Giờ đây, những phần việc còn lại không nhiều. VNPT chỉ cần thoái hết vốn ở 63 công ty cổ phần, liên kết trước cuối năm 2015 là công cuộc tái cấu trúc tập đoàn có thể coi như đã hoàn thành trước kế hoạch sớm hơn 5 năm.

Chia sẻ với VietNamNet, ông Phạm Đức Long, TGĐ VNPT cho biết, sau hơn 1 năm tái cấu trúc, việc sắp xếp, cơ cấu lại 63 VNPT tỉnh, thành là giai đoạn "mất nhiều thời gian nhất, khó khăn, phức tạp nhất" nhưng đã về đích đúng theo lộ trình. VNPT đã thành lập xong 3 Tổng công ty dọc là VNPT VinaPhone, chuyên trách về kinh doanh, VNPT Media chuyên về dịch vụ trong khi VNPT Net chịu trách nhiệm về hạ tầng.

Khối văn phòng Tập đoàn cũng đã được tinh giản bộ máy, điều chuyển hơn 180 nhân sự sang kinh doanh. Hiện tại, VNPT có tới hơn 15.000 nhân viên kinh doanh, với sự hỗ trợ của hệ thống quản trị doanh nghiệp mới như thẻ điểm BSC, cơ chế lương 3Ps để chấm dứt tình trạng trả lương "cào bằng", "ai ngồi lâu thì lương cao" trước đây. Hiện tại, nhiều lao động thậm chí đã được hưởng lương cao hơn cả lãnh đạo.

Thay đổi tư duy!

Trong khối viễn thông các tỉnh, thành phố, VNPT Đắc Lắc là một trong số đơn vị đi đầu về thực hiện tái cấu trúc và là đơn vị tăng trưởng doanh thu cao thứ 2 Tập đoàn, chỉ sau Hà Nội. Năm 2011, đơn vị này còn chênh lệch thu chi âm 23 tỷ đồng, nhưng sau 3 năm, đơn vị đã "lãi" 61,3 tỷ đồng, dự kiến đến hết năm 2015 sẽ tăng lên hơn 70 tỷ đồng.

Giám đốc VNPT Đắc Lắc Nguyễn Hữu Anh nhấn mạnh, kết quả này có được là do chủ trương tái cấu trúc. "Phương châm của chúng tôi là chấp hành, triển khai nghiêm túc. Làm đến đâu phải chắc đến đó, không để tái cấu trúc ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh".

Từ tháng 8/2014, sau khi có Quyết định 888 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo từ Bộ TT&TT cũng như Tập đoàn về tái cấu trúc, VNPT Đắc Lắc đã thu gọn 6 phòng chức năng xuống còn 3 phòng, hình hành 18 phòng kinh doanh - bán hàng, vận hành theo chiến lược "Tăng độ phủ thị trường, xóa bớt các cấp trung gian để kênh thông tin chỉ đạo ngắn nhất, thẳng từ ban giám đốc xuống các đơn vị kinh doanh".

Cách đây 5 năm, chị Trần Thị Thanh Nga, khi ấy còn đang là nhân viên tổng đài của VNPT Đắc Lắc đã được điều chuyển và bổ nhiệm làm Trưởng phòng Giao dịch Tân Thành, chịu trách nhiệm kinh doanh ở 7 xã, phường rộng gần 200km2 nhưng chỉ có 14 nhân viên. Nếu như theo mô hình trước đây, cả 14 nhân viên này sẽ chỉ ngồi tại Phòng giao dịch để tiếp khách, bán hàng, giải đáp kỹ thuật thì sau tái cấu trúc, 10 nhân viên đã trực tiếp đi xuống địa bàn để kinh doanh. Chỉ còn 4 người ở lại Phòng để thu cước, tư vấn, bán hàng. Nhờ đó, mỗi tháng Phòng Giao dịch này mang về cho VNPT Đắc Lắc khoảng 2,5-3 tỷ đồng doanh thu.

Cơ chế trả lương mới theo hiệu quả kinh doanh đã giúp cải thiện rõ rệt năng suất lao động. Năm 2011, mỗi lao động ở VNPT Đắc Lắc chỉ đạt bình quân 587 triệu đồng/năm doanh thu thì đến cuối năm ngoái, con số này đã tăng lên 1,26 tỷ đồng/người/năm và dự kiến sẽ đạt 1,5-1,6 tỷ đồng vào cuối năm nay.

Tuy được nhận định là "khó, phức tạp và thách thức" hơn nhiều so với địa bàn Đắc Lắc nhưng VNPT Hà Nội cũng đã có sự thay đổi rõ rệt sau hơn 1 năm tái cấu trúc. Doanh thu 6 tháng đầu năm của đơn vị này đạt hơn 2700 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. VNPT Hà Nội hiện đang đứng đầu Tập đoàn VNPT về quy mô tăng trưởng.

Tương tự, VNPT Bình Định cũng đạt kết quả kinh doanh tương đối khả quan khi tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2015 đạt hơn 265 tỷ đồng, chênh lệch thu chi gần 50 tỷ đồng. Năm 2014, theo kết quả hệ thống quản trị doanh nghiệp BSC của Tập đoàn VNPT, Bình Định mới chỉ đứng thứ 19 thì quý 2/2015, đơn vị này đã vươn lên xếp thứ 10…

Quan trọng là thực chất

TGĐ Phạm Đức Long từng khẳng định, sau tái cấu trúc, không còn chuyện làm đẹp số liệu báo cáo nữa mà "Có gì nói nấy", thực tế như thế nào thì báo cáo như vậy. Nói cách khác, vấn đề mấu chốt của Tập đoàn lúc này là phải đi vào thực chất, biết rõ mình đang đứng ở đâu so với đối thủ.

Có đi xuống địa bàn mới thấy, sự thay đổi tư duy này không dễ, nhưng áp lực cạnh tranh, áp lực tái cấu trúc để tồn tại... đã khiến các đơn vị phải xắn tay lên. Tất nhiên, mỗi địa phương lại có đặc thù riêng. Mức độ tái cấu trúc thành công đến đâu cũng còn phụ thuộc vào sự quyết liệt của ban lãnh đạo nơi đó.

Chẳng hạn, để “tăng doanh thu, giảm chi phí”, Đắc Lắc chú trọng giảm các chi phí mua bảo hiểm không cần thiết, cắt hoa hồng của lớp trung gian, xem xét lại hiệu quả của từng hạng mục đầu tư, còn VNPT Hà Nội lại được lợi từ việc đấu thầu gói lớn làm giảm chi phí 30-40%, tối ưu hóa mạng lưới…

Một phương diện nữa rất cần sự "quyết liệt" là bán hàng. Ông Tô Dũng Thái, Giám đốc VNPT Hà Nội cho hay, trước tái cấu trúc, đơn vị có 450 nhân viên làm kinh doanh nhưng chỉ có 150 nhân viên quản lý bán hàng cho đại lý,  gần như không có nhân viên trực tiếp bán hàng, "trắng địa bàn". Nhưng từ tháng 8/2014 đến nay, VNPT Hà Nội đã chuyển hơn 700 nhân viên bộ phận gián tiếp, khối kỹ thuật sang kinh doanh, bám sát địa bàn.

Còn tại Đắc Lắc, ông Nguyễn Hữu Anh cho biết, sau tái cấu trúc VNPT Đắc Lắc đã có 89% lao động trực tiếp sản xuất, trong đó khối kinh doanh chiếm 41%. Nhiều đồng chí lãnh đạo các bộ phận đã phải xin nghỉ khi năng suất lao động giảm, dù đã được cho "gia hạn hỗ trợ" nhưng vẫn không cải thiện được. Tính riêng từ năm 2012 đến nay, Đắc Lắc đã có hơn 300 lượt thay đổi vị trí nhân sự, từ cấp cao cho đến cấp nhỏ. "Đội ngũ anh em hiện tại rất trẻ, năng động. Còn chuyện luân chuyển, thay đổi vị trí liên tục thì mọi người đều quen rồi".

Trong khi đó, Bình Định xác định, giá cước của VNPT với các đối thủ chính trên địa bàn như Viettel cũng đang tương đương nhau, do đó, cần phải cạnh tranh bằng hạ tầng, chất lượng mạng di động, chăm sóc khách hàng. "VNPT Bình Định đang có tuổi đời trung bình cao, chậm thay đổi hơn đối thủ nhưng chúng tôi đang đẩy mạnh công tác quy hoạch cán bộ, đào tạo nhân viên trẻ. Lương anh em giờ cao hơn Giám đốc là chuyện bình thường, miễn là làm giỏi".

Theo Trọng Cầm
Vietnamnet

Nguồn: Vietnamnet