.
Theo ông Hòa, STK đầu tư theo kiểu cuốn chiếu và mở rộng. Một số thiết bị, máy móc của STK đã được khấu hao một nửa, một số khác thì mới hoạt động nên dù sao, chi phí cố định sẽ thấp hơn các doanh nghiệp đầu tư mới. Nếu xây dựng nhà máy mới, vận hành mới, họ phải mất ít nhất 3 năm, nhanh thì 1,5 năm mới ổn định được sản xuất.
Khổng Chiêm