Tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore Fraser & Neave (F&N) đã đánh tiếng qua trao đổi thư với đại diện của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) về mối quan tâm của họ đối với việc thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại đây. F&N chào giá 4 tỷ USD cho số cổ phần Nhà nước sẽ thoái, nguồn tin đáng tin cậy từ giới đầu tư nước ngoài ở TPHCM cho biết.
Tổng giám đốc một quỹ đầu tư lớn mà đại diện hiện đang là thành viên hội đồng quản trị Vinamilk xác nhận vớ
i TBKTSG Online độ chính xác của thông tin trên. F&N thông qua công ty con là F&N Dairy Investment hiện đang sở hữu khoảng 11% cổ phần của Vinamilk.
Trao đổi với
TBKTSG Online, một quan chức cấp cao Bộ Tài chính cho biết Bộ đã có chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư & Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) khẩn trương nghiên cứu và trình phương án thoái vốn ở 10 doanh nghiệp theo như văn bản của Chính phủ. Việc thoái vốn sẽ theo hình thức đấu giá công khai trên sàn chứng khoán cho mọi đối tượng nhà đầu tư.
Trong khi đó Vinamilk đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thoái vốn Nhà nước, trong đó đưa ra bốn đề xuất để nâng cao hiệu quả của việc thoái vốn, bao gồm:
1. Lộ trình thoái toàn bộ vốn Nhà nước nên được công bố sớm, rõ ràng để giới đầu tư có sự chuẩn bị thích đáng;
2. Chính phủ cho phép nâng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Vinamilk lên 100% do sữa không phải là ngành nghề nhạy cảm, không ảnh hưởng đến an ninh lương thực;
3. Đấu giá công khai là phương thức tốt nhất để đảm bảo minh bạch, không gây biến động thị trường;
4. Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tham gia mua cổ phần.
Được biết trong lịch sử doanh nghiệp, Vinamilk đã từng tổ chức ba đợt đấu giá công khai cổ phần Nhà nước vào tháng 10-2003, tháng 2-2005 và tháng 11-2005. Cả ba lần giá trúng bình quân thành công đều cao hơn nhiều giá khởi điểm và cao hơn giá giao dịch trên thị trường OTC lúc bấy giờ.
Cũng cần phải nói rõ rằng, khác với các doanh nghiệp khác, kể từ khi cổ phần hóa, Nhà nước không bỏ thêm một đồng vốn nào vào Vinamilk, mà con thu được hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm tiền cổ tức.
Trả lời TBKTSG Online, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital, nói hiện tại mối quan tâm của nước ngoài đối với việc thoái vốn Nhà nước ở 10 doanh nghiệp là rất lớn. Nước ngoài cũng đã chuẩn bị sẵn tiền để tham gia vào các đợt cổ phần hóa, bán cổ phần lần đầu ra công chúng của những doanh nghiệp như MobiFone, bán bớt vốn Nhà nước ở Sabeco, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
“Tiền có sẵn rồi, nhưng chưa hàng hóa tốt để mua,” ông Dominic Scriven nhận xét.